Nếu có tố chất này, dù không biết tiếng Nhật, bạn vẫn là ứng viên nặng kí lọt mắt xanh các ông chủ Nhật

29/03/2016 16:03 PM | Kinh tế vĩ mô

Không biết tiếng Nhật thì có thể đào tạo, nhưng có một tố chất người Nhật rất coi trọng mà không phải ứng viên Việt Nam nào cũng có.

80% doanh nghiệp Nhật Bản cần “thợ lành nghề”, và tỉ lệ này tăng thêm 9% nữa nếu doanh nghiệp mở rộng kinh doanh trong tương lai, ông Matsushita Takashi, cố vấn Cao cấp hình thành dự án, Văn phòng JICA tại Việt Nam cho biết tại hội thảo “Sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho sự phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam” diễn ra cuối tuần trước.

Mặc dù “khát nhân lực” nhưng các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn rất khắt khe trong việc lựa chọn ứng viên cho mình.

“Năng lực giải quyết vấn đề” là yếu tố được các ông chủ người Nhật quan tâm hàng đầu khi nhìn vào hồ sơ của ứng viên, ông Matsushita nhấn mạnh.

Trong khi rất nhiều kỹ năng như ngoại ngữ, văn hóa, triết lý kinh doanh… có thể học được, rèn luyện được theo thời gian thì yếu tố này không phải ứng viên nào cũng có thể có được.

Năng lực giải quyết vấn đề, theo ông Matsushita lý giải, là khả năng phát hiện, giải quyết vấn đề. Ví dụ, trong cùng một dây chuyền sản xuất cùng với cùng một lượng nguyên liệu đầu vào, người có “năng lực giải quyết vấn đề” sẽ tìm ra được cách sử dụng hiệu quả nhất nguồn nguyên liệu đó cũng như phát giác được những vấn đề phát sinh.

Họ sẽ diễn giải được những hao hụt, những sự cố có thể đang và sẽ xảy ra, từ đó đưa ra các phương hướng giải quyết.

Ông Matsushita cũng nói thêm, các doanh nghiệp Nhật Bản không cần một nhân viên “biết nghe lời cấp trên”. Nhân viên cần có suy nghĩ độc lập, lập trường của riêng mình để tìm ra và bảo vệ ý kiến của mình trước cấp trên nhằm tạo hiệu quả cao nhất cho công ty và tập thể.

Bên cạnh đó, để trở thành ứng viên hoàn hảo cho những doanh nghiệp Nhật Bản, ngoài việc có kiến thức và có kỹ năng làm việc tốt, người lao động cần hiểu được văn hoá, triết lý làm việc, kinh doanh của người Nhật.

Chẳng hạn như trong công việc, người Nhật chấp nhận người khác có thể mắc sai lầm, nhưng luôn mong muốn sự sai lầm đó không bị lặp lại và người mắc sai lầm phải có tinh thần sửa chữa.

Một quy tắc bất thành văn khác của người Nhật là trong khiển trách và phê bình, người khiển trách là người có uy tín, được mọi người kính trọng…

Hiểu được những vấn đề này trong văn hoá của người Nhật, người lao động mới có thể hoà nhập được tốt.

Liên quan đến việc ngoại ngữ, các doanh nghiệp Nhật Bản đặc biệt là các công ty chuyên về thông tin đang thật sự khát lao động người Việt vừa có chuyên môn vừa thành thạo tiếng Nhật.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp trong lúc chờ đợi thị trường Việt Nam bắt kịp nhu cầu đã chấp nhận nhận các ứng viên không biết tiếng Nhật, sau đó tự mở các khoá học tiếng để đào tạo.

Hiện nay, làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam ngày càng mạnh, tập trung vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, ngành công nghiệp. Theo khảo sát thực hiện trên 115 doanh nghiệp của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), hơn 60% doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư có kế hoạch mở rộng kinh doanh.

Do đó, nhu cầu tuyển dụng của các công ty này thường tăng theo năm, khoảng 20% theo nhận định của Trung tâm hỗ trợ Nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản tại TP HCM (VJCC-HCM) đưa ra cuối năm 2015.

Đình Phương

Cùng chuyên mục
XEM