Một đồng USD có 3 giá trị khác nhau - chuyện không lạ ở Zimbabwe

16/09/2017 16:02 PM | Kinh tế vĩ mô

Khi phải đối mặt với tình trạng siêu lạm phát vào năm 2008 (cuộc khủng hoảng biến mọi công dân thành "tỷ phú" nghèo), chính phủ Zimbabwe đã loại bỏ đơn vị tiền tệ nước này và chọn đô la Mỹ làm đồng tiền chính thức để ổn định nền kinh tế.

Tuy nhiên, bước đi của nền kinh tế Zimbabwe vẫn hết sức trì trệ. Sản xuất công nghiệp vẫn dậm chân tại chỗ và không có khoản xuất khẩu nào đáng kể để mang về nguồn ngoại tệ đang hết sức cần thiết cho một nền kinh tế ốm yếu, và tác dụng của đồng USD trong lưu thông bắt đầu giảm. Điều này buộc Zimbabwe phải đưa ra một đơn vị tiền tệ ngang bằng với USD vào năm ngoái (các mệnh giá 2, 5, 10 và 20 đô la của đồng tiền mới có cùng giá trị với USD mệnh giá tương ứng).

Thống đốc Ngân hàng Trung ương (NHTW) Zimbabwe John Panonetsa Mangudhla vẫn cho rằng mục đích của việc này là tạo động lực cho 5% xuất khẩu, nghĩa là nhằm kích thích lưu thông USD trong nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế là đồng tiền mới đã trở thành phương tiện trao đổi chủ yếu sau khi cổ phiếu đô la Mỹ trở lại trạng thái bấp bênh.

Giá trị của đồng tiền mới đã giảm đáng kể trên thị trường không chính thống so với đồng USD trong vòng 4 tháng qua, mặc dù NHTW cố gắng định giá nó ngang bằng với USD. Đó là vì sự khan hiếm của đô la Mỹ trong lưu thông đã dẫn đến giao dịch không chính thống giữa đồng tiền mới và USD trên thị trường tự do.

Giờ đây với đô la Mỹ, đồng tiền mới và thẻ ngân hàng trong lưu thông, người ta đã tạo ra một "chợ đen" tín dụng để bắt đầu đưa ra những mức giá khác nhau cho cùng một loại hàng hóa dựa vào hình thức thanh toán.

Các nhà bán lẻ và thương nhân đang tính phí cao hơn cho các khoản thanh toán thực hiện bằng đồng tiền mới hoặc thẻ ngân hàng, và tính phí thấp hơn với các giao dịch tiền mặt bằng đồng USD.

Vì thế một mặt hàng có thể có đến 3 giá bán lẻ khác nhau, chẳng hạn 80 USD khi sử dụng tiền mặt, 100 USD khi sử dụng đồng tiền mới và 120 USD khi dùng thẻ ngân hàng.

Trong khi tình trạng này tiếp tục tồn tại, thì chính phủ mặc dù tuyên bố nó là bất hợp pháp nhưng không có các công cụ pháp lý phù hợp để ngăn chặn. Điều này khiến cơ quan lập pháp của Zimbabwe phải nhanh chóng biến dự thảo sửa đổi của NHTW thành luật.

Phó thống đốc Khupukile Mlambo biết rằng tình trạng 3 giá đang khiến NHTW phải đau đầu tìm cách đối phó: "Có rất nhiều nhà bán lẻ áp dụng chế độ 3 mức giá cho đồng tiền mới, thẻ ngân hàng và USD. Chúng tôi muốn làm rõ rằng điều này là bất hợp pháp. Chúng tôi không muốn bắt giữ ai cả. Đây là một môi trường phức tạp và nếu chúng tôi bắt giữ ai đó, người ta sẽ nói là chúng tôi không còn muốn đầu tư vào Zimbabwe nữa."

NHTW Zimbabwe liên tục phải đối mặt với hệ thống nhiều mức giá kể từ khi cuộc khủng hoảng tiền tệ trở nên nghiêm trọng. Hầu hết các ngân hàng nước này đều chỉ xuất ra 50 USD mỗi tuần cho các khách hàng cá nhân. Các tài khoản ngoại tệ trong các ngân hàng này đều đã cạn kiệt, làm ảnh hưởng đến việc nhập khẩu nguyên vật liệu và các nhu yếu phẩm quan trọng khác từ nước ngoài.

Khi cuộc khủng tài chính lan rộng, người dân Zimbabwe đang phải chuyển sang các hình thức thanh toán khác không được hỗ trợ bởi tiền mặt. Các doanh nghiệp phải áp dụng các chiến lược mới để bảo tồn giá trị đầu tư của mình bằng cách định ra các mức ưu tiên với mọi hình thức thanh toán tùy vào mức độ nhạy cảm của nó với các động lực thị trường.

Nhiều công ty vẫn đang phải vật lộn nhằm tiếp cận với ngoại tệ để mua nguyên vật liệu từ nước ngoài. Một số công ty còn phải mua ngoại tệ ở chợ đen. Điều này lại càng làm tăng nhu cầu đối với tiền mặt, và vì thế tác động đến các khoản chiết khấu cho giao dịch tiền mặt.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM