Một founder vừa kêu gọi tất cả nhân viên văn phòng Uber VN về làm cùng: Tôi tin với những con người ấy, startup Việt sẽ thành công rực rỡ hơn nhiều những Uber, Grab...
"Các bạn đã gửi vào Uber sự đam mê, sáng tạo và khát khao "be the best", các bạn tin mình đang làm thay đổi Việt Nam, thật sự thay đổi. Tôi cảm phục và cảm thông với các bạn, khi tất cả điều đó tan biến, chỉ sau một bài báo về thương vụ sáp nhập. Nhưng cuộc đời là vậy, Uber cũng chỉ là một business, với nhiều lãnh đạo ở rất xa của Uber, đây chỉ là một thương vụ - một thương vụ hời", Founder kiêm CEO Gigatum Trần Hải Quang chia sẻ.
"Tạm biệt anh em, tạm biệt tình yêu lớn trong đời của tôi", Đặng Việt Dũng – Cựu Giám đốc Uber Việt Nam chia sẻ trên trang cá nhân trong ngày Uber Việt Nam bị khai tử.
8/4 là ngày cuối cùng Uber Việt Nam hoạt động.
Với người dùng, ngày Uber khai tử, có chăng chỉ là một chút luyến tiếc.
Còn với nhân viên của Uber, nhận được tin công ty mình tâm huyết bị bán thông qua một tờ báo nước ngoài, một nhân viên đã tả lại bằng "một nụ cười pha chút cay đắng, tự trào".
"26/03/2018, vốn là ngày chúng tôi dự định khai trương văn phòng mới tại TP Hồ Chí Minh… Tất cả những nhân viên Uber Sài Gòn đi làm vào ngày hôm đó, đều là lần đầu tiên sử dụng thẻ thang máy, thẻ nhân viên, lần đầu được chạm vào bàn làm việc mới của mình. Và trớ trêu thay, cũng là lần cuối cùng".
"Tất cả những đồ ăn, thức uống, trái cây bày biện đẹp đẽ trên mặt bàn bếp của chúng tôi hôm đó, là dành cho bữa tiệc khai-trương-kèm-tạm-biệt", Duyên Phạm - người giữ vị trí City Operartions tại văn phòng Uber Việt Nam ở TPHCM tâm sự.
Đọc những dòng tâm sự của các nhân viên Uber, Founder kiêm CEO Gigatum mới đây đã viết một status rất dài, bày tỏ sự luyến tiếc với Uber, đồng thời bày tỏ mong muốn được đón nhận tất cả nhân viên Uber về Gigatum làm việc.
"Khi đọc tâm sự của team Uber, tôi hiểu vì sao Uber lại thành công như vậy ở mảnh đất này. Các bạn đã gửi vào Uber sự đam mê, sáng tạo và khát khao "be the best", các bạn tin mình đang làm thay đổi Việt Nam, thật sự thay đổi. Tôi cảm phục và cảm thông với các bạn, khi tất cả điều đó tan biến, chỉ sau một bài báo về thương vụ sáp nhập".
"Nhưng cuộc đời là vậy, Uber cũng chỉ là một business, với nhiều lãnh đạo ở rất xa của Uber, đây chỉ là một thương vụ, một thương vụ hời", ông Trần Hải Quang – Founder kiêm CEO Gigatum tâm sự.
Gigatum là công ty hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ di động, social-networking, AI và big data với mong muốn thay đổi ngành bán lẻ truyền thống. Sản phẩm chính của công ty là ứng dụng mua sắm trên điện thoại Clingme kết nối người dùng với hơn 300.000 điểm mua sắm trên toàn quốc.
Clingme từng làm xôn xao cộng đồng khởi nghiệp khi trải qua ba lần gọi vốn thành công: đầu tiên là 50.000 USD, lần hai là 200.000 USD và lần 3 là: là 2,5 triệu USD năm 2017.
Dưới đây là những tâm sự của CEO Gigatum về cuộc chia ly với Uber:
"Tôi tin với tinh thần ấy, những con người ấy, Startup từ Việt Nam sẽ thành công rực rỡ hơn nhiều những Uber, Grab…"
Founder kiêm CEO Gigatum Trần Hải Quang.
Chuyến đi Uber cuối cùng của tôi là một lộ trình quen thuộc đêm thứ Năm, lần đầu tiên sau hơn 3.000 chuyến đi, tôi được một bác tài đưa đi và đón về. Trong suốt hơn 3 năm sử dụng dịch vụ, tôi chỉ 4 lần gặp lại bác tài, nhưng là sau 2, 3 tháng.
"Như xe nhà mình nhỉ", là lời chia tay của bác tài chiếc K3 tối thứ 5 đó. Sự thật là 2 tuần trở lại đây đã rất ít người chạy Uber, và từ hôm nay, tôi không còn gọi được Uber nữa, dù app Uber vẫn trong điện thoại.
Đọc những dòng tâm sự của các bạn làm cho Uber, về sự hụt hẫng, sự luyến tiếc, cái cảm giác ngày đầu tiên bóc tem văn phòng mới, chỗ ngồi mới, cũng là lần cuối cùng… tôi hiểu cảm xúc ấy, không chỉ là kết thúc một công việc.
Việc không tuyển được nhân sự tâm huyết một phần do sự thiếu hụt của niềm tin, giữa founders và các cộng sự, nhất là khi công ty còn quá non trẻ. Giữa một rừng các bài PR, những lời chém gió, thật sự là khao khát, là kỳ vọng mong muốn nhìn thấy nhiều hơn các team ở Việt Nam có tinh thần chiến đấu như team Uber Việt Nam.
Tôi đọc nhiều về Uber tại Mỹ, những scandal về văn hoá doanh nghiệp, cuộc chiến chưa có tiền lệ từ một VC để buộc founder phải ra đi. Hình ảnh Uber trong truyền thông thế giới thật khác với Uber Việt Nam mà tôi trải nghiệm, thật khác cảm xúc lưu luyến tiếc nuối mà những bác tài và tôi chia sẻ trong 2 tuần qua.
Trong chuyến xe tối thứ Năm thì tôi hiểu. Bác tài nói với tôi, dù cước Uber thấp hơn Grab, nhưng vẫn muốn chạy "U" hơn, vì bác thích khách đi "U" hơn, không "tạp" như Grab. Và bác cũng tự lý giải, lái xe có người này người kia, và khách hàng cũng vậy; nhưng với Uber, bác thấy được tôn trọng.
Uber đã tạo ra các quy tắc ứng xử để lái xe luôn phải tôn trọng khách hàng, và đồng thời khách hàng cũng cần tôn trọng lái xe. Các quy định về lái xe được quyền huỷ chuyến và nhận hỗ trợ khi chờ khách quá 5 phút; hay lái xe có thể từ chối chuyến đi khi khách hàng đi xa khỏi thành phố, lái xe được tính tiền khi đường tắc… và nhiều quy định khác đã được xây dựng với sự ngầm hiểu về cách ứng xử văn mình giữa người lái xe và khách đi xe. Việc trả tiền, và trả thưởng từ hãng cũng rất sòng phẳng, đúng thời hạn.
Sự tiếc nuối Uber là tiếc nuối cách ứng xử văn mình, sự tận tâm và tử tế từ hai phía; một điều rất hiếm trong ngành dịch vụ bình dân tại Việt Nam.
Khi đọc tâm sự của team Uber, tôi hiểu vì sao Uber lại thành công như vậy ở mảnh đất này. Các bạn đã gửi vào Uber sự đam mê, sáng tạo và khát khao "be the best", các bạn tin mình đang làm thay đổi Việt Nam, thật sự thay đổi. Tôi cảm phục và cảm thông với các bạn, khi tất cả điều đó tan biến, chỉ sau một bài báo về thương vụ sáp nhập.
Nhưng cuộc đời là vậy, Uber cũng chỉ là một business, với nhiều lãnh đạo ở rất xa của Uber, đây chỉ là một thương vụ, một thương vụ hời. Tôi chợt nghĩ, sao mình có quá ít các cộng sự như vậy, vì sao các Startup từ Việt Nam rất khó tìm những con người với đam mê, nhiệt huyết và tinh thần chiến đấu bền gan đến vậy; những con người làm việc điên cuồng vì một ngày mai cho mình và cho mọi người xung quanh.
Phải chăng do chưa startup nào tại Việt Nam thành Unicorn, hay tại lương thưởng từ công ty Việt Nam không tốt, không thể sánh bằng Uber, Lazada… Tôi không nghĩ vậy, Việt Nam có nhiều tập đoàn trả lương rất khủng, công ty của tôi cũng có offer không hề tệ. Vậy tại sao…
Tôi đã tìm câu trả lời cho câu hỏi này 5 năm qua, từ khi tôi có Startup đầu tiên. Một phần lý do tôi nhận ra, đó là sự thiếu hụt của niềm tin, giữa founders và các cộng sự, nhất là khi công ty còn quá non trẻ. Giữa một rừng các bài PR, những lời chém gió, thật sự là khao khát, là kỳ vọng mong muốn nhìn thấy nhiều hơn các team ở Việt Nam có tinh thần chiến đấu như team Uber Việt Nam.
Các bạn đã thành công khi tạo dựng một môi trường lành mạnh trong lĩnh vực vận tải, chúng tôi đang chiến đấu để tạo ra một môi trường thương mại văn minh, với quy tắc ứng xử giữa người mua và người bán được xây dựng trên niềm tin, sự tử tế và sự tôn trọng lẫn nhau. Các bạn đã quen gạt sang bên những lời dèm pha, nghi ngại, phản đối, thậm chí từ những người gần gũi thân thuộc, để vượt lên hoàn thành kế hoạch của mình. Chúng tôi hiểu cần điều gì để có thể vượt lên như vậy…
Tôi tin với tinh thần ấy, những con người ấy, start-up từ Việt Nam sẽ thành công, thành công rực rỡ hơn nhiều những Uber, Grab, Go-Jek, Sea, Lazada…
Được làm việc cho công ty hàng đầu thế giới là rất tuyệt vời, nhưng còn tuyệt vời hơn khi cùng nhau xây dựng lên một công ty hàng đầu thế giới. Chúng tôi đã sẵn sàng, còn bạn đã sẵn sàng cho bước tiếp theo trong sự nghiệp của mình?