Món Huế và kế sách “Kim thiền thoát xác” trong kinh doanh

09/11/2019 09:57 AM | Kinh doanh

Kế sách "Kim thiền thoát xác" có thể giúp doanh nghiệp lật ngược thế cờ trong những tình huống bất lợi, tưởng như không thể xoay chuyển được nữa. Tuy nhiên nhìn từ khía cạnh khác, nếu bị lợi dụng, đây có thể là chiêu thức khiến khách hàng, thậm chí các nhà đầu tư bị lừa.

Scandal của chuỗi nhà hàng Món Huế cùng hàng loạt thương hiệu "anh em" dưới quyền quản lý của công ty Huy Việt Nam như Phở Ông Hùng, Cơm Thố Cháy,... chưa kịp lắng xuống thì mới đây lại rộ lên nghi vấn ông chủ Huy Nhật đã dùng chiêu "kim thiền thoát xác" để mở nhà hàng mới.

Trong khi phía Món Huế đang nợ các nhà cung cấp hàng chục tỷ đồng, nợ lương nhân viên và biến mất trước sự truy lùng của các nhà đầu tư thì một nhà hàng mới với tên gọi Huy Seafood Garden Hotpot tại Quận 1, TPHCM gần đây đã đăng thông tin tuyển dụng nhân sự lên mạng. Vấn đề là đơn vị phụ trách tuyển dụng phía sau chính là Công ty TNHH Nhà hàng Long Khang, nơi ông Huy Nhật đang sở hữu 80% cổ phần.

Dù mới chỉ dừng ở mức nghi vấn nhưng câu chuyện của ông chủ Món Huế đã khiến nhiều người liên tưởng đến kế sách "kim thiền thoát xác", một trong 36 kế sách Binh Pháp Tôn Tử. Kế sách này thường được biết đến với tên gọi "ve sầu thoát xác", nghĩa là ve sầu đã bay đi, xác lột ra còn để lại, khiến kẻ thù nhìn vào tưởng như ve sầu vẫn đậu trên cây và vẫn chăm chăm tìm cách đối phó với cái xác.

Món Huế và kế sách “Kim thiền thoát xác” trong kinh doanh - Ảnh 1.

Kế "kim thiền thoát xác" ngày nay được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, khi cá nhân tổ chức tính chuyện ngụy trang sang một hình thức mới để lừa dối, che mắt đối phương, nhằm tìm kiểm cơ hội khác.

Trước scandal của Món Huế, đã có nhiều công ty dùng kế "kim thiền thoát xác" để lừa đảo, chiếm đoạt vốn của người khác. Một trong số đó là Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Thái Tuấn (Thái Tuấn) của ông Vũ Đức Tính, có trụ sở tại TPHCM. 

Giai đoạn 2015, ông Tĩnh được tung hô như doanh nhân thành đạt, sở hữu một doanh nghiệp ăn nên làm ra, giàu lòng nhân ái, vì cộng đồng.

Với chiêu thức kêu gọi người dân đầu tư vào bất động sản, tiền ảo, thậm chí là quán nhậu, để nhận lãi suất khủng, càng huy động nhiều người càng được hoa hồng cao, Thái Tuấn đã chiêu dụ hàng trăm nhà đầu tư với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng. Khi người dân "mắc bẫy" tin tưởng vào lợi nhuận ảo mà công ty này mang lại, vay mượn tiền bạc để đầu tư thì Thái Tuấn bất ngờ tuyên bố giải thể, xù tiền. Và sau đó, ông Tĩnh liên tục mở những công ty khác dưới chiêu thức "kim thiền thoát xác" để tiếp tục huy động vốn.

Cho đến 2018, khi hơn 100 nhà đầu tư cùng đứng ra tố cáo hành vi lừa đảo hơn 30 tỷ đồng trong việc hợp tác làm ăn của Thái Tuấn, báo chí phanh phui thì sự việc mới vỡ lở.

Tuy nhiên không phải lúc nào việc ứng dụng kế sách "kim thiền thoát xác" cũng đi kèm với mục đích xấu. Trong rất nhiều trường hợp kế sách này sẽ giúp chủ doanh nghiệp bảo toàn lực lượng để tiếp tục phát triển.

Một ví dụ điển hình đã thành công với chiến lược "kim thiền thoát xác" chính là câu chuyện sản xuất ô tô của Nhật Bản.

Món Huế và kế sách “Kim thiền thoát xác” trong kinh doanh - Ảnh 2.

Năm 1980, lần đầu tiên sản lượng xe hơi của Nhật Bản đạt ngưỡng 10 triệu chiếc, vượt hẳn sản lượng năm của Mỹ, quốc gia đứng vị trí số 1 trong ngành công nghiệp ô tô thế giới. Để bảo hộ thương mại, phía Mỹ yêu cầu ngành sản xuất xe hơi Nhật Bản tự động hạn chế sản lượng. 

Phía Nhật tuy thấy bất lợi cho mình nhưng một mặt vẫn vui vẻ hứa hẹn, mặt khác lại bí mật đưa thiết bị sản xuất đến bang Kentuckey và bang California. Từ đó, xe hơi của Nhật Bản được ra đời ở Mỹ và thâm nhập thị trường nước Mỹ giống như xe hơi Mỹ.

Chính phủ Mỹ ngay lập tức ra nhiều chính sách để nâng cao giá thành sản xuất của các xí nghiệp Nhật Bản. Các công ty Nhật bề ngoài lại ra vẻ kiềm chế, nhún nhường, nhưng bên trong dần chuyển hướng đầu tư vào vùng biên giới của Mexico, vừa tận dụng được nguồn lực lao động rẻ, vừa được hưởng ưu đãi thuế.

Kết quả là đến khi phía Mỹ phát hiện ra thì các hãng xe Nhật Bản đã thành công trong việc gõ cửa thị trường nước Mỹ.

Nhật Anh (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
XEM