Mối lo người Thái 'mượn tên' đặc sản Việt

08/08/2016 15:03 PM | Xã hội

Khi Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế chung ASEAN thì nguy cơ bị đánh cắp thương hiệu ngày càng gia tăng.

Nước mắm Thái Lan xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU), Mỹ được gắn nhãn mác nước mắm Phú Quốc. Bún, phở, mì khô… xuất khẩu của Thái trên bao bì lại viết là “Vietnamese’s New Noodle” (tạm dịch: Bún mới của người Việt).

Có tiếng nhưng không có miếng

Chuyên gia thương hiệu Lý Trường Chiến, kể trong một lần đi Nhật ông thấy có gói phở khô Việt Nam nhưng lại ghi là “Made in Thailand”.

Trong chuyến đi Thái mới đây, ông cũng phát hiện tại siêu thị bán sản phẩm này. “Điều đó cho thấy người Thái đã nhanh chân hơn người Việt. Họ biết món phở Việt Nam nổi tiếng trên thế giới nên đã khai thác, kinh doanh mặt hàng này” - ông Chiến nhận xét.

Nước mắm sản xuất tại Thái Lan cũng đã “mượn tên” Phú Quốc để xuất khẩu ra nước ngoài.

Bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, cho hay lượng xuất khẩu nước mắm Phú Quốc sang thị EU tăng khá mạnh sau khi sản phẩm này được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại EU. Tuy nhiên, tình trạng một số nhà sản xuất của Thái Lan và Hong Kong lấy thương hiệu nước mắm Phú Quốc bán vào EU và các nước khác vẫn còn.

“Do đó các cơ quan hữu trách Việt Nam cần có các giải pháp hợp lý để EU tăng cường giám sát, loại bỏ những sản phẩm đánh cắp thương hiệu hoặc nhái nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc. Khi đó những sản phẩm nước mắm sản xuất tại Thái Lan, Hong Kong nhưng ghi chữ Phú Quốc sẽ bị các nước EU xử phạt và loại bỏ” - bà Tịnh nói.

Không chỉ nước mắm, phở mà các sản phẩm từ gạo như bún, mì… từ lâu không chỉ là thế mạnh của các DN sản xuất trong nước mà còn được nhiều nước trên thế giới tiêu thụ mạnh, ngay cả những nước khó tính như Nhật, Mỹ, Pháp… Đáng buồn là DN Thái Lan và Trung Quốc lại chiếm lĩnh các thị trường trên một phần nhờ “mượn tên” các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, hoặc ngang nhiên ghi đặc sản vùng miền của Việt Nam trên bao bì sản phẩm.

“Nhiều sản phẩm của Việt Nam có tiếng trong nước lẫn trên thế giới. Nhưng lại để các công ty ngoại như Thái Lan, Trung Quốc vô tư in lên bao bì “bún bò Huế, hủ tíu Sa Đéc…”. Điều này khiến người tiêu dùng trên thế giới không thể phân biệt được đâu là hàng ngoại, đâu là hàng Việt”, đại diện một công ty sản xuất thực phẩm xuất khẩu nói.

Theo một số DN, có hiện tượng không ít công ty của Trung Quốc khi muốn đưa hàng vào các thị trường ASEAN, họ đưa qua nước ta và gắn mác “made in Vietnam”. Sau đó có thể ung dung bán hàng vào ASEAN dễ dàng. Đây là tình trạng rất đáng báo động.

Đừng để nước đến chân mới nhảy

Gần đây, khi các công ty nước ngoài trong khối cộng đồng chung kinh tế ASEAN đưa hàng hóa vào Việt Nam để chiếm lĩnh thị phần thông qua các chuỗi siêu thị, đã xuất hiện tình trạng DN ngoại lấy tên gần giống, hoặc nhái thương hiệu sản phẩm nổi tiếng của DN Việt.

“Do vậy, nếu DN nước ta không nhanh chân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì nguy cơ mất thương hiệu hoặc tranh chấp kiện tụng sẽ xảy ra, nhất là sắp tới đây hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều, do nước ta tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do” - ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, cảnh báo.

Còn theo luật sư Lê Quang Vinh, Công ty luật BROSS & partners, DN không chỉ bán hàng ở trong nước mà còn xuất khẩu đi nước ngoài. Do đó, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của DN ở trong nước thì chỉ có giá trị pháp lý trong nước, ra nước ngoài không có giá trị. Vì vậy việc đăng ký bảo hộ ở nước ngoài là rất cần thiết. Một số DN Việt đã ý thức được điều này như cà phê Trung Nguyên xuất khẩu sang 40-50 nước trên thế giới nhưng họ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu các sản phẩm của mình tại hơn 70 nước.

Nhiều DN Việt bảo lo ngại chi phí đăng ký cao nhưng thực ra là họ không quan tâm, chú trọng đến bảo hộ thương hiệu của mình. Thật ra, ngoài phương thức đăng ký quốc gia - tức là nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đến từng quốc gia - tốn nhiều chi phí thì DN có thể chọn đăng ký quốc tế để tiết kiệm.

Cụ thể, DN chỉ cần nộp một đơn đăng ký nhãn hiệu cho nhiều nước theo nghị định thư Madrid và thỏa ước Madrid. Đây là một công cụ bảo vệ thương hiệu cho DN tại các quốc gia khác.

“Chỉ có đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở những thị trường có xuất khẩu thì khi bị làm nhái, làm giả… chúng ta mới có cơ sở pháp lý để khởi kiện” - luật sư Vinh nói.

Gian nan đòi “trả lại tên cho em”

Nhiều chuyên gia cảnh báo kinh tế Việt Nam càng hội nhập sâu vào thế giới thì nguy cơ mất thương hiệu càng lớn. Trước đây từng có chuyện sản phẩm kẹo dừa Bến Tre bị một đối tác làm nhái và đăng ký độc quyền nhãn hiệu ở Trung Quốc. Chủ nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre đã phải rất gian nan, tốn nhiều chi phí mới đòi lại được thương hiệu.

Không chỉ vậy, hàng loạt DN khác như Vinataba, Trung Nguyên, Cầu Tre, Vifon... cũng từng phát hiện thương hiệu của mình bị đăng ký tại nhiều quốc gia mà việc đòi lại tốn nhiều thời gian, công sức.

Những đặc sản gắn liền với chỉ dẫn địa lý của các địa phương thường là những đối tượng dễ bị xâm hại thương hiệu nhất. Chẳng hạn như xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn... Lý do những thương hiệu gắn liền với địa phương và quốc gia thường chưa được đăng ký bảo hộ đúng mức ở thị trường nước ngoài nên dễ bị sử dụng để khai thác.

Ngày 4/8 vừa qua, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam thông báo ba món ăn Việt Nam là phở, bún chả và bánh mì đã chính thức lọt top 100 món ăn nổi tiếng thế giới do Liên minh Kỷ lục thế giới - Wordkings và Viện Top Thế giới công bố.

Theo Quang Huy

Cùng chuyên mục
XEM