Shark Dzung offer 10 tỷ, tận dụng cả Wefit để kéo khách hàng, nhưng startup coworking trong ngành tóc từ chối "không cần nghĩ" vì không muốn thay đổi mô hình kinh doanh

24/10/2019 12:16 PM | Kinh doanh

Thay vì cân nhắc hay hội ý, CEO Co-salon Trần Bá Đạt lập tức từ chối offer 10 tỷ đồng đổi lấy 50% của Shark Dzung trên Shark Tank Việt Nam tập 14. Cựu Giám đốc vận hành Canifa tiết lộ: "Tôi từ chối Shark Dzung nhanh như vậy vì số tiền và cổ phần Shark đưa ra quá thấp so với kỳ vọng của chúng tôi. Với những lời khuyên của các Shark, chúng tôi sẽ chỉ nắn chỉnh mô hình của mình chứ KHÔNG THAY ĐỔI".

Xuất hiện cuối cùng trong Shark Tank Việt Nam mùa 3 tập 14, Trần Bá Đạt, Đỗ Thị Thùy Dương và Nguyễn Hoài Nam - Đồng sáng lập Co-salon muốn gọi vốn 10 tỷ đồng cho 12,5% cổ phần.

Mô hình "2 in 1", vừa là coworking salon space cho hair stylist, vừa là nền tảng công nghệ O2O

Đạt giới thiệu Co-salon là mô hình "2 in 1", kết hợp mô hình Coworking salon space dành cho các hair stylist và Nền tảng công nghệ O2O (Online to Offline) bao gồm hệ thống app, web cho người dùng.

Nhận thấy việc nhiều nhân viên ở các tiệm salon tóc sau khi có tay nghề và khách hàng tự đứng ra mở tiệm cạnh tranh, Co-salon ra đời để giải quyết vấn đề này. Công ty sẽ tập hợp tất cả những nhà tạọ mẫu tóc, làm việc ở một không gian chia sẻ dưới thương hiệu chung Co-salon.

Shark Dzung offer 10 tỷ, tận dụng cả Wefit để kéo khách hàng, nhưng startup coworking trong ngành tóc từ chối không cần nghĩ vì không muốn thay đổi mô hình kinh doanh - Ảnh 1.

Với mô hình này, các nhà tạo mẫu tóc cũng sẽ thỏa mãn nhu cầu làm chủ vì họ có thể tự đưa ra mức giá, tự thỏa thuận để mua các nguyên vật liệu từ Co-salon. Công ty cũng sẽ thiết kế website và nền tảng ứng dụng di động để khách hàng có thể lựa chọn nhà tạo mẫu tóc ưng ý với mức giá phù hợp.

Trả lời câu hỏi của Shark Việt về bức tranh tài chính, CEO của Co-salon cho biết doanh số trong 6 tháng vừa qua đạt 4,9 tỷ đồng. EBIT (Earnings Before Interest and Tax - Lợi nhuận trước lãi vay và thuế) là âm 86 triệu đồng.

Nếu có thêm 10 tỷ đồng, đội ngũ sáng lập mong xây dựng 80 cửa hàng Co-salon trong thời gian tiếp theo (hiện đã mở được 3 cửa hàng). Chi phí để mở một cửa hàng mới là 700-900 triệu đồng.

Ngoài việc thu tiền từ dịch vụ, Co-salon sẽ thu 5 triệu/ghế/tháng với 16 ghế mỗi cửa hàng. Ngoài ra, để đạt điểm hòa vốn, mỗi cửa hàng của Co-salon cần đạt hiệu suất lấp đầy 60-70%, tức chiếm 2 ghế trên tổng số 3 ghế làm hóa chất trong cùng một khung giờ.

Trần Văn Đạt cũng nói thêm rằng các nhà tạo mẫu tóc sẽ phải đầu tư một số tiền lớn để mua về tất cả các bảng màu nếu muốn kinh doanh riêng. Trong trường hợp làm việc với Co-salon, kho hàng có sẵn của công ty sẽ giải quyết vấn đề đó.

Về nguy cơ chất thải ảnh hưởng tới môi trường, nhóm sáng lập cho hay nhà nước vẫn chưa có quy định đặc biệt nào đối với các salon. Tuy nhiên, thực tế ấy lại khiến Shark Việt và Shark Liên lo ngại, bởi có thể chính phủ sẽ siết quy định trong tương lai. Theo Shark Liên, việc quá lạm dụng việc làm tóc bằng hóa chất cũng có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí gây rụng tóc và hói đầu. Với những sự lo ngại đó, cả hai Shark đều quyết định không đầu tư dù startup đã cố gắng thuyết phục rằng đây là một mô hình đã thành công ở Trung Quốc và Mỹ.

Tự nhận mạnh về "Team" nhưng đây lại là nhân tố chính khiến Shark Hưng từ chối, khi "cả 3 cùng nhận mình là Founder"

Shark Dzung offer 10 tỷ, tận dụng cả Wefit để kéo khách hàng, nhưng startup coworking trong ngành tóc từ chối không cần nghĩ vì không muốn thay đổi mô hình kinh doanh - Ảnh 2.

Sau lời từ chối của cả Shark "ông ngoại" lẫn Shark "bà ngoại", Nam thuyết phục 3 shark còn lại bằng chính con người của những người sáng lập.

"Em xem rất nhiều video các Shark chia sẻ quan điểm đầu tư của mình. Bọn em cũng biết một trong những khía cạnh các Shark lựa chọn là nhìn vào con người. Bọn em rất tự tin là một đội mạnh. Anh Đạt trước là Giám đốc vận hành của những chuỗi Canifa, Bibomart. Dương cũng là chủ của salon Dương Tây có 3 salon. Em trước đây cũng là cổ đông sáng lập đời đầu của chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển. Cho nên về câu chuyện chuỗi bọn em có khá nhiều kinh nghiệm", Nam cho biết.

Tuy nhiên, nhận định startup không có nhiều hàm lượng công nghệ, Shark Thủy quyết định không đầu tư. "Ông trùm" chuyên làm chuỗi đưa ra gợi ý cho Co-salon rằng thay vì mở các điểm mới như hiện tại, nếu các bạn xây dựng được chuẩn, có giáo giáo trình đào tạo tốt, cho khách hàng tin rằng cứ gắn chữ Co-salon là uy tín thì thay vì đi mở mới, Co-salon chỉ cần gắn biển của mình vào điểm cũ.

"Quan trọng là khi gắn chữ này của bạn vào, khách hàng hiểu rằng cửa hàng này đã được các bạn đảm bảo về chất lượng. Và các bạn đào tạo lại cho họ, yêu cầu họ phải làm theo chuẩn của các bạn. Tôi nghĩ với mô hình ấy, các bạn sẽ đi rất nhanh và không tốn tiền", Shark Thủy nói.

Khi tôi hỏi ai là Founder thì cả 3 cùng nhận là Founder. Đưa cả một team lên rất đông cùng deal với các shark thể hiện sự thiếu tự tin của người cầm đầu, và cũng thể hiện việc không ai chịu trách nhiệm sau này

Tiếp đến, Shark Hưng cũng từ chối vì không thích một mô hình sáng lập gồm quá nhiều thành viên.

"Khi tôi hỏi ai là Founder thì cả ba cùng nhận là Founder. Tỷ lệ sở hữu của các bạn - vì là đồng sở hữu - cũng có vẻ dàn hàng ngang. Đây là điều tôi hết sức lo lắng. Nguyên tắc đầu tư của tôi là phải có 1 người chi phối hoàn toàn, dominate (thống trị - PV) người khác, tự tin ra quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình".

"Quyền quyết định phải tập trung vào một số ít người thôi, tôi nhảy vào nữa thì mới có thể bàn bạc được. Các bạn lên chương trình đưa cả một team lên rất đông cùng deal với các shark thể hiện sự thiếu tự tin của người cầm đầu, và cũng thể hiện việc không ai chịu trách nhiệm sau này. Dàn hàng ngang thì chỉ cần một người yếu đi team có thể tan vỡ nếu các bạn bị gắn kết và lệ thuộc vào nhau quá mạnh mẽ như vậy. Đó là lý do tôi không đầu tư", Shark Hưng nói.

Trước 4 cái lắc đầu liên tiếp của các vị cá mập, Shark Dzung Nguyễn "một mình một ngựa" đưa ra đề nghị 10 tỷ đồng cho 50% cổ phần Co-salon. Đây là số cổ phần cao nhất từ trước đến giờ mà "cá mập công nghệ" muốn sở hữu của startup tại Shark Tank mùa 3 này. Bởi lẽ, ông muốn công ty cần thay đổi mô hình kinh doanh, đập đi xây lại và dùng nhiều yếu tố công nghệ hơn.

Shark Dzung offer 10 tỷ, tận dụng cả Wefit để kéo khách hàng, nhưng startup coworking trong ngành tóc từ chối không cần nghĩ vì không muốn thay đổi mô hình kinh doanh - Ảnh 4.

Cho rằng 50% là một mức cổ phần quá cao, CEO Co-salon gợi ý Shark Dzung có thể tăng số tiền đầu tư hoặc giảm tỉ lệ sở hữu. "Cá mập công nghệ" nói thêm: "Tôi còn có cả Wefit để đẩy khách hàng vào. Cái tôi đang nhìn thấy là tiềm năng của hệ thống salon Việt Nam, tiềm năng của nhu cầu làm đẹp, và quan trọng hơn là định hướng mô hình để gọi vốn vòng sau".

"Mô hình hiện nay tôi đang nhìn thấy rất nhiều điểm yếu. Tôi chưa tự tin về mô hình này, mà đang muốn đi theo hướng tận dụng tài nguyên đang có. Sau này tôi có thể đàm phán về tỉ lệ nhưng hiện tại tôi vẫn đề nghị 10 tỷ cho 50% cổ phần" – Shark Dzung Nguyễn nói.

"Em xin phép từ chối", CEO Co-salon dứt khoát trả lời không cần cân nhắc hay hội ý với hai founder còn lại.

Trả lời sau màn gọi vốn bất thành, cựu Giám đốc vận hành Canifa tiết lộ: "Tôi từ chối Shark Dzung nhanh như vậy vì số tiền và cổ phần Shark đưa ra quá thấp so với kỳ vọng của chúng tôi. Với những lời khuyên của các Shark, chúng tôi sẽ chỉ nắn chỉnh mô hình của mình chứ KHÔNG THAY ĐỔI".

Tổng quan thương vụ gọi vốn của Co-salon:

- Mô tả: Co-salon là mô hình "2 in 1", kết hợp mô hình Coworking salon space dành cho các hair stylist và Nền tảng công nghệ O2O (Online to Offline) bao gồm hệ thống app, web cho người dùng.

- Founder: Trần Bá Đạt - cựu Giám đốc vận hành Canifa, Bibomart; Đỗ Thị Thùy Dương - chủ salon Dương Tây có kinh nghiệm 8 năm trong ngành tóc, và Nguyễn Hoài Nam - cổ đông sáng lập của Sói Biển đời đầu

- Lĩnh vực: Làm đẹp

- Tình hình kinh doanh: 6 tháng gần nhất, doanh thu 4,9 tỷ đồng. EBIT âm 86 triệu đồng

- Gọi đầu tư: 10 tỷ đồng cho 12,5% cổ phần

Kết quả: Không nhận đầu tư

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM