Nếu bạn đang tuyệt vọng, hãy đọc cuốn sách kì diệu này

17/06/2019 14:45 PM | Sống

Đây là cuốn sách mới nhất của Sheryl Sandberg - Giám đốc vận hành Facebook và Adam Grant - Giáo sư tâm lý học hàng đầu Wharton, được viết nên từ chính trải nghiệm thực tế của bản thân mình.

Trong khoảnh khắc đen tối nhất khi phải đối mặt với cú sốc mất đi người chồng thương yêu, Sheryl Sandberg - Giám đốc vận hành Facebook gọi cho Adam - Giáo sư tâm lý học hàng đầu Wharton, vì cô không thể tự mình chấm dứt nỗi đau buồn. Cô không tin mình có thể tìm thấy niềm vui nào nữa và những đứa con của cô sẽ vĩnh viễn không bao giờ có được hạnh phúc.  

Adam Grant đồng hành cùng Sheryl Sandberg trong suốt thời gian khó khăn đó. Những hướng dẫn quan trọng đã giúp cô chuyển hóa nỗi đau để tiến về phía trước. Phương án B kết hợp trải nghiệm cá nhân của Sheryl với nghiên cứu khai sáng của Adam qua hàng loạt các trường hợp thực tế từ người quen, bạn bè, gia đình. Họ phải vượt nhiều dạng khó khăn, nghịch cảnh như bệnh tật, thất nghiệp, tấn công tình dục, thiên tai, hay bạo động trong chiến tranh. Mỗi người đã thấy khả năng phi thường của mình để kiên cường vượt qua... và tìm lại niềm vui.

Dưới đây là 5 cách của Sheryl & Adam để xây dựng khả năng phục hồi:  

Cá nhân hóa – Lan tỏa – Vĩnh viễn

Chúng ta gieo hạt kiên cường theo cách ta xử lý các sự kiện tiêu cực. Sau hàng chục năm nghiên cứu người ta phản ứng trước rào cản, nhà tâm lý Martin Seligman nhận thấy ba chữ P có thể cản trở quá trình hồi phục: (1) Personalization – cá nhân hóa – ta tin rằng lỗi là do mình; (2) Pervasiveness – lan tỏa – ta tin rằng sự việc sẽ ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong đời ta; và (3) Permanence – vĩnh viễn – ta cho rằng dư chấn của sự việc sẽ kéo dài mãi mãi.

Hàng trăm nghiên cứu cho thấy trẻ em và người lớn hồi phục nhanh hơn khi họ nhận thấy khó khăn không phải hoàn toàn do lỗi của họ, không tác động đến mọi khía cạnh trong cuộc đời họ, và sẽ không bám theo họ cả đời. Khi người ta nhận ra sự việc tiêu cực không phải do họ, không lan tỏa, không phải là vĩnh viễn, họ ít bị trầm cảm và đối mặt với nó dễ dàng hơn.

Đá đít con voi ra khỏi phòng bạn

Sheryl thường rất cởi mở và kết nối với các đồng nghiệp tại văn phòng Facebook, tuy nhiên lúc cô trở lại làm việc, cô đã không chia sẻ gì về việc chồng cô đột ngột qua đời. Nỗi cô đơn mất mát của cô vô tình tăng thêm do khoảng cách cô đặt ra giữa mình và đồng nghiệp - cô cảm thấy thật khó khăn để đề cập đến Dave, cô không dám và người khác lại càng không dám, họ sợ khơi gợi lại nỗi đau hay nói bất cứ điều gì không phù hợp vào lúc nhạy cảm này, họ không biết phải bắt đầu câu chuyện như thế nào cho tự nhiên và chân thành nhất. 

Sheryl trở nên rất cô lập, giống như trong phòng có một con voi mà ai cũng làm như không thấy, nó bắt đầu ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa mọi người.

Nếu bạn đang tuyệt vọng, hãy đọc cuốn sách kì diệu này  - Ảnh 1.

Cuối cùng Sheryl đã quyết định đăng tải một bài chia sẻ hết cảm xúc "hố sâu" của mình lên Facebook cá nhân, sau thời gian tang lễ truyền thống 30 ngày. Bài viết có tác động ngay lập tức. Bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm bắt đầu đề cập đến con voi. 

Những cuộc hỏi thăm và trò chuyện trở nên sâu sắc, không còn là câu hỏi bâng quơ "Chị thế nào?", thay vào đó cô nhận được những thông điệp như "Tôi biết cuộc sống của chị hẳn đang rất khó khăn. Tôi lúc nào cũng nghĩ đến chị và các con". Trả lời từ người lạ khắp nơi trên thế giới phần nào giúp cô bớt cô độc và họ đồng cảm cùng nhau: một bà mẹ mất một đứa con song sinh, một anh chàng mất vợ 3 năm trước... những tổn thương ấy đã và đang được an ủi, động viên.

Mặc dù không phải tất cả đều cảm thấy thoải mái chia sẻ thảm kịch cá nhân, nhưng chúng ta chính là người chủ động chọn lựa khi nào, trong hoàn cảnh nào và hiểu rõ liệu ta có đang thực sự muốn bày tỏ cảm xúc ấy ra. 

Sheryl và Adam đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy việc mở lòng chia sẻ về sự kiện đau thương có thể cải thiện sức khỏe tinh thần lẫn thể xác. Trò chuyện với bạn bè, gia đình sẽ giúp ta thấu hiểu hơn cảm xúc của chính mình, cũng như cảm thấy được lắng nghe, thấu hiểu.

Tự cảm thương và tự tin

Trong các nghiên cứu về đổ vỡ trong hôn nhân, kiên cường không liên quan đến lòng tự trọng, suy nghĩ tích cực hay trầm cảm trước khi ly dị, thời gian duy trì mối quan hệ hay chia lìa… Tự thương cảm mới là yếu tố tương quan mật thiết với hạnh phúc, ít dằn vặt về tinh thần, giúp người ta vượt qua buồn khổ để bước tiếp. Như những người lính trở về từ chiến Afghanistan và Iraq, người tự thương cảm giảm nhiều triệu chứng bệnh rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD).

Nếu bạn đang tuyệt vọng, hãy đọc cuốn sách kì diệu này  - Ảnh 2.

Mất tự tin là dấu hiệu của chữ P lan tỏa: sau cú sốc mất người thân, mất việc, gây tai họa cho người khác, ngồi tù… ta buồn tủi, đau buồn, giận dữ, trách móc và điều đó khiến ta nghi ngờ bản thân trong tất cả mọi vấn đề khác của cuộc sống. Mất mát này dẫn đến mất mát khác, cuối cùng sự tự tin suy sụp hoàn toàn. Tìm ra niềm tin giới hạn, suy nghĩ tiêu cực đang níu giữ mình và viết chúng lại theo hướng giải phóng bản thân là điều hết sức cần thiết, "Giá trị của tôi không do hành động quyết định", "Tôi có thể cho phép người ta chăm sóc tôi – và tôi cần chăm sóc chính mình". 

Bằng cách tự viết nhật ký hay ra ngoài tham gia các khóa học giải phóng niềm tin giới hạn; bạn cần lấy lại sự tự tin để bước tiếp, hạnh phúc và thành công. Nó quyết định bạn có dám nhận thử thách, rủi ro mới, xin việc mới, học kỹ năng mới, hay chỉ là đủ can đảm hẹn hò để không vụt mất người bạn đời tương lai lý tưởng.

Đóng góp

Để giúp Sheryl xây dựng lại sự tự tin của mình, Adam đề nghị cô viết ra 3 điều cô làm tốt mỗi ngày.  Những nghiên cứu cho thấy danh sách điều tích cực là hữu ích vì nó giúp ta nghĩ đến những "thắng lợi nho nhỏ", làm giảm mức độ áp lực và các than phiền về bản thân. Không cần phải là những thành tựu lớn lao, chỉ riêng hành động thay thế những trách móc bản thân về mớ lộn xộn trong ngày bằng những điều tốt đẹp đang diễn ra cũng là một sự thay đổi đáng mừng.

Trong 6 tháng, hầu như đêm nào trước khi đi ngủ, Sheryl cũng viết lại danh sách của mình. Adam và đồng nghiệp Jane Dutton thấy rằng lòng biết ơn mang tính thụ động: nó khiến ta biết ơn vì những gì ta nhận được nhưng đóng góp lại mang tính chủ động: nó làm ta tăng tự tin khi nhắc nhở rằng chúng ta có thể tạo sự khác biệt. 

Sheryl cũng đưa ra lời khuyên này với những đồng nghiệp thường hay nghi ngờ bản thân rằng chúng ta không hướng đến sự hoàn hảo. Chỉ cần tin vào bản thân và tin rằng mình vẫn có thể đóng góp thêm một chút nữa, chính sức mạnh từ câu trả lời "Bạn sẽ làm gì nếu bạn không e sợ? Tôi sẽ đi một bước. Rồi một bước nữa" sẽ giúp bạn thoát ra điểm mắc kẹt mỗi khi quá sức. Và đừng quên nguồn động viên, khích lệ từ người thân, bạn bè xung quanh lúc này là vô cùng hữu ích.

Tìm lại niềm vui

Nhiều người qua cú sốc không chỉ chìm trong đau buồn mà còn rơi vào cái bẫy của tội lỗi: "Tại sao mình lại là người còn sống?", "Tại sao tai nạn lại xảy ra với anh ấy?". Ngay cả khi nỗi đau buốt lòng đã lắng xuống, cảm giác tội lỗi vẫn đày đọa. 

Trong buổi lễ Bat Mitzvah do con gái một người bạn Sheryl tổ chức, khi DJ bắt đầu chơi bài "September" của Earth, Wind, Fire và anh bạn thân đã kéo tay cô lên sàn nhảy, họ như quay về thời học sinh, bỏ qua mọi thứ, họ cười – ca hát – nhảy nhót cùng nhau. Sheryl bất ngờ bật khóc. Một khoảnh khắc không có nỗi cô đơn, đau buồn, là niềm hạnh phúc đầu tiên cô cảm nhận được từ khi Dave qua đời, nhưng rồi cảm giác tội lỗi nhanh chóng quay về "Sao tôi có thể vui khi Dave không còn nữa?". Nhưng đó là khoảnh khắc đầy hi vọng, cơ hội để cô chạm lại một niềm vui thực thụ.

Nếu bạn đang tuyệt vọng, hãy đọc cuốn sách kì diệu này  - Ảnh 3.

Cô không nhận ra niềm vui vì cô chỉ biết tập trung vào các con, công việc và cố gắng vượt qua từng ngày. Adam giúp cô từng bước trở lại với những việc mà gia đình cô yêu thích: chơi Settlers of Catan với những đứa trẻ, ủng hộ đội bóng mà Dave từng yêu thích, chơi bài poker,... "Chúng tôi làm lại hết" trở thành châm ngôn. Thay vì chờ đợi hãy tận hưởng những điều nhỏ nhặt, nắm bắt và tạo dựng chúng. 

Những lúc đó ta sẽ tạm quên đi nỗi đau và khi cộng tất cả những khoảnh khắc hạnh phúc này, ta không chỉ có niềm vui, chúng còn cho ta sức mạnh.

Minh Tú

Cùng chuyên mục
XEM