Muôn kiểu đối phó với những ông sếp chỉ đếm giờ nhân viên ngồi tại văn phòng của dân công sở Nhật

28/10/2016 11:20 AM | Kinh doanh

Đặc điểm chung của nhiều ông chủ Nhật, chính là họ muốn ép nhân viên làm việc càng nhiều càng tốt.

Anh Saidur Bandali người Nepal đã đến Nhật được 9 năm. Sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, anh đến Nhật học đại học và sau đó ra trường đi làm. Hàng ngày anh làm việc đến khoảng 7h tối rồi sau đó về nhà nghỉ ngơi, ăn uống. Đến ngày hôm sau, guồng quay tương tự lại bắt đầu. Hiện anh khá hài lòng với công việc đang làm. Tuy nhiên, trước đó anh cũng có không ít trải nghiệm rất mệt mỏi tại các công ty Nhật.

Đặc điểm chung của nhiều ông chủ Nhật, chính là họ muốn ép nhân viên làm việc càng nhiều càng tốt. Anh Bandali chia sẻ, tại công ty Nhật đầu tiên mà anh làm việc, đúng theo tác phong, khi được giao anh cố gắng hoàn thành công việc càng nhanh càng tốt, thậm chí nhiều lần trước cả thời hạn anh được yêu cầu phải hoàn thành.

Thế nhưng kết quả của việc trên là gì? Sếp thấy anh làm được nên lại càng giao nhiều hơn và cuối cùng anh ngập trong việc. Sau rồi anh đối phó bằng cách làm ít đi, anh lại bị hỏi tại sao bây giờ anh làm việc không được tốt như xưa. Hai bên co kéo mãi như vậy và công việc cũng không phải được trả lương quá cao nên anh xin nghỉ việc để kiếm công ty mới.

Có kinh nghiệm làm việc và tiếng Nhật tốt, không quá khó để anh Bandali kiếm được công việc thứ hai không lâu sau đó. Trong công việc này anh lại tiếp tục quan sát thấy vấn đề mới. Bản chất công việc của các nhóm trong công ty là hỗ trợ cho bộ phận chuyên sản xuất phần mềm.

Công việc thực ra không phải quá bận rộn nhưng có nhiều nhân viên công ty nhìn lúc nào cũng vất vả. Cùng làm công việc như họ, Bandali chỉ mất đúng thời gian 8 tiếng ngồi tại công ty, và đến 6h chiều anh về, nhưng anh vẫn thấy họ ngồi lại.

Rồi anh cũng thử ngồi lại, thực chất vì tò mò xem họ làm cái gì. Và anh nhận ra, có rất nhiều nhân viên, đặc biệt nữ chỉ ngồi lại, mắt nhìn trân trân vào màn hình, thỉnh thoảng lét lút nhắn tin và hoàn toàn không làm việc. Họ chỉ ngồi đó, chờ cho đến khi sếp về rồi họ cũng xách túi về theo.

Hoặc có nhiều trường hợp khác, công việc chỉ tốn khoảng 2 tiếng đồng hồ để làm xong, nhưng họ cố tình dây dưa kéo dài hoặc thậm chí không làm trong giờ làm việc. Đến khi hết giờ làm việc lại tỏ ra vô cùng chăm chỉ để hoàn thành công việc của ngày hôm đó và đặc biệt là để lấy lòng sếp.

Tác giả bài viết không có ý định khẳng định rằng trưởng hợp những người lao động chống đối như trên đại diện cho toàn bộ người đi làm tại Nhật. Tuy nhiên những kiểu nhân viên chống đối như vậy không hề ít trong lực lượng lao động Nhật. Vì vậy mà dù thời gian lao động rất nhiều nhưng hiệu quả làm việc của người Nhật lại thấp một cách đáng ngạc nhiên.

Kết quả nghiên cứu của OECD năm 2002 cho thấy ở thời điểm đó, năng suất lao động của Nhật chỉ bằng 60% so với Mỹ. Cụ thể khi đó với mỗi giờ lao động, người Nhật tạo ra chỉ 21,9 USD, trong khi đó con số này tại Mỹ lên đến 36 USD/giờ.

Xét tương đương với các nước châu Âu, mỗi người Pháp lao động tạo ra được 37,8 USD, người Đức là 37 USD và người Anh là 30,0 USD. Năng suất lao động của người Nhật chỉ cao nếu so với các nước châu Á, ví như Hàn Quốc là 15,1 USD, Trung Quốc 1,8 USD/giờ.

Mới trong năm 2016, cảnh sát Tokyo đã phải thừa nhận rằng nữ nhân viên công ty quảng cáo Dentsu đã chết vì việc. Để có được sự công nhận trên là kết quả của quá trình đấu tranh kéo dài nhiều tháng của chính gia đình cô. Sau vụ việc gây phẫn nộ dư luận trên, thực ra nhiều người còn khẳng định rằng tại Nhật còn vô khối những trường hợp khác tương tự như vậy nhưng không được chú ý nhiều.

Cho đến chừng nào các ông chủ Nhật chưa có trong đầu khái niệm “cân bằng cuộc sống và công việc" giống như các nước phương Tây, chừng nào họ vẫn nhìn vào số giờ làm việc mỗi ngày mà không quan tâm đến thực tế nhân viên của họ có cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống riêng tư khi dành toàn bộ thời gian tâm trí cho công việc, chắc chắn tình trạng karoshi (chết vì làm việc) sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Dân số Nhật đang già nhanh nhất thế giới, lực lượng lao động trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2050, tức là sau hơn 3 thập kỷ nữa, sẽ giảm hơn so với hiện nay khoảng 25%. Nếu như đối với nhiều nước phát triển khác, khi họ không có người lao động, họ nhiệt tình chào đón lao động nhập cư, thì nước Nhật không như vậy.

Ngay tại chính nước Nhật hiện nay, lao động nhập cư trình độ cao cũng không được hưởng môi trường lao động bình đẳng với quyền lợi tương đương như người Nhật, lao động đến từ Đông Nam Á thậm chí chỉ giữ vị trí thứ 3, chỉ trên lao động châu Phi. Đứng đầu là người lao động Nhật và châu Âu, Mỹ.

Cùng một vị trí, trình độ chuyên môn tương đương, nhưng lương của người lao động đến từ các nước Đông Nam Á thấp hơn nhiều và phải làm việc vất vả hơn nhiều nếu so với lao động đến từ các nước phát triển khác.

Thay cho việc mở cửa đón nhiều lao động trình độ cao, nước Nhật bằng mọi cách nâng tuổi nghỉ hưu để thu hút thêm người già nước này quay trở lại công ty cũ làm việc dù hiệu suất công việc thấp. Khi lực lượng lao động giảm, lao động nhập cư không đủ nhiều để bù đắp, môi trường lao động Nhật sẽ ngày một khốc liệt và cạnh tranh hơn trước.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM