Những con số đáng suy ngẫm về y tế, bệnh viện ở Việt Nam
Cả nước chỉ có 7,61 bác sĩ trên 10.000 dân; 4 bệnh nhân ở viện Nhi nằm chung một giường hay cứ 4.000 người bệnh đến Bạch Mai khám thì có tới 2.000 xe máy... là những con số nói lên tình trạng hiện nay của y tế Việt Nam.
Bệnh viện chuyên khoa Nhi Tp.HCM: 4 cháu nằm 1 giường
Vào những ngày cuối tuần, các bệnh viện chuyên khoa nhi ở TP HCM thường quá tải. Đặc biệt vào cuối tuần, khi số bệnh nhi nội trú tăng cao nhất, lượng bệnh nhi cao gấp mấy lần số giường nên có khi phải nằm ghép 2-4 trẻ/giường.
Mỗi ngày bệnh viện Bạch Mai đón 4.000 người đến khám bệnh thì có trên 2.000 xe máy
Theo thống kê của bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày có 4.000 người đến khám bệnh, số phương tiện gửi dự tính là trên 2.000 xe máy. Mới đây, để dành diện tích đất cho dự án xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp nên bệnh viện này quyết định đóng cửa hai bãi gửi xe.
Do số lượng phương tiện quá lớn, nên khi quyết định đóng cửa bãi gửi xe, người bệnh và người nhà bệnh nhân không biết gửi xe ở đâu để vào bệnh viện. UBND quận và các cơ quan chức năng cũng không biết xử trí thế nào.
Không chỉ bệnh viện quá tải mà chỗ gửi xe quá tải cũng đang là bài toán khó giải của nhiều bệnh viên trong cả nước hiện nay.
Bệnh viện K (HN): 1.800 bệnh nhân nội trú nhưng chỉ có 1.500 giường
Theo một khảo sát trong năm 2016, thước đo sự hài lòng của người bệnh đối với bệnh viện K Trung ương thấp nhất trong tuyến bệnh viện khu vực phía Bắc.
Được biết, bệnh viện K Trung ương luôn trong tình trạng quá tải. Mỗi ngày, số lượng bệnh nhân điều trị nội trú từ 1.500 – 1.800 bệnh nhân và điều trị ngoại trú là gần 6.000 bệnh nhân. Trong khi đó, số giường bệnh ở cả 3 cơ sở chỉ có 1.500 giường.
Do đó, tình trạng phải ghép 2 người một giường là điều không thể tránh khỏi. Chưa kể, nhiều bệnh nhân điều trị ngoại trú cần phải nhập viện để điều trị hóa chất hàng tuần.
Bệnh viện công quá tải, bệnh viện tư “cô đơn”
Trong khi người nhà thậm chí bệnh nhân tại các bệnh viên công phải nằm la liệt ở cả hành lang, lỗi đi vào vì quá tải thì các bệnh viện tư đang rất “lạnh lẽo, cô đơn”. Bởi theo thống kê của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, công suất sử dụng giường bệnh của khối bệnh viện tư chỉ đạt 40-50%, cá biệt có bệnh viện chỉ phủ được 20% giường bệnh.
Lý do để xảy ra nghịch lý này là mức phí ở bệnh viện tư rất đắt đỏ. Ví dụ đơn giản như giá dịch vụ một ca sinh mổ (tính toàn bộ các chi phí) tại một bệnh viện phụ sản công lập ở Hà Nội xấp xỉ 30 triệu đồng trong khi đó bệnh viện công chỉ 1,5 triệu đồng/giường/ngày đêm.
Bệnh viện tuyến TW chỉ dùng 10% thuốc nội
Ảnh minh họa.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, thống kê sơ bộ, tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tính theo giá trị tại các BV tuyến trung ương năm 2015 vẫn còn thấp (khoảng 10%).
Một số bệnh viện (BV) tuyến cuối do đặc thù riêng nên tỉ lệ sử dụng thuốc theo giá trị tiền sản xuất trong nước rất thấp thậm chí dưới 5% như BV Phụ sản Trung ương, BV Việt Đức, BV Nhiệt đới Trung ương, BV Lão khoa Quốc gia.
Trong khi đó, tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh và huyện thì tỉ lệ sử dụng thuốc nội rất cao. Cụ thể, theo báo cáo của Sở Y tế 61 tỉnh, thành, tỉ lệ trung bình tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện năm 2015 là gần 68%; tuyến tỉnh năm 2015 là 35%.
Một số nơi như Ninh Thuận, Phú Yên, Lai Châu, Lâm Đồng, Long An có tỉ lệ sử dụng thuốc nội ở tuyến huyện trên 80%, tuyến tỉnh trên 60%.
Viện phí tăng 30% từ ngày 1/3/2016
Từ ngày 1/3/2016, các bệnh viện trên cả nước chính thức điều chỉnh giá của 1.887 dịch vụ y tế.
Mức tăng này được tính thêm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù trong giá dịch vụ tế các bệnh viện.
Riêng 9 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã tự chủ hoàn toàn về tài chính gồm: Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Răng Hàm mặt Trung ương, Răng hàm mặt TP HCM, Nội tiết, Phụ sản Trung ương, Tai Mũi Họng Trung ương, Mắt Trung ương, sẽ tính luôn cả lương bác sĩ. Các cơ sở y tế còn lại áp dụng từ ngày 1/7.
Tính bình quân các dịch vụ y tế tăng khoảng 30%. Nếu tính thêm tiền lương thì mức tăng bình quân khoảng 50%.
Việt Nam có 7,61 bác sĩ trên 10.000 dân
Ảnh minh họa.
Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2015, Việt Nam chỉ đạt 7,61 bác sĩ và 2,2 dược sĩ trên 1 vạn dân (10.000). Đây là con số quá nhỏ so với thế giới.
Bệnh cạnh đó là sự chênh lệch về số lượng, chất lượng và sự phân bố cán bộ y tế giữa các vùng, miền thiếu đồng đều.
Tập trung đông nhất tại các thành phố lớn như TP HCM và Hà Nội tỷ lệ khoảng 14 bác sĩ trên 10.000 dân. Ở vùng nông thôn như Cao Bằng, Hà Giang và đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ có khoảng 4-5 bác sĩ trên 10.000 dân.
Tình trạng mất cân đối về nhân lực y tế còn xảy ra giữa các chuyên ngành. Một số chuyên ngành như truyền nhiễm, tâm thần, xét nghiệm, y tế dự phòng thiếu bác sĩ cả ở các đơn vị Trung ương và địa phương.