Mô hình co-salon bị Shark Dzung bảo “đập đi xây lại” nhưng đang làm ăn “ngon nghẻ” tại Mỹ, mở rộng 450 địa điểm nhờ nhượng quyền thương mại

24/10/2019 14:20 PM | Kinh doanh

Sola Salon Studios là mô hình co-working dành riêng cho các nhà tạo mẫu tóc, nhà làm đẹp tại Mỹ. Không chỉ giúp giảm đáng kể chi phí so với việc mở một salon truyền thống mà nhờ nhượng quyền thương mại, mô hình này phát triển nhanh chóng và bền vững suốt 15 năm qua.

Trong tập 14 Shark Tank mùa 3, ba nhà đồng sáng lập Trần Bá Đạt, Đỗ Thị Thùy Dương và Nguyễn Hoài Nam đã gọi vốn 10 tỷ, ứng với 12,5% cổ phần cho startup Co-Salon. Đây là công ty khởi nghiệp kết hợp giữa mô hình chia sẻ không gian làm việc chung dành cho hair stylist và một nền tảng online-to-offline để khách hàng được trải nghiệm dịch vụ vượt trội hơn.

Theo nhà sáng lập, các hair stylist sẽ làm chủ khách hàng của mình cũng như 80% doanh thu, tự do về thời gian làm việc mà không phải tự đầu tư bỏ vốn. Trong khi đó, khách hàng có thể lựa chọn người làm tóc phù hợp với nhu cầu và mức giá.

Mô hình co-salon bị Shark Dzung bảo “đập đi xây lại” nhưng đang làm ăn “ngon nghẻ” tại Mỹ, mở rộng 450 địa điểm nhờ nhượng quyền thương mại - Ảnh 1.

Co-Salon gọi vốn trên Shark Tank tập 14.

Dù tham vọng mở được 80 địa điểm trong thời gian tới nhưng mô hình kinh doanh của Co-Salon không nhận được nhiều sự ủng hộ từ các "cá mập" do quy trình chưa được tiêu chuẩn hóa, định giá quá cao và còn nhiều điểm yếu. Thậm chí Shark Dzung còn đề xuất rót vốn nếu như nhà sáng lập chịu "đập đi xây lại", xây dựng lại mô hình để chuyển sang kinh doanh nhượng quyền. Tuy nhiên, các founder đã từ chối, chịu về "tay trắng".

Tại Việt Nam, ý tưởng của Co-Salon còn khá mới mẻ nhưng mô hình đó cũng không phải là đầu tiên trên thế giới. Thậm chí, có thể startup này đã học hỏi rất nhiều từ thành công mà SoLa Salon đến từ Mỹ từng làm được. Sola Salon Studios lọt vào danh sách những thương hiệu nhượng quyền tốt nhất của Forbes năm 2015 nhờ mang đến cách tiếp cận hoàn toàn mới mẻ cho ngành kinh doanh làm tóc.

Mô hình co-working tương tự WeWork

Sola Salon Studios được thành lập năm 2004 bởi Stratton Smith và Matt Briger, khai trương địa điểm đầu tiên tại Denver. Thực tế, bảng cân đối kế toán của công ty gần như không hề giống một tiệm làm tóc bởi mô hình kinh doanh kiểu co-working, tương tự như WeWork.

Mô hình co-salon bị Shark Dzung bảo “đập đi xây lại” nhưng đang làm ăn “ngon nghẻ” tại Mỹ, mở rộng 450 địa điểm nhờ nhượng quyền thương mại - Ảnh 2.

Hai nhà đồng sáng lập Sola Salon.

Sola Salon xác định khách hàng của mình là các nhà tạo mẫu tóc, nhà làm đẹp. Theo đó, những người này sẽ thuê một không gian trong studio và có thể đến làm việc bất cứ lúc nào mà không cần trả thêm phí khác ngoài tiền thuê nhà.

Mỗi studio có một hoặc hai chiếc ghế ngồi tạo kiểu, bát gội đầu, gương chiếu sáng, tủ cùng những tiện ích đi kèm khác, từ wifi đến hỗ trợ an ninh. Các hóa chất, công cụ cần thiết được cung cấp sẵn và có nhiều lựa chọn, hệ thống quản lý hàng tồn kho cũng được hỗ trợ. Nhờ đó, các hair stylist chỉ cần chuyên tâm vào công việc sáng tạo, phục vụ khách hàng của mình.

Không gian của các salon trong khu phức hợp Sola Salon.

Ngoài ra, họ cũng cung cấp các ứng dụng riêng biệt, giúp khách hàng đặt chỗ thuận lợi, còn các nhà tạo mẫu tóc có thể quản lý hoạt động kinh doanh hiệu quả.

Chi phí thuê một không gian tại Sola Salon tùy thuộc vào diện tích lớn hay nhỏ, dao động từ 350 USD đến 700 USD mỗi tuần. Trong khi đó, theo Smith, các nhà tạo mẫu tóc có thể đem về từ 50% đến 100% doanh thu. Họ cũng bán các sản phẩm làm đẹp của mình và giữ lại hoàn toàn lợi nhuận.

Nhân rộng nhờ nhượng quyền thương mại

Không lâu sau khi mở ba địa điểm đầu tiên, Sola Salon nhận được sự chú ý và ủng hộ từ bạn bè. Nhiều người cũng muốn kinh doanh theo mô hình này.

Nắm bắt được nhu cầu, hai nhà sáng lập quyết định nhượng quyền thương mại. Rất nhanh chóng, đã có 100 địa điểm mới với 30 thương hiệu nhượng quyền được bạn bè, người thân và đồng nghiệp cũ triển khai.

Đến năm 2012, Smith và Briger phát triển nhượng quyền với đội ngũ chuyên nghiệp thực sự. Từ cuối tháng 6/2012 đến năm 2014, họ đã có thêm 80 thương hiệu nhượng quyền mới.

Mô hình co-salon bị Shark Dzung bảo “đập đi xây lại” nhưng đang làm ăn “ngon nghẻ” tại Mỹ, mở rộng 450 địa điểm nhờ nhượng quyền thương mại - Ảnh 4.

Theo nhà đồng sáng lập Briger, mô hình của Sola rất khác so với các mô hình nhượng quyền thường thấy. Co-working giúp công ty có thể lựa chọn địa điểm và thay đổi, hạn chế tình trạng thâm dụng vốn.

Đến năm 2018, Sola Salon đã có 138 chủ nhượng quyền, 450 địa điểm, 10.000 người thuê studio trên khắp nước Mỹ, tăng 100% so với ba năm trước đó. Công ty cũng đã phát triển hoạt động kinh doanh sang Canada, Brazil, Anh, Tây Ban Nha. Doanh thu năm 2018 đạt 225,8 triệu USD.

Hiệu quả kinh doanh ra sao?

Trả lời Forbes, Smith cho biết tỷ lệ doanh thu mà Sola Salon nhận được tính trên mỗi nhà tạo mẫu chỉ là 10% mỗi năm, trong khi những thẩm mỹ viện như Supercuts có thể nhận được gần như hoàn toàn thu nhập tạo ra.

Tuy nhiên, khi đã thiết lập được một cộng đồng đông đảo và lớn mạnh, họ không chỉ giúp các hair stylist có cơ hội làm nghề với chi phí thấp hơn đáng kể mà cũng giúp mô hình hiệu quả hơn.

T.Dương

Cùng chuyên mục
XEM