Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN: Rất nhiều lần bị muộn họp bởi Mai Linh, nên tôi đã chuyển sang dùng Uber, Grab

06/04/2018 15:10 PM | Kinh doanh

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thừa nhận rằng: Bà trước đây là khách hàng trung thành của taxi Mai Linh, nhưng rất nhiều lần bị muộn họp bởi Mai Linh nên đã chuyển sang dùng Uber và Grab.

"Trước đây tôi "trung thành" với taxi Mai Linh, nhưng rất nhiều lần xe không đến kịp, tôi bị muộn họp bởi Mai Linh. Trong khi đó, nếu gọi Grab hay Uber thì họ có xe ngay, họ lan toả và cung cấp dịch vụ ngay lập tức khi khách hàng có nhu cầu", bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến "Grab thâu tóm Uber, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?" sáng 6/4.

Đây là một trong những yếu tố thị trường bà Hiền phân tích dưới góc độ người dùng. Bà Hiền cho biết hiện bà hay đi Uber hay Grab vì tính thuận tiện do phần mềm mang lại, kết nối dễ dàng, nhanh chóng, nhưng quan trọng hơn nữa là vì giá cả.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN: Rất nhiều lần bị muộn họp bởi Mai Linh, nên tôi đã chuyển sang dùng Uber, Grab - Ảnh 1.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Ảnh: Báo Giao thông.

"Grab và Uber đang chấp nhận thua lỗ để tích lũy thị trường. Họ cũng rất linh hoạt, có chế độ giá cả cho giờ cao điểm và thấp điểm trong khi taxi hiện nay không có. Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận trả giá cao cho giờ cao điểm và được giảm giá vào giờ thấp điểm", bà Hiền thẳng thắn.

Về góc độ thị trường, bà Hiền cho rằng ứng dụng công nghệ chỉ là cái để người ta tiếp cận thị trường đơn giản, nhanh chóng hơn. Nhưng phải xem vì sao Grab và Uber nhanh chóng thống lĩnh được thị trường như thế.

Sau nhiều năm phát triển, thị trường taxi của Việt Nam hiện có hơn trên 50 nghìn xe taxi trong cả nước.

Nhưng chỉ trong 3 - 4 năm, Uber, Grab vào thị trường Việt Nam, dù chính tắc hay không chính tắc, đã lên tới con số hơn 60 nghìn xe, bằng cả quá trình chúng ta tích luỹ phát triển hệ thống taxi trong nhiều năm.

Vấn đề không chỉ là công nghệ mà còn là chất lượng dịch vụ

Về phía taxi truyền thống, ở Hà Nội, các doanh nghiệp phát triển co cụm trong đối tượng phục vụ cho mình, không có sự chia sẻ kết nối.

"Phân tích như thế để thấy được vì sao khi Uber và Grab vào, chúng tôi bỏ rất nhiều thời gian tìm hiểu vì sao khách hàng thích Grab hay Uber, vì sao các anh lái xe tham gia vào Grab, Uber, để các doanh nghiệp hậu Grab thâu tóm Uber nhìn lại bản chất".

"Không chỉ là công nghệ kết nối mà chúng ta cần nhìn lại bản chất về chất lượng dịch vụ mà mỗi giai đoạn người tiêu dùng càng đòi hỏi cao hơn. Chúng ta phải tự đào thải chứ không chờ người khác đào thải mình", bà Hiền phân tích.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, bà Hiền cho biết mong muốn lớn nhất là hài hoà tất cả lợi ích của người dân, doanh nghiệp và xã hội. Các lợi ích này phải được đặt ngang bằng nhau để tạo điều kiện cho tất cả các đối tượng trong khuôn khổ đều đạt được mục đích của mình.

"Đó là bài toán khó. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, với quản lý vận tải, các cơ quan quản lý nhà nước đang ra sức bảo vệ thị trường nội địa. Chúng tôi thấy rõ điều kiện kinh doanh vận tải phải tạo điều kiện phát triển nội lực của Việt Nam, ngay cả trong đàm phán song phương hay đàm phán ASEAN".

"Giờ với Trung Quốc, chúng ta gặp phải rào cản lớn khi họ có những doanh nghiệp rất mạnh, có tiềm lực kinh doanh lớn. Việc tích tụ để cùng nhau phát triển là rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay", bà Hiền chia sẻ.

Với thị trường gọi xe, đại diện Bộ Giao thông Vận tải mới đây cho biết Didi Chuxing của Trung Quốc cũng đã nộp hồ sơ lên bộ, nhưng các cơ quan chức năng chưa xem xét.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM