Mỹ - Trung đang đàm phán những gì?

19/02/2019 15:43 PM | Xã hội

Vòng đàm phán Mỹ - Trung gần nhất khép lại hôm 15/2 sau nhiều ngày làm việc. Để nhanh chóng chấm dứt những xung đột kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, hai bên sẽ tiếp tục họp tại thủ đô Washington trong tuần này.

Tổng thống Trump đã phát biểu rằng quá trình đàm phán đang diễn ra “hết sức thành công” tính đến thời điểm hiện tại, trong khi các cố vấn của ông lại khá khiêm tốn khi cho rằng “vẫn còn rất nhiều việc phải làm” trong thời gian tới.

Bắc Kinh và Washington đã áp thuế nhập khẩu lên khối lượng hàng hóa trị giá hơn 360 tỷ USD của nhau, chủ yếu là đánh mạnh vào ngành công nghiệp sản xuất và những hệ quả của cuộc chiến này đã làm “chao đảo” thị trường tài chính toàn cầu.

Tổng thống Trump cho biết ông hoàn toàn có thể gia hạn thời gian đàm phán sau ngày 1/3, thời điểm mà nếu như hai bên không thể đạt được một thỏa thuận cuối cùng, mức thuế nhập khẩu các loại mặt hàng từ Trung Quốc sẽ tăng lên gấp hơn 2 lần.

Sau đây là những chủ đề “nóng” trong các phiên đàm phán:

'Ăn cắp' sáng chế và chuyển giao công nghệ

Washington cáo buộc Bắc Kinh đã khuyến khích các công ty nội địa “ăn cắp” quyền sở hữu trí tuệ cũng như ép các công ty nước ngoài phải “giao nộp” bí mật kinh doanh nếu muốn gia nhập vào thị trường đông dân nhất thế giới này.

Bắc Kinh trong một thời gian dài đã phủ nhận những cáo buộc trên. Trung Quốc cũng đang làm việc để áp phạt dành cho những đối tượng “ăn cắp” quyền sở hữu trí tuệ cũng như xây dựng một bộ luật quản lý nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm ngăn chặn tình trạng chuyển giao công nghệ một cách miễn cưỡng.

Quốc gia này cũng đang nới rộng danh mục các ngành công nghiệp mà ở đó, các công ty nước ngoài có thể tự do hoạt động mà không cần thành lập một liên doanh với một doanh nghiệp Trung Quốc.

Không rõ những động thái này có đủ sức thuyết phục chính quyền của Tổng thống Trump hay không? FBI cho biết họ đang điều tra các hoạt động tình báo của Trung Quốc trên phạm vi lãnh thổ Mỹ trong khi Bộ Tư pháp quốc gia này cũng tiến hành một chiến dịch chống lại hoạt động gián điệp của Bắc Kinh.

Thời gian vừa qua, các công tố Mỹ đã “kết tội” công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc Huawei với hàng loạt những cáo buộc liên quan đến việc ăn cắp bí mật kinh doanh, cũng như “tài trợ” cho một chương trình khuyến khích việc “lấy trộm” công nghệ từ các công ty đối thủ.

Chính sách công nghiệp

Chính sách công nghiệp của Trung Quốc đã làm dấy lên nhiều quan ngại, đặc biệt trong đó là phong trào “Made in China 2015” với mục tiêu đưa “gã khổng lồ” châu Á trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới trên các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, thông qua việc đưa ra những “ưu đãi đặc biệt” dành cho những công ty nội địa.

Các cơ quan truyền thông Trung Quốc trong năm vừa qua đã không đề cập quá nhiều đến chiến dịch này vì những tranh cãi xung quanh nó. Nhưng đối với Trung Quốc, căng thẳng thương mại lại làm gia tăng thêm nhu cầu phát minh ra những công nghệ “tự túc” như trường hợp chất bán dẫn.

Một lệnh cấm mua sắm của Mỹ hồi năm ngoái đối với công ty ZTE, công ty do chính phủ Trung Quốc bảo hộ, đã gần đẩy công ty này xuống bờ vực phá sản.

Mỹ - Trung đang đàm phán những gì? - Ảnh 1.

Ảnh: CBC.


Trợ cấp chính phủ

Trong một vài năm trở lại đây, các công ty quốc doanh của Trung Quốc đã áp đảo các công ty đến từ phương Tây trên thị trường nội địa nhờ các biện pháp cải tổ của chính phủ.

Washington hy vọng Bắc Kinh sẽ dần nới lỏng sự can thiệp vào nền kinh tế cũng như chấm dứt các khoản trợ cấp “hào phóng” dành cho các ngành công nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp nội địa.

Nhà kinh tế học Cui Fan thuộc trường đại học Kinh tế và kinh doanh quốc tế Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc sẽ không nhượng bộ nếu như Mỹ muốn thảo luận vấn đề trợ cấp chính phủ, vốn nằm ngoài thỏa thuận gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO.

“Tôi sợ rằng vấn đề này sẽ khó có thể được giải quyết vào cuối tháng này”, ông cho biết.

Thâm hụt thương mại

Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong năm ngoái đã đạt mức kỷ lục 323,3 tỷ USD vì những hành động trả đũa thuế quan đã khiến người tiêu dùng Trung Quốc hạn chế mua những sản phẩm nông nghiệp cũng như các mặt hàng năng lượng của Mỹ.

Bắc Kinh cam kết sẽ gia tăng lượng nhập khẩu đậu tương và những hàng hóa khác từ Mỹ, đồng thời nói bóng gió “về sức mua” khổng lồ của thị trường Trung Quốc trong những cuộc đàm phán nhằm thuyết phục Mỹ nhanh chóng đồng ý một bản thỏa thuận cuối cùng.

Nhà Trắng hôm 15/2 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc đàm phán về sức mua nhằm giảm “lượng thâm hụt thương mại lớn và kéo dài” giữa hai quốc gia.

Nhưng sức mua lớn đó lại phụ thuộc rất nhiều các các công ty quốc doanh, những đơn vị mà Washington luôn muốn loại bỏ ra ngoài cuộc chơi.

Liệu có khả thi?

Hai bên đang nỗ lực làm việc nhằm đưa ra một bản ghi nhớ, trong đó bao gồm một loạt cam kết trước thềm một cuộc gặp gỡ chính thức giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bài test ở đây là liệu Tổng thống Trump có thể tham dự cuộc họp đó với một thỏa thuận trong tay nhằm chấm dứt thâm hụt thương mại, điều đã khiến quá trình thay đổi cơ cấu bị chậm lại.

Hồi đầu tháng này, ông đã phát biểu rằng phía Mỹ sẽ sớm “công bố một thỏa thuận trong đó bao gồm một sự thay đổi cơ cấu nhằm chấm dứt tình trạng đối xử thiếu công bằng trong thương mại”, nhưng các chuyên gia bên phía Trung Quốc lại cho rằng điều đó cần thêm thời gian.

“Chúng ta giờ đây là một quốc gia phát triển cầm chừng. Và sự kiên nhẫn là điều chúng ta cần lúc này”, theo Zang. Anh cũng chia sẻ thêm rằng quá trình đàm phán để Trung Quốc gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO kéo dài đến hơn 10 năm.

Câu hỏi về sau chính là cách những cam kết đi vào thực tiễn. Bắc Kinh từ lâu đã khá thận trọng với sự giám sát đến từ các quốc gia nước ngoài.

Theo Trọng Đại

Cùng chuyên mục
XEM