Muốn nhân viên làm việc hiệu quả hơn, đừng bắt họ theo 'ngồi lỳ' 8 tiếng/ngày nữa!
Ngồi lỳ trên ghế 8 tiếng đồng hồ chẳng tạo ra nhiều kết quả, và rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh được lợi ích của giờ nghỉ khi đang làm việc.
Jessica Piha có thể đi làm và rời văn phòng bất kỳ lúc nào mình muốn. Và những đồng nghiệp của cô ở công ty chuyên về sửa chữa nhà cửa mới khởi nghiệp Porch cũng thế.
Và đối với những người không phải làm ca hoặc theo giờ, đây quả là một phong cách làm việc lý tưởng. Chúng ta tự quyết định làm việc khi nào và như thế nào để hoàn thành công việc, tuy nhiên đa phần vẫn bị bó buộc trong khung giờ ở công sở.
Khung giờ hành chính không hề dễ chịu đối với cuộc sống của mỗi chúng ta. Ngồi lỳ trên ghế 8 tiếng đồng hồ chẳng tạo ra nhiều kết quả, và rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh được lợi ích của giờ nghỉ khi đang làm việc. Và tất nhiên những giờ làm việc hiệu quả nhất của mỗi người lại khác nhau, và không phải ai cũng dậy sớm được. Một nghiên cứu cho thấy tình trạng thiếu ngủ của nhân viên khiến các công ty tiêu tốn trung bình 2000 USD/năm/nhân viên; một nghiên cứu khác chỉ ra rằng nhận thức của con người tỏ ra sắc nhọn nhất vào lúc cuối chiều.
Người lao động cũng thấy khung giờ làm việc cố định là khá giáo điều. Chúng ta là những người trưởng thành, và chúng ta muốn được tự quyết định các hoạt động trong cuộc sống của mình.
Hơn một nửa số người được khảo sát bởi Hiệp hội Quản lý Nhân sự cho rằng sự linh hoạt là một yếu tố “rất quan trọng” để đánh giá mức độ hài lòng với công việc trong bản báo cáo năm nay.
Ở Mỹ, tỉ lệ hộ gia đình có cả bố mẹ cùng đi làm đã tăng gần 50% so với năm 1970, nhưng cơ chế ở nơi làm việc vẫn không hề thay đổi. Ngoài ra, từ cuộc khảo sát nói trên còn cho thấy 1/3 những người gặp khó khăn trong việc cân bằng cuộc sống với công việc cũng cảm thấy nuôi dạy con cái là cực kỳ stress.
Và tất nhiên các công ty rất quan tâm đến mong muốn của người lao động, vì nó làm tăng sự gắn bó với công việc và làm cho quá trình tuyển dụng trở nên thuận lợi.
Nhiều hình thức cải thiện giờ làm việc đã được đưa ra, chẳng hạn như tuần làm việc 4 ngày hay ngày làm việc 6 giờ. Nguyên nhân là những thay đổi này có vẻ nhân văn hơn, khiến nhân viên hạnh phúc và làm việc hiệu quả hơn.
Tuy nhiên những thay đổi này vẫn đo lường hiệu quả công việc của người lao động theo giờ, vì thế mở ra rất ít không gian cho sự linh hoạt.
Thường thì ở những nơi áp dụng tuần làm việc 4 ngày, nhân viên phải làm việc đến 10 tiếng/ngày để bù lại. Nghĩa là dù có được 3 ngày cuối tuần, nhưng mỗi người vẫn phải làm 40 giờ/tuần. Và tất nhiên, giờ làm việc dài hơn mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe, như bệnh tim, ung thư, viêm khớp và tiểu đường.
Và sự linh hoạt trong giờ làm việc cũng khiến các công ty lo sợ. Marissa Mayer đã phải cấm các nhân viên Yahoo làm việc tại nhà để vực dậy công ty. Best Buy cũng hủy bỏ chính sách làm việc linh hoạt khi phải vật lộn dưới bộ máy quản lý mới.
Và người lao động, đến lượt mình, cũng sợ rằng khi không có lịch làm việc cố định, họ có thể phải làm việc mọi lúc mọi nơi – tức phải trả lời email ngay trong những lúc mình đang nghỉ ngơi hoặc bận việc gia đình.
Tuy nhiên một nghiên cứu gần đây đã gợi ý một giải pháp có lợi cho cả người lao động lẫn giới chủ doanh nghiệp.
Trong nghiên cứu này, khoảng 500 nhân viên tại một công ty thuộc nhóm Fortune 500 được phép làm việc không có thời gian cố định. Một số người đi làm muộn; một số người nghỉ giữa buổi. Lịch làm việc của họ thay đổi theo từng ngày. Số giờ làm việc của họ không ít hơn mà chỉ thích hợp hơn với cuộc sống của mỗi người.
Cơ chế này xoay quanh vấn đề chủ yếu là mọi người làm việc thế nào; và kết quả là những người tham dự nói rằng nhìn chung cuộc sống của họ tốt lên, và điều này được các nhà nghiên cứu cho là vì họ có quyền kiểm soát cuộc sống của mình. Và tất nhiên chất lượng công việc của họ không hề giảm đi chút nào.