Một ngành sản xuất đứng top đầu thế giới của Việt Nam đang bị xói mòn, đâu là giải pháp để cứu vãn tình thế?

20/11/2024 14:47 PM | Kinh doanh

Cà phê là một ngành đầy niềm tự hào của người Việt Nam, bởi vậy việc thúc đẩy mô hình canh tác bền vững chống lại biến đổi khí hậu là điều tất yếu.

Một ngành sản xuất đứng top đầu thế giới của Việt Nam đang bị xói mòn, đâu là giải pháp để cứu vãn tình thế?- Ảnh 1.

Việt Nam là nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới, xếp thứ 6 về diện tích, sau Brasil, Indonesia, Ethiopia, Colombia và Bờ Biển Ngà, với tổng diện tích năm 2022 là 709,6 ngàn ha.

Năng suất cà phê của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, trung bình từ 2,5-3,5 tấn nhân/ha. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 1,72 triệu tấn cà phê với kim ngạch đạt 3,95 tỉ USD, hay 17,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm trồng trọt.

Rõ ràng ngành cà phê Việt Nam là trụ cột quan trọng của thị trường cà phê toàn cầu và đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc gia, trở thành một ngành đầy niềm tự hào của đất nước.

Thế nhưng ngành cà phê cũng đang phải đối mặt với những thay đổi và thách thức về biến đổi khí hậu khiến việc thúc đẩy mô hình canh tác bền vững trở thành điều tất yếu.

Một ngành sản xuất đứng top đầu thế giới của Việt Nam đang bị xói mòn, đâu là giải pháp để cứu vãn tình thế?- Ảnh 2.

Xói mòn

Cà phê là ngành sản xuất quan trọng, tạo việc làm cho khoảng 1 triệu nông dân, chưa kể công nhân làm việc trong các nhà máy chế biến, hoạt động thương mại…

Tuy nhiên, do lợi nhuận cao nên nhiều năm nông dân đầu tư  thâm canh cho  cây cà phê quá mức, gần như không bón phân hữu cơ hoặc bón rất ít, trong khi phân vô cơ sử dụng vượt quá khuyến cáo nhiều lần. Việc sử dụng nước tưới cho cà phê cũng chưa thật khoa học, gây lãng phí nước và xói mòn dinh dưỡng trong đất.

Tất cả những yếu tố trên làm đất trồng cà phê bị suy thoái nghiêm trọng, nổi bật nhất là suy giảm hàm lượng chất hữu cơ cả về số lượng và chất lượng

Ngoài ra, sự biến đổi bất thường của thời tiết như nhiệt độ tăng, hạn hán kéo dài, mưa phân bố không đều, mưa trong mùa khô, nắng hạn trong mùa mưa xảy ra thường xuyên hơn.

Dù có hơn 700.000 héc-ta đất cà phê nhưng Việt Nam đang chật vật tìm đất phù hợp để nâng cao sản lượng do lo ngại nạn phá rừng và áp lực đáp ứng các mục tiêu liên quan đến khí hậu.

Số liệu của Cục trồng trọt năm 2023 cho thấy chỉ riêng biến đổi khí hậu năm 2016 đã ảnh hưởng đến 116,4 ngàn hecta cà phê, trong đó Đăk Lăk bị thiệt hại 56,1 ngàn hecta. Diện tích cà phê bị mất trắng do thời tiết là 6,9 ngàn hecta.

Tổng hợp tác động của các yếu tố sinh học và phi sinh học đã làm cho sản xuất cà phê thiếu bền vững. Các loại dịch hại từ đất phát triển, đặc biệt là bệnh vàng lá thối rễ làm hàng trăm ngàn hecta cà phê phải tái canh, thậm chí phải hủy bỏ, nhiều diện tích bị rút ngắn chu kỳ kinh doanh, hiệu quả kinh tế giảm sút.

Theo Cục Trồng trọt, diện tích tái canh giai đoạn 2014-2020 lên đến 90 ngàn hecta và 30 ngàn hecta khác phải ghép cải tạo, chiếm 18,5% tổng diện tích cà phê. Kế hoạch tái canh sẽ vẫn phải tiếp tục, dự kiến đến 2025 cần tái canh tiếp 75 ngàn hecta và ghép cải tạo thêm 32 ngàn hecta.

Một ngành sản xuất đứng top đầu thế giới của Việt Nam đang bị xói mòn, đâu là giải pháp để cứu vãn tình thế?- Ảnh 3.

Bên cạnh đó, sự biến động của giá cà phê đã khiến ngày càng nhiều diện tích cây trồng xen kẽ trong vườn cà phê.

Số liệu của Cục Trồng trọt cho thấy diện tích cà phê có trồng xen với các cây trồng khác năm 2021 là 169,9 ngàn ha, tương đương 26,17% tổng diện tích. Đây được đánh giá là một tỉ lệ khá cao và đang có xu hướng tăng nhanh.

Theo TS. Devmali Perera, giảng viên Tài chính đến từ Đại học RMIT, nhiều nông dân trồng cà phê trong nước đã chuyển sang trồng sầu riêng do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc cho loại trái cây này đang tăng. Sự thay đổi này đã làm giảm thêm diện tích dành cho sản xuất cà phê.

Ngoài ra, nông dân Việt Nam đang phải đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao, chủ yếu do giá phân bón và nhân công tăng. Giá cà phê trong nước tăng có thể bù đắp phần nào chi phí sản xuất cho nông dân. Tuy nhiên, chi phí sản xuất tăng khiến các đơn vị xuất khẩu gặp phải nhiều khó khăn.

Đây là thông tin đáng báo động cho ngành cà phê Việt Nam vốn đứng đầu thế giới.

Canh tác thông minh

Việt Nam hiện là nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới với khoảng 97% sản lượng là cà phê Robusta. Phần còn lại bao gồm cà phê Arabica và các giống đặc sản khác.

Mặc dù lượng tiêu thụ cà phê trong nước đang tăng, xuất khẩu vẫn là nguồn thu nhập chính cho ngành sản xuất cà phê Việt Nam.

Lượng xuất khẩu cà phê ước đạt tổng cộng 25 triệu bao (loại 60 kg/bao) trong niên vụ 2023-2024, giảm khoảng 10% so với năm ngoái. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn thứ hai trên toàn cầu, sau Brazil.

Dẫu vậy, việc ngành cà phê xói mòn là thách thức rõ ràng và việc thúc đẩy canh tác bền vững, canh tác thông minh đã trở thành nhiệm vụ cấp thiết.

Một ngành sản xuất đứng top đầu thế giới của Việt Nam đang bị xói mòn, đâu là giải pháp để cứu vãn tình thế?- Ảnh 4.

Xác định Tây Nguyên là vùng sản xuất cà phê trọng điểm (chiếm 92% diện tích cả nước), đóng góp lớn cho xuất khẩu.

Tuy dư địa phát triển  về năng suất và chất lượng cà phê còn rất nhiều nhưng Tây Nguyên đang phải chịu tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu.

Do vậy, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đã quyết định khởi xướng thực hiện chương trình “Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”, với sự tham gia phối hợp của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên.

Chương trình được triển khai từ năm 2023 trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên với 15 huyện trọng điểm ứng với 15 mô hình, trong đó 7 mô hình cà phê trồng thuần, 4 mô hình hồ tiêu trồng xen cà phê, 4 mô hình sầu riêng trồng xen cà phê với mục tiêu giúp canh tác cà phê và cây trồng xen phát triển  bền vững.

Theo đó, chương trình sẽ xây dựng quy trình canh tác cụ thể cho vườn cà phê, bắt đầu từ việc tìm ra những tồn tại và hạn chế hiện có trong các phương thức canh tác cà phê truyền thống tại Tây Nguyên.

Từ đây, chương trình trang bị  cho bà con nông dân Tây Nguyên những gói kỹ thuật canh tác thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, theo đó cung cấp  bộ sản phẩm phân bón mới phù hợp cho sản xuất cà phê (trồng thuần, trồng xen), hiệu quả kinh tế cao, có tác dụng ổn định và cải thiện độ phì nhiêu của đất, hạn chế bệnh hại từ đất và giảm phát thải khí nhà kính.

Cụ thể, chương trình tập trung vào 3 mô hình canh tác  cà phê phổ biến tại Tây Nguyên: cà phê trồng thuần , hồ tiêu trồng xen cà phê và sầu riêng trồng xen cà phê. Hồ tiêu và sầu riêng là những loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Tây Nguyên và cũng có nhu cầu cao trên thị trường vì thế các mô hình trồng xen này sẽ góp phần đảm bảo cho nguồn thu nhập của người nông dân.

Đây được đánh giá là một chương trình tiềm năng khi công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền từng có kinh nghiệm tổ chức rất thành công chương trình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, được Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là Tiến bộ kỹ thuật và khuyến nghị mở rộng sản xuất ra  các vùng sản xuất lúa khác có điều kiện tương tự.

Bởi vậy chương trình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên cũng được kỳ vọng là sẽ giúp cho niềm tự hào của Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM