Năm 2017 Việt Nam phải trả kinh phí đối ứng tăng dần cho tiêm chủng

29/12/2016 08:46 AM | Xã hội

Với sự hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác tiêm chủng mở rộng ở các tuyến trong cả nước, công tác tiêm chủng mở rộng năm 2016 đã tiếp tục đạt được nhiều thành công.

Để hiểu rõ hơn về những kết quả, khó khăn, thách thức của công tác tiêm chủng mở rộng thời gian qua và những hoạt động sẽ được triển khai trong năm 2017, phóng viên TTXVN đã có buổi trao đổi với tiến sỹ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế).

- Bà có thể chia sẻ những điểm nhấn của công tác tiêm chủng mở rộng năm 2016?

- Tiến sỹ Dương Thị Hồng: Năm 2016, Việt Nam tiếp tục bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh. Bệnh sởi và rubella được khống chế. Tỷ lệ mắc, chết vì các bệnh đã có vắcxin nằm trong tiêm chủng mở rộng tiếp tục giảm. Công tác giám sát bệnh trong tiêm chủng mở rộng được tăng cường và hoạt động có hiệu quả; đặc biệt là giám sát bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh và sởi.

Đến hết tháng 10/2016, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt 83,4%, đạt tiến độ yêu cầu (75%) trên phạm vi toàn quốc. Tỷ lệ tiêm vắcxin sởi-rubella cho trẻ 18 tháng tuổi đạt 79,1%; tỷ lệ trẻ tiêm vắcxin DPT4 (vắcxin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván mũi 4) đạt 77,9%, đạt yêu cầu và tăng so với cùng kỳ năm 2015.

Tiếp nối thành công chiến dịch tiêm vắcxin sởi-rubella năm 2014-2015, tháng 6/2016 cũng đánh dấu việc hoàn thành chiến dịch tiêm bổ sung vắcxin sởi-rubella cho đối tượng nam nữ 16-17 tuổi trước khi bước vào đại học và đi làm. Chiến dịch được triển khai tiêm cho học sinh tại các trường phổ thông trung học và tại cộng đồng cho đối tượng không đi học.

Kết thúc chiến dịch, gần 1,8 triệu người trong độ tuổi từ 16-17 tuổi đã được tiêm phòng vắcxin sởi-rubella, đạt tỷ lệ 94,9%. Nhờ đó, trong năm 2016, cả nước chỉ ghi nhận 34 ca mắc sởi, giảm 442 lần so với năm 2014 và giảm 8 lần so với năm 2015.

Bên cạnh đó, để duy trì thành quả thanh toán bại liệt, tháng 7/2016, Dự án Tiêm chủng mở rộng đã tổ chức thành công chiến dịch uống vắcxin bại liệt (OPV) cho trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn 120 huyện có nguy cơ cao thuộc 19 tỉnh/thành phố, đạt tỷ lệ 95,3%.

Đặc biệt, thực hiện khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong tháng 5/2016, Việt Nam cùng với 155 quốc gia thực hiện chuyển đổi từ vắcxin bại liệt tuýp 3 sang sử dụng vắcxin 2 tuýp (bOPV) để hướng tới mục tiêu thanh toán bại liệt trên toàn cầu. Bộ Y tế Việt Nam đã quyết định ngừng sử dụng vắcxin bại liệt 3 tuýp (tOPV) từ ngày 1/5/2016 và chuyển sang sử dụng vắcxin bại liệt 2 tuýp (bOPV) từ tháng 6/2016.

Với những nỗ lực và thành công của Chương trình tiêm chủng mở rộng, Việt Nam tiếp tục được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, thu hút được sự hỗ trợ của Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế.

- Nối tiếp thành công của năm 2016, trong năm 2017, công tác tiêm chủng sẽ tập trung vào những hoạt động chính nào, thưa bà?

- Tiến sỹ Dương Thị Hồng: Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định về hoạt động tiêm chủng. Nghị định cho phép triển khai tiêm chủng tại nhà ở các xã thuộc vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hoạt động tiêm chủng theo quy định và đảm bảo nguồn lực, ngân sách địa phương cho hoạt động tiêm chủng trên địa bàn.

Nghị định quy định rõ trách nhiệm của cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ và người được tiêm chủng như: Phải đăng ký tiêm chủng cho trẻ sau khi sinh hoặc khi đi tiêm lần đầu và đưa trẻ đi tiêm chủng theo quy định; phối hợp, tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn của cán bộ y tế khi thực hiện tiêm chủng và theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm; khai báo đầy đủ, trung thực các thông tin về tình trạng sức khỏe trong thời gian tiêm chủng và sau khi tiêm chủng; phải thực hiện tiêm chủng trong trường hợp có chỉ định về chuyên môn; lưu giữ, bảo quản sổ theo dõi tiêm chủng cá nhân.

Chính vì vậy, năm 2017, vai trò của Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố sẽ được tăng cường trong việc cung ứng vật tư tiêm chủng, duy trì bảo dưỡng, thay thế thiết bị dây chuyền lạnh, cân đối kinh phí chi trả công tiêm và công vận chuyển vắcxin.

Đồng thời, năm 2017, ngoài các hoạt động trong tiêm chủng thường xuyên, Chương trình tiêm chủng mở rộng tiếp tục duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh; tiếp tục ưu tiên đầu tư nhằm tăng cường tỷ lệ, chất lượng tiêm chủng tại những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa; tăng tỷ lệ tiêm vắcxin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ nhằm đạt mục tiêu khống chế bệnh viêm gan B vào năm 2017.

Chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ tăng cường hoạt động nhằm đạt mục tiêu loại trừ sởi trong thời gian tới; duy trì tỷ lệ cao tiêm vắcxin sởi và vắcxin sởi-rubella cho trẻ em trong tiêm chủng thường xuyên; tăng cường công tác giám sát bệnh để phát hiện và đáp ứng kịp thời, khống chế không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng...

- Theo bà, những thách thức, khó khăn của công tác tiêm chủng mở rộng trong năm 2017?

- Tiến sỹ Dương Thị Hồng: Mặc dù là một trong những dự án được ưu tiên của Chương trình mục tiêu quốc gia y tế-dân số nhưng trong năm 2017, công tác tiêm chủng mở rộng vẫn gặp nhiều thách thức.

Cụ thể là nguy cơ dịch bệnh bại liệt xâm nhập từ các nước xung quanh còn hiệu hữu ảnh hưởng đến việc bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh. Chính vì vậy, công tác giám sát bệnh ở các địa phương cần được tăng cường hơn nữa.

Bên cạnh đó, kinh phí cho Chương trình tiêm chủng mở rộng không ngừng được Nhà nước và Bộ Y tế tăng lên hàng năm song mới chỉ đáp ứng đủ cho nhu cầu vắcxin. Viện trợ từ các tổ chức quốc tế đang có xu hướng giảm dần sau khi Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia có thu nhập trung bình.

Năm tới, Chính phủ Việt Nam phải chủ động chi trả kinh phí đối ứng vắcxin 5 trong 1 với tỷ lệ tăng dần.

Đặc biệt, năm 2017, Liên minh toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng (GAVI) sẽ hỗ trợ bổ sung thay thế dây chuyển lạnh cho Chương trình tiêm chủng mở rộng theo cơ chế 50% và ngân sách Nhà nước phải chi trả 50% còn lại. Đây cũng là một trong những khó khăn lớn của hoạt động tiêm chủng mở rộng trong năm 2017...

- Trân trọng cảm ơn tiến sỹ.

Theo Thu Phương

Cùng chuyên mục
XEM