Năm 2020, thị trường đất nền Đông Nam Bộ sẽ “giảm nhiệt” do chính quyền “mạnh tay” sau vụ việc Alibaba

28/12/2019 14:50 PM | Kinh doanh

Theo ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), sau diễn biến từ vụ việc của Công ty Alibaba, công tác quản lý của chính quyền sẽ chặt chẽ hơn. Do đó, tại miền Đông Nam Bộ khó có dự án mới ra hàng. Dự báo nguồn cung và lượng giao dịch đất nền có thể sụt giảm mạnh trong năm 2020.

Dự báo về thị trường BĐS năm 2020, ông Hưng cho rằng, sẽ không có nhiều biến động, nhu cầu về nhà ở tiếp tục gia tăng, đặc biệt đối với phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp. Thị trường bất động sản 2020 dự báo tiếp tục phát triển ổn định, bền vững.

Đối với thị trường bất động sản Hà Nội, nguồn cung bất động sản nhà ở duy trì ổn định, nguồn cung mới vẫn chủ yếu ở phân khúc trung cấp, giá bất động sản tăng 1-2%.

Tại Tp.HCM, nguồn cung bất động sản nhà ở giảm do không có nhiều dự án mới được phê duyệt triển khai, đặc biệt là đối với phân khúc nhà ở giá thấp, giá bất động sản tăng 4-5%.

Đối với thị trường bất động sản đất nền khu vực các tỉnh miền Đông Nam bộ, sau diễn biến từ vụ việc của Công ty Alibaba, công tác quản lý của chính quyền sẽ chặt chẽ hơn, khó có dự án mới ra hàng. Nhà đầu tư và người tiêu dùng đều e ngại việc mua – bán bất động sản đất nền, dự báo nguồn cung và lượng giao dịch đất nền có thể sụt giảm mạnh.

Với thị trường bất động sản du lịch tại một số địa phương như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Nam, Kiên Giang, ... dự báo thị trường tiếp tục chững lại, trầm lắng hơn so với giai đoạn 2017-2018. Vị chuyên gia này đưa ra các giải pháp để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Giải pháp dài hạn: Theo ông Hưng, để giải quyết những vấn đề vương mắc, bất cập đối với cá

c dự án bất động sản, trong dài hạn cần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện một số quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh bất động sản (Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật).

Giải pháp trước mắt: Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến trình tự, thủ tục đầu tư, thủ tục đất đai (trong đó có nội dung quy định liên quan đến Nghị định 11/2013/NĐ-CP) để tháo gỡ những khó khăn, bất cập hiện nay. Trong đó, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/01/2017 về việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cần sớm nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, văn bản quy định liên quan đến phát triển và quản lý các công trình condotel, officetel, biệt thự nghỉ dưỡng để ban hành trong thời gian tới.

Phương Nga

Cùng chuyên mục
XEM