Văn hóa cafe Nhật khác với phương Tây như thế nào?

07/01/2016 10:41 AM | Sống

Giá bán lẻ cafe tại Nhật cao nhất thế giới và các tiệm cafe Nhật cũng mang một phong cách riêng không trộn lẫn.

Số liệu công bố bởi Hiệp hội café quốc tế chắc hẳn khiến không ít người ngạc nhiên bởi nếu tính theo tổng lượng tiêu thụ tuyệt đối, Nhật là 1 trong 3 nước tiêu thụ nhiều nhất thế giới. Ngoài ra, nếu tính theo giá bán lẻ thì giá cafe tại Nhật cao nhất thế giới, sau đó mới đến Italy.

Tiệm Starbucks đông đúc và có lãi nhất thế giới không phải nằm tại quê hương của thương hiệu này mà là Starbucks ở Shibuya – một trong những khu mua sắm và kinh doanh sầm uất nhất tại Nhật.

Thế nhưng nếu bạn đã từng sống tại Nhật trong một khoảng thời gian đủ dài để có thể cảm nhận được cuộc sống nơi đây, bạn sẽ hiểu tại sao Nhật lại có thứ hạng cao đến vậy trong các bảng xếp hạng tiêu thụ café thế giới.

Trên khắp các đường phố của thủ đô Tokyo là hàng trăm, hàng nghìn thậm chí hàng chục nghìn những tiệm cafe lớn nhỏ đủ cả ở khắp các góc phố với hàng trăm phong cách khác nhau.

Đó có thể là những tiệm cafe tên tuổi bám sát các ga tàu đông đúc nhộn nhịp nhưng cũng có thể chỉ là một quán cafe nhỏ xíu trên mặt bằng 20 mét vuông với những chú mèo xinh xắn.

Đó có thể là những tiệm cafe thuộc chuỗi Key Coffee thuộc tháp Tokyo, biểu tượng của thời kỳ kinh tế Nhật tăng trưởng cao, hay hàng triệu những chai cafe pha sẵn bán từ các máy bán hàng tự động.

Bạn có thể uống cafe ở Nhật không chỉ với con người mà đó có thể là mèo, chó, thỏ, chim cánh cụt, dê, cú. Tiệm cafe mèo đầu tiên trên thế giới được cho là ở Nhật, sau đó ý tưởng này mới lan sang nước Anh và trở nên rất được ưa chuộng.

Hãy bỏ ra khoảng 1.100 yên, tức 200 nghìn đồng Việt Nam để đến thăm tiệm cafe mèo ở gần ga Akihabara, khu vực nổi tiếng với đồ điện tử và cả “đặc sản” là các cô gái tuổi teen xinh đẹp. Với số tiền trên bạn sẽ được một cốc cafe và chơi với các chú mèo xinh đẹp trong 1 tiếng đồng hồ.

Bởi ở Nhật bất kỳ địa điểm công cộng nào cũng quá đông đúc, vì thế để phục vụ được tối đa khách, rất nhiều các nhà hàng, tiệm cafe quy định giờ đón khách, thường với quán café khoảng một tiếng còn với quán ăn sẽ là 2 tiếng đồng hồ.

Chủ tiệm cafe mèo ở Akihabara cho biết có những khách đến cửa hàng 1 tuần vài lần chỉ để gặp chú mèo yêu thích của mình, họ cũng chẳng quan tâm nhiều lắm đến cafe ngon hay dở thế nào.

Ai đã đưa cafe vào Nhật?

Dù cafe là một thức uống rất phổ biến với người Nhật nhưng lịch sử uống cafe của người Nhật mới chỉ hơn 40 năm qua, điều gây không ít ngạc nhiên cho nhiều người. Theo số liệu của Euromonitor, lịch sử uống cafe có thể coi như rất ngắn nếu so với các loại đồ uống khác như trà xanh.

Gói cafe đầu tiên đến lãnh thổ Nhật từ vài trăm năm trước đây, nhưng người Nhật mới chỉ thực sự thưởng thức nó từ thập niên 1970 bởi công ty Doutor, công ty Nhật đã mở cửa hàng cafe mang phong cách châu Âu đầu tiên tại Nhật vào năm 1980. Tiệm cafe này chỉ có diện tích 9 mét vuông nhưng nó đã thành công đáng kinh ngạc và được coi như bàn đạp cho sự phát triển của Doutor sau này.

Trong khi đó, người châu Âu và Arab đã uống cafe hàng trăm năm nay. Ban đầu cafe được tìm ra và đưa nó thành thức uống tại Ethiopia, sau đó trở nên phổ biến trong thế giới Arab và cuối cùng đến châu Âu qua các con đường giao thương thương mại.

Tại các tiệm cafe ở thế giới Arab, dù đó là Damacus ở Syria hay Cairo tại Ai Cập hoặc các nước từng là thuộc địa Mỹ, các đề tài chính trị tôn giáo luôn rất được quan tâm, thậm chí người ta có thể xô đổ bàn ghế để tranh cãi về các vấn đề này.

Tại châu Âu, các tiệm cafe được coi là nơi gặp gỡ bạn bè và trao đổi đủ thứ chuyện phiếm trên đời, chính vì thế nó cũng rất ồn ào với nhạc và tiếng người nói chuyện ào ào.

Bởi vì cafe bắt đầu trở nên phổ biến tại Nhật trong thời kỳ kinh tế Nhật tăng trưởng cao vì thế không có gì là ngạc nhiên khi mà các tiệm cafe tại Nhật là nơi gặp gỡ thường xuyên của giới doanh nhân trong nước và quốc tế.

Khi ngồi trong tiệm cafe, người Nhật cũng thường không thích tranh luận sôi nổi về tôn giáo, chính trị hay những chủ đề quá nghiêm túc, khá nhiều người trong số họ nói chuyện công việc của cá nhân hay chơi cờ, domino.

Các tiệm cafe tại Nhật thường cũng rất yên tĩnh, đó là văn hóa đặc trưng Nhật: dù có vấn đề gì đi nữa cũng nên tránh làm phiền người khác. Chính vì vậy họ hay im lặng để giữ không gian riêng cho mình và cũng tôn trọng khoảng không gian riêng của người khác. Khách du lịch từ các nơi khác đến không thể hiểu được điều này, vì thế nhiều người Nhật thường tránh đến những tiệm cafe ở các khu vực mà họ cho là sẽ có đông du khách như Shibuya hay Shinjuku.

Ngọc Thúy

Cùng chuyên mục
XEM