Muốn truất ngôi 'công xưởng thế giới' nhưng Ấn Độ mắc điểm yếu chí mạng: Làm gì cũng vẫn phải nhập nguyên liệu, linh kiện từ Trung Quốc!

08/06/2023 10:22 AM | Kinh doanh

Càng cố sản xuất để cạnh tranh với Trung Quốc thì Ấn Độ lại càng phải nhập khẩu nhiều linh kiện, nguyên liệu từ nước láng giềng này.

Muốn truất ngôi 'công xưởng thế giới' nhưng Ấn Độ mắc điểm yếu chí mạng: Làm gì cũng vẫn phải nhập nguyên liệu, linh kiện từ Trung Quốc! - Ảnh 1.

Theo hãng tin Bloomberg, hãng đồ chơi Fun Zoo Toys là điển hình cho thành công tại Ấn Độ. Nhà sản xuất đồ chơi này khởi nguyên là một công ty gia đình vào năm 1979 và nay đã trở thành một trong những hãng đồ chơi lớn ở Ấn Độ.

Doanh số của Fun Zoo đã tăng 100% kể từ sau khi Ấn Độ thực hiện chương trình “Made in India”, qua đó nâng hàng rào thuế quan nhập khẩu đồ chơi từ 20% lên 70%.

Thế nhưng đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm với những bí mật mà cả Fun Zoo lẫn Ấn Độ đều không muốn thừa nhận: thành công của họ phần lớn còn nhờ vào các nguyên liệu, linh kiện nhập từ Trung Quốc như pin lithium metal, bảng mạch hay đèn LED.

Muốn truất ngôi 'công xưởng thế giới' nhưng Ấn Độ mắc điểm yếu chí mạng: Làm gì cũng vẫn phải nhập nguyên liệu, linh kiện từ Trung Quốc! - Ảnh 2.

Nhà máy đồ chơi Fun Zoo

“Thách thức lớn nhất của chúng tôi là hệ thống động lực cho đồ chơi lại không phải được sản xuất trong nước. Bộ pin lithium metal được gắn với động cơ là một kỹ thuật không dễ để sản xuất hàng loạt với giá thành thấp tại đây”, chủ doanh nghiệp Naresh Kumar Gupta của Fun Zoo ngậm ngùi.

Hãng tin Bloomberg nhận định Ấn Độ đang vướng vào một cái bẫy khi cố gắng cạnh tranh với Trung Quốc trong mảng sản xuất. Khi các doanh nghiệp càng cố làm các sản phẩm từ đồ chơi đến điện thoại để “đấu” với Trung Quốc thì họ lại càng phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ láng giềng này.

Trong năm 2022, Ấn Độ đã nhập khẩu tới 102 tỷ USD từ Trung Quốc, cao gần gấp đôi so với tổng kim ngạch nhập khẩu từ 2 thị trường đứng sau đó cộng lại là Mỹ và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Tệ hơn, đóng góp của ngành sản xuất vào GDP Ấn Độ đã giảm từ 16% năm 2015 xuống chỉ còn 13%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 25% của chính phủ đề ra. Thậm chí mục tiêu này đã bị lùi tới 3 lần đến năm 2025 và với tình hình vẫn phụ thuộc nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu như hiện nay thì chưa rõ Ấn Độ có thể hoàn thành giấc mơ thay thế Trung Quốc thành công xưởng thế giới của mình hay không.

Cái bẫy

Theo Bloomberg, ngoài các chính sách bảo hộ như nâng hàng rào thuế quan nhập khẩu, Ấn Độ cũng tăng cường hỗ trợ tài chính cho các ngành sản xuất trọng điểm như điện tử hay xe hơi. Chương trình hỗ trợ trị giá 24 tỷ USD của nước này đã đem lại một số thành công khi thu hút được các ông lớn như Apple và Samsung.

Tuy nhiên ngay cả với những kết quả đó, nhiều chuyên gia vẫn lo lắng không biết liệu Ấn Độ có thể thay thế được sự thống trị ngành sản xuất của Trung Quốc hay không.

Muốn truất ngôi 'công xưởng thế giới' nhưng Ấn Độ mắc điểm yếu chí mạng: Làm gì cũng vẫn phải nhập nguyên liệu, linh kiện từ Trung Quốc! - Ảnh 3.

Cựu thống đốc ngân hàng trung ương Ấn Độ, ông Raghuram Rajan cho biết phần lớn các ưu đãi của chính phủ nhắm đến các nhà máy, doanh nghiệp lắp ráp thay vì thực sự sản xuất hay sáng chế sản phẩm, khiến quốc gia này thậm chí phụ thuộc nhiều hơn vào linh kiện và nguyên liệu nhập khẩu.

“Chúng ta chắc chắn không thể lấy sự gia tăng xuất khẩu điện thoại làm bằng chứng cho sức mạnh ngành sản xuất của Ấn Độ được. Thay vào đó, một câu hỏi đặt ra là liệu các khoản trợ cấp của Ấn Độ cho ngành lắp ráp điện thoại có thực sự làm gia tăng giá trị sản xuất cho nền kinh tế hay không?”, Cựu thống đốc Rajan viết trong một báo cáo.

Đồng quan điểm, giáo sư kinh tế Biswajit Dhar của trường đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi nhận định việc giành danh hiệu công xưởng của thế giới từ tay Trung Quốc là điều không hề dễ dàng, bất chấp việc các doanh nghiệp có dịch chuyển nhà máy khỏi nước này vì bất ổn địa chính trị đi chăng nữa.

Nguyên nhân chủ yếu là Trung Quốc đã đóng vai trò quá lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu để có thể thay thế hoàn toàn. Trong khi đó Ấn Độ thì vẫn còn nhiều thách thức, từ hành chính công rườm rà, lao động trình độ thấp, kém hiệu quả cũng như cơ sở hạ tầng yếu, công nghệ phát triển không đồng đều để tạo nên chuỗi cung ứng ổn định...

“Việc tách rời khỏi Trung Quốc là điều sẽ không thể xảy ra khi các doanh nghiệp có xu thế nhập khẩu linh kiện hơn là tự sản xuất vì chi phí rẻ hơn. Đây là câu chuyện thuần về lợi ích kinh doanh. Những gì mà Trung Quốc có thể trao cho doanh nghiệp hiện nay là điều mà Ấn Độ chưa thể làm được”, giáo sư Dhar thừa nhận.

Muốn truất ngôi 'công xưởng thế giới' nhưng Ấn Độ mắc điểm yếu chí mạng: Làm gì cũng vẫn phải nhập nguyên liệu, linh kiện từ Trung Quốc! - Ảnh 4.

Những thiết bị lắp trong đồ chơi của Fun Zoo

Ngay cả Ajay Sahai, giám đốc vận động hành lang của Liên đoàn xuất khẩu Ấn Độ (FIEO) dù tự tin nước này sẽ tăng cường khả năng xuất khẩu của mình nhưng vẫn sẽ cần nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện để có thể làm được điều đó.

“Chúng tôi sẽ buộc phải lựa chọn hoặc là cắt giảm nhập khẩu thành phẩm hay là hạn chế nhập khẩu linh kiện, nguyên liệu thô”, giám đốc Sahai nói.

*Nguồn: Bloomberg

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM