Năm 2017, thương mại điện tử sẽ thêm nhiều 'bại binh' như deca, beyeu, lingo…?

03/02/2017 08:13 AM | Xã hội

Trước những bước đi mạnh mẽ của DN vào thương mại điện tử, năm 2016 có thêm nhiều DN không chỉ nước ngoài mà trong nước đã bước chân vào cuộc chơi. Điều này chứng tỏ TMĐT Việt Nam rất tiềm năng song cũng đồng nghĩa càng đông người thì cuộc chơi sẽ càng khó.

Ông Trần Trọng Tuyến – CEO Công ty CP Công nghệ DKT – Tổng Thư ký Hiệp Hội TMĐT Việt Nam (VECOM) đã có những đánh giá, nhìn nhận về ngành năm 2016 và dự đoán trong năm 2017:

- Chào ông, ông có thể có cái nhìn tổng quát về toàn ngành TMĐT thời gian qua?

- Trong năm 2016, có 3 vấn đề về thương mại điện tử cần nhắc tới.

Thứ nhất là câu chuyện các DN nước ngoại đổ bộ mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là bán lẻ.

Trong đó, có thể nói thương vụ thâu tóm Lazada là cuộc đổ bộ ồn ào nhất trong lĩnh vực TMĐT đầu năm 2016. Điều này chứng tỏ TMĐT ở Việt Nam đã đạt đến mức độ đủ tiềm năng (hạ tầng kỹ thuật, mức độ phổ cập, sức mua thị trường) để các DN ngoại chú ý. Tuy nhiên, có thể nói, sự đổ bộ này vừa là cơ hội vừa là thách thức.

Thứ hai là sự chuyển dịch về sản phẩm được kinh doanh thông qua TMĐT.

Giai đoạn 2010 – 2015 là bước chạy đà đầu tiên trong chặng đường phổ thông hóa TMĐT tại Việt Nam (giai đoạn phát triển hạ tầng và xây dựng nền tảng). Trong giai đoạn này, TMĐT chỉ phát triển ở một số loại sản phẩm nhất định dễ kinh doanh online ví dụ như các mặt hàng điện tử, công nghệ. Bước sang năm 2016, khi thị trường hội tụ đủ 2 điều kiện trên thì các sản phẩm, dịch vụ áp dụng TMĐT trở nên đa dạng hơn như rau sạch, thực phẩm an toàn, sản phẩm truyền thống…vvv

Ông Trần Trọng Tuyến – CEO Công ty CP Công nghệ DKT – Tổng Thư ký Hiệp Hội TMĐT Việt Nam (VECOM).

Sự thay đổi này thể hiện bước nhảy của TMĐT từ giai đoạn phát triển hạ tầng (chỉ phát triển TMĐT ở một số sản phẩm nhất đinh) sang ứng dụng (phổ cập vào các giao dịch tiêu dùng ở mọi lĩnh vực). Chứng tỏ TMĐT đã phổ cập hơn và mọi sản phẩm đều có thể bán trên Internet.

Thứ ba là sự không đồng đều trong phát triển TMĐT tại các địa phương.

TMĐT thực sự mới chỉ phát triển mạnh tại các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội và TP HCM. Theo Vecom, chỉ số thương mại EBI TP HCM và Hà Nội dẫn đầu cả nước, bỏ xa các tỉnh thành khác.

Chênh lệch chỉ số B2C giữa TP HCM (có chỉ số cao nhất) và Sơn La (có chỉ số thấp nhất) là hơn 3 lần. Số liệu của Bizweb cũng cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký website tại Hà Nội và TP HCM chiếm trên 75% cả nước, trong khi các tỉnh chỉ chiếm phần rất nhỏ.

- Có ý kiến cho rằng, dù TMĐT phát triển vượt bậc năm 2016, song sự phát triển vẫn chưa xứng với tiềm năng?

- Điều này là không hoàn toàn chính xác.

Năm 2015, Hoa Kỳ có tổng doanh thu TMĐT bán lẻ chiếm 7,4% tổng doanh thu bán lẻ; Trung Quốc là 13,5%; Hàn Quốc là 11,2% và Việt Nam là 2,8%.

Tuy nhiên, giai đoạn 2010-2015, trong khi các nước trên đã phát triển thì Việt Nam đang ở giai đoạn xây dựng hạ tầng. Do đó, con số 2,8% là chứng tỏ tiềm năng của TMĐT VN còn rất lớn.

Cũng theo báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2015 do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) của VN trong năm 2015 đạt 4,07 tỷ USD, tăng 37% so với năm 2014.

Dự báo, con số này sẽ đạt 10 tỷ USD trong 5 năm tới. Được nhận định là còn khá non trẻ song TMĐT lại là một lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng đáng mơ ước nhất hiện nay ở Việt Nam.

Hiện Việt Nam đang ở giai đoạn phổ cập TMĐT, đang chứng minh sự hiệu quả với DN và người tiêu dùng. Qua đó, việc thu hút các DN, người tiêu dùng vẫn là mục tiêu của năm 2017.

- Vậy đâu vẫn còn là rào cản của TMĐT VN trong thời gian sắp tới?

- Hạ tầng TMĐT Việt Nam có thể coi là đã đạt yêu cầu, vấn đề của TMĐT Việt Nam nằm ở tâm lý của những thành phần tham gia như DN và người tiêu dùng.

Kinh doanh lướt sóng, theo mùa vụ, không giữ uy tín đang là vấn đề ngăn cản sự phát triển của TMĐT. Ở góc độ DN, điều này ngăn cản họ phát triển bền vững, lâu dài, tăng quy mô.

Ở góc độ người tiêu dùng, niềm tin vào TMĐT không cao, khó tiêu dùng các mặt hàng có giá trị lớn thông qua TMĐT. Yếu tổ này kìm hãm sự phát triển chung.

Năm 2017, thương mại điện tử sẽ thêm nhiều bại binh như deca, beyeu, lingo…? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

- Trong năm qua, nước ta đã chứng kiến cuộc đổ bộ mạnh mẽ của những ông lớn ngoại vào Việt Nam. Vậy DN Việt cần phải làm gì để không thua ngay trên sân nhà?

- Trước tiên cần phải nói rằng việc các DN nghiệp ngoại tham gia vào thị trường Việt Nam là dấu hiệu tốt. Điều này chứng tỏ thị trường Việt Nam hội tụ đủ điều kiện để 1 DN TMĐT phát triển.

Để không bị lấn át ngay trên sân nhà, DN Việt cần quan tâm 2 yếu tố.

Thứ nhất là nâng cao hiệu suất đồng vốn và hiệu suất công việc bằng cách đầu tư bài bản vào kinh doanh.

Thứ hai là sự liên kết. Kinh doanh phụ thuộc vào sản xuất và lưu thông, hai loại hình DN này cần có sự liên kết lại với nhau thay vì mạnh ai người đấy lo.

- Ông đánh giá như thế nào về xu hướng kinh doanh năm 2017?

- Xu hướng kinh doanh năm 2017 có thể tóm gọn trong 2 ý nổi bật đó là Bán hàng đa kênh và ứng dụng công nghệ vào kinh doanh.

Thay vì bán hàng trên 1 kênh, các chủ DN lựa chọn bán hàng trên nhiều kênh khác nhau và đo lường hiệu quả sau đó phân bổ nguồn lực tập trung đầu tư vào các kênh. Bên cạnh đó, yếu tố về công nghệ cũng sẽ được các DN ứng dụng nhiều vào kinh doanh trong thời gian tới.

- Năm 2017 được đánh giá là năm nhiều triển vọng nhưng cũng không ít thách thức cho TMĐT, vậy những trường hợp như deca, beyeu sẽ còn lặp lại?

- Đến và đi là một quy luật bình thường, trong lĩnh vực TMĐT cũng vậy. Cơ hội nhiều đi liền với thách thức càng lớn, nếu không đủ sức, đủ lực và quan trọng đó là hướng đi đúng đắn. Do đó, sẽ không có điều gì đảm bảo những trường hợp như deca, beyeu không lặp lại trong năm 2017.

Cảm ơn anh!

Hồng Minh

Cùng chuyên mục
XEM