Nhật Bản – Thiên đường hay địa ngục cho lao động nhập cư?

12/10/2016 14:41 PM | Kinh doanh

Khi người lao động chuẩn bị tốt cho mình cả về trình độ tiếng Nhật cũng như tay nghề, họ sẽ có khả năng tự tiếp cận với nguồn thông tin, xử lý công việc tốt, nhận mức lương cao hơn và tự bảo vệ mình trong trường hợp cần thiết.

Ở một thành phố thuộc tỉnh Hiroshima, miền Nam nước Nhật, 3 lao động Trung Quốc kể lại chuyện bà chủ đã lấy của họ 12.500 USD và cuối cùng họ cũng chẳng được làm việc tử tế. “Bà chủ bảo thái độ của tôi rất khó ưa và nếu tôi cứ tiếp tục giữ cái thái độ đó, bà sẽ thuê người giết tôi”, nữ lao động Trung Quốc thuật lại.

3 người phụ nữ Trung Quốc đã bỏ lại gia đình và con nhỏ ở quê nhà đến Nhật với hy vọng sẽ kiếm được việc làm với mức lương cao. Để đến được Nhật làm việc, mỗi người trong số họ phải trả số tiền môi giới lên đến 7.250 USD, phần lớn trong số họ phải đi vay để có số tiền ấy. Nhưng cuối cùng khi sang Nhật, họ được đưa đến làm tại xưởng may đồng phục học sinh, nhận mức lương thấp và ở trong nhà trọ do chủ xưởng sắp xếp.

Số tiền nhận được hàng tháng vốn đã không cao nhưng họ lại phải dùng phần lớn số tiền đó để trả tiền thuê nhà cho chính chủ xưởng. Cho đến vài tuần gần đây, mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn khi chủ ngừng trả lương cho họ.

Suốt nhiều tuần đi lại nói chuyện với chủ sử dụng lao động mà không có kết quả gì. Với sự hỗ trợ của một nhóm phóng viên người Mỹ, họ đã đến gặp một công ty luật.

Cuối cùng, công ty cũng đồng ý trả lại một phần tiền lương, nhưng 3 người phụ nữ bị đuổi việc và buộc phải rời nhà ngay trong đêm ngày hôm đó. Họ bị đuổi về nước và số tiền nhận về không đủ để trả nợ cho tiền họ đã vay trước khi ra đi.

2 năm trước, cô Xiu Chien đã rời Trung Quốc để đến Nhật tham gia chương trình thực tập sinh. Công ty môi giới việc làm đã thu của cô 7.500 USD trước khi lên máy bay. Khoảng thời gian 2 năm ở Nhật với cô thực sự kinh hoàng. Công việc cực kỳ vất vả, cùng lúc đó, cô lại bị tấn công tình dục. Ông chủ xưởng luôn quấy rối cô, thậm chí ông ta còn "khoe" bộ phận sinh dục trước rất nhiều công nhân nữ.

Khu vực vịnh Hiroshima, tỉnh Hiroshima, Nhật Bản suốt nhiều thế kỷ qua vẫn nổi tiếng với nghề làm hàu. Công việc phân loại và đập vỏ hàu hoàn toàn chỉ tay chân và cực kỳ vất vả, đối diện với nhiều rủi ro tai nạn lao động, chính vì vậy sẽ không khó để nhận ra một điều rằng dù đi bao nhiêu xưởng làm hàu trong vùng Hiroshima đi nữa, bạn cũng chỉ có thể thấy toàn lao động Trung Quốc, chứ gần như không có người Nhật.

Chương trình thực tập sinh được chính phủ Nhật đưa ra với mục tiêu đào tạo nghề cho lao động. Sau đó họ có thể về nước áp dụng những kỹ năng mà họ đã học ở Nhật, và sẽ hoàn toàn là bất hợp pháp nếu thực tập sinh chỉ được làm việc ở những vị trí không có trình độ chuyên môn.

Tuy nhiên theo số liệu của Vice News, phần đông lao động nước ngoài trong tổng số gần 150 nghìn người tham gia các chương trình thực tập sinh này chỉ được làm những công việc thuần tay chân trong ngành nông nghiệp, dệt may và xây dựng. Chính phủ Nhật có kế hoạch sẽ tuyển thêm ít nhất 70 nghìn người lao động nước ngoài nữa để phục vụ cho các dự án hạ tầng cũng như một số ngành nghề khác. Đơn giản bởi hiện tại, Nhật rất cần lao động phục vụ cho các dự án hạ tầng cho thế vận hội Olympic 2020.

Một chuyên gia về vấn đề di trú tại Nhật, ông Ippei Torri, cho biết trên lý thuyết đúng là lao động nước ngoài được đưa đến Nhật theo chương trình thực tập sinh là để học nghề, thế nhưng trên thực tế, lao động nước ngoài trong các chương trình này chủ yếu làm thay công việc năng nhọc cho lao động người Nhật, khác hoàn toàn với mục tiêu thực sự của chương trình thực tập sinh.

Lẽ ra người lao động phải được học những kỹ năng mới để về nước áp dụng nhưng cuối cùng họ chẳng được học gì, làm công việc tay chân cực kỳ nặng nhọc và nhận lại mức lương bèo bọt. Ông Torri cho rằng xét trên một số phương diện, chương trình thực tập sinh chẳng khác gì một hình thức buôn người của xã hội hiện đại.

Chính phủ Mỹ đã nhiều lần gây sức ép với chính phủ Nhật để Nhật phải thay đổi chương trình thực tập sinh kiểu này, thế nhưng không có nhiều tác dụng. Chính phủ Nhật cũng có nhiều cái khó. Tỷ lệ người già trong tổng dân số Nhật tăng nhanh, ước tính đến năm 2040, tổng lực lượng lao động Nhật giảm đến 30% so với hiện nay.

Không chỉ có thực tập sinh người Trung Quốc chịu cảnh khổ cực khi đi lao động theo diện này. Rất nhiều lao động Việt Nam cũng vô cùng cực nhọc khi sống đời sống của thực tập sinh.

Bạn Hoàng Ngọc Quân, một thực tập sinh Việt Nam tại Nagasaki, mới đây đã kể như chuyện như sau: “Người bạn làm cùng với mình bị đánh kinh quá. Mỗi tuần 2 lần bị đánh. Làm trên tầng 20 mà người Nhật lao đến đánh và đẩy anh ấy suýt nữa rơi từ tầng 20 xuống đất, toàn dùng ống giáo với cờ lê để đánh. Cuối cùng anh ấy chán nản quá đã phải xin về trước thời hạn, nợ vay trước khi đi còn chưa trả hết.”

Nhiều năm nay, chúng ta từng được nghe về xưởng may đen ở Nga. Tuy nhiên theo một số bạn thực tập sinh Việt Nam ở Nhật, Nhật cũng có những xưởng may kiểu như vậy. Người lao động phải làm việc rất vất vả, bị bắt buộc phải tăng ca nhưng không được tăng lương và sống trong điều kiện sống vô cùng cực khổ.

Vậy nguyên nhân của tất cả những tình trạng trên là gì? Theo quan điểm và trải nghiệm của cá nhân người viết với 4 năm sống tại Nhật, phía Nhật cũng có rất nhiều sai sót trong chương trình thực tập sinh nhưng chính phía người Việt Nam cũng cần xem xét lại chính mình.

Đa phần người lao động Việt Nam chỉ muốn sang để kiếm tiền nhanh, nhưng điều căn bản nhất là muốn làm việc tốt thì ngôn ngữ phải tốt. Trong khi họ không chịu thừa nhận và không chịu học tiếng. Tại rất nhiều các trung tâm học tiếng Nhật dành cho đối tượng du học sinh và tu nghiệp sinh ở Hà Nội, giám đốc trung tâm cho biết học viên rất lười, lớp học tổ chức ra nhưng học viên thường xuyên bỏ học.

Tiếng Nhật kém khiến họ không thể tự tìm hiểu thông tin để biết mình thực ra có đang bị các công ty lao động lừa hay không. Tiếng Nhật kém sẽ gây ra vô cùng nhiều rào cản ngăn trở người lao động giao tiếp với các ông chủ Nhật sau này. Chắc chắn ai từng quản lý lao động đều hiểu khi không thể truyền đạt được yêu cầu của mình đến người lao động, người lao động không tiếp thu, công việc không đạt tiến độ, cảm giác khó chịu sẽ đến mức độ nào.

Chưa kể đến việc khi có vấn đề xảy ra, với ngôn ngữ kém, người lao động cũng không thể tự tìm đến luật sư hay nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi cho mình. Tiếng Nhật kém đồng nghĩa với mất đi công cụ căn bản nhất để giao tiếp làm việc hiệu quả và bảo vệ bản thân.

Thói quen lao động thiếu tổ chức thiếu kỷ luật của người Việt Nam cũng chính là yếu tố khiến họ không được đánh giá cao trong mắt các ông chủ Nhật. Văn hóa Nhật coi trọng sự đúng giờ. Trong rất nhiều các thông báo về sự kiện hay các buổi họp hành, người tham dự luôn được “khuyến khích” đến sớm từ 10 đến 15 phút. Nhưng nhiều người lao động Việt Nam lại không có được tác phong như vậy. Văn hóa và kỷ luật lao động không đạt chuẩn Nhật khiến người lao động Việt Nam khó có thể được tôn trọng.

Có thể thấy khi người lao động chuẩn bị tốt cho mình cả về trình độ tiếng Nhật cũng như tay nghề, họ sẽ có khả năng tự tiếp cận với nguồn thông tin, xử lý công việc tốt, nhận mức lương cao hơn và tự bảo vệ mình trong trường hợp cần thiết.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM