Masan MEATLife đầu tư trên 2.800 tỷ đồng xây dựng 2 tổ hợp nhà máy sản xuất thịt mát chuẩn châu Âu ở Việt Nam

01/10/2020 16:46 PM | Kinh doanh

Với công suất tối đa của 2 nhà máy ở Hà Nam và Long An vào khoảng 280.000 tấn sản phẩm/năm, nếu cả hai có thể kịp thời chạy hết tốc lực vào năm 2022, mục tiêu chiếm 10% thị phần thị heo của Masan MEATLife (MML) hoàn toàn khả thi. Chẳng ai biết MML có thể đứng số 1 thị trường thịt heo trong 5 năm như dự định, song khởi đầu của họ trông có vẻ suôn sẻ.

Sau khi tổ hợp chế biến thịt trị giá hơn 1.000 tỷ đồng tại Hà Nam đi vào khuôn khổ và hoạt động ổn định, Masan MEATLife tiếp tục khai trương nhà máy thứ hai với tổng vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng tại Long An. Đây là những nhà máy sản xuất thịt heo mát theo công nghệ châu Âu đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm này.

Tổ hợp chế biến thịt MEATDeli Sài Gòn của Masan được xây dựng tại khu công nghiệp Tân Đức, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Tổ hợp chế biến thịt được xây dựng trên diện tích gần 20ha, chia làm 2 giai đoạn. Bây giờ họ mới xong giai đoạn 1, sử dụng diện tích khoảng 10ha và tiêu tốn khoảng 1.400 tỷ đồng.

Giống như nhà máy đầu tiên tại Hà Nam, nhà máy thứ hai này cũng có công suất giết mổ và chế biến thịt heo, thịt heo mát các loại khoảng 140.000 tấn sản phẩm/năm – tương đương 1,4 triệu con/năm và dùng dây chuyền chế biến thịt hiện đại châu Âu từ công ty hàng đầu thế giới Marel – Hà Lan. Khi nhà máy MEATDeli Sài Gòn đi vào hoạt động 100% công suất sẽ cần khoảng 1.000 công nhân viên.

Nếu hai nhà máy chạy hết công suất, mục tiêu giữ 10% thị phần thịt heo vào 2022 của Masan hoàn toàn khả thi

MML bắt đầu sản xuất và phân phối thịt mát ra thị trường từ cuối năm 2018. Họ đặt mục tiêu rất cao cho mảng mới của mình. Ví dụ: đạt 3% thị phần vào cuối năm 2020 và 10% thị phần thịt heo toàn quốc vào 2022. Trong 5 năm tới, mảng thịt heo của họ sẽ đứng số 1 thị trường, doanh thu dự kiến đạt tăng trưởng kép (CAGR) 208% và chiếm 72% doanh thu thuần MML, đồng thời sẽ vượt doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi vào năm 2021.

MML sẽ đầu tư 17.000 tỷ đồng trong 5 năm tới để tăng nguồn cung lợn lên 25 lần (trang trại riêng + trang trại hợp tác) và tăng gấp đôi công suất chế biến cũng như mở rộng số điểm bán hàng (POS) gấp 24 lần vào năm 2023.

Masan MEATLife đầu tư trên 2.800 tỷ đồng xây dựng 2 tổ hợp nhà máy sản xuất thịt mát chuẩn châu Âu ở Việt Nam - Ảnh 1.

Một góc nhà máy sản xuất thịt heo tại Long An của MML.

"Thịt heo là mảng lớn nhất trong ngành F&B với thị trường có giá trị hơn 10 tỷ USD, gấp 2.5 lần giá trị thị trường sữa. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường chưa được chuẩn hóa, còn rời rạc và có nhiều sản phẩm chưa an toàn cho sức khỏe.

MML kỳ vọng đến năm 2022, các sản phẩm thịt có thương hiệu sẽ đóng góp 50% – 70% doanh thu của công ty, khi người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang tiêu thụ sản phẩm thịt có thương hiệu, an toàn, truy xuất được nguồn gốc, vệ sinh và giá cả hợp lý, thay vì các sản phẩm thịt không rõ nguồn gốc như trước đây", đại diện MML cho hay.

Thực tế cho thấy, MML không hề viễn vông khi đưa ra mục tiêu nói trên. Kể từ khi ra mắt đến giờ, thịt mát của họ luôn được hoan nghênh trên thị trường, "cung luôn không đủ cầu". Còn theo một khảo sát của Nielsen năm 2018, 97% người tiêu dùng đồng ý thịt mát MEATDeli tươi ngon. Nhu cầu tiêu thụ thịt mát ước tính tăng lên 15% tổng lượng thịt vào năm 2023 từ mức dưới 1% hiện nay.

Trong năm đầu tiên chính thức gia nhập thị trường 2019, doanh số của MEATDeli vào khoảng 1.200 tỷ đồng, song chỉ trong nửa năm 2020, họ đã thu về gần bằng cả năm 2019 – với doanh số khoảng 1.055 tỷ đồng.

Còn khi cả hai nhà máy hoạt động hết công suất, mỗi năm MML sẽ sản xuất khoảng 280 nghìn tấn/năm, có thể chiếm khoảng 10% thị phần thịt heo nói chung. Vì nếu so với tổng sản lượng toàn thị trường năm 2019 khoảng 3,5 triệu tấn thịt, thì tổng sản lượng nói trên của MML chiếm 15,5%.

Masan MEATLife đầu tư trên 2.800 tỷ đồng xây dựng 2 tổ hợp nhà máy sản xuất thịt mát chuẩn châu Âu ở Việt Nam - Ảnh 2.

Dây chuyền sản xuất ở đây tự động hóa khoảng 50%, máy móc phụ trách cắt phần lớn còn các công nhân sẽ pha lóc chi tiết.

Chính thức ra mắt tại Hà Nội vào tháng 12/2018 và TP. HCM vào tháng 9/2019, tính đến nay, MEATDeli đã có mặt tại hơn 1.700 điểm bán, bao gồm hệ thống siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+, chuỗi siêu thị CoopMart, Big C, các cửa hàng MEATDeli và các đại lý…

Cuộc đua thú vị của Vissan và Masan trong các chuỗi siêu thị

Cả Vissan lẫn Masan đều cho rằng, họ không phải là đối thủ cạnh tranh của nhau trên thị trường thịt heo hay trong các chuỗi siêu thị, do Vissan sản xuất thịt heo ‘nóng’ trong khi MML sản xuất thịt heo mát. Về cơ bản, thịt heo ‘nóng’ là thịt heo được giết mổ và tiêu thụ trong ngày, còn thịt heo mát của MML có thời hạn sử dụng tới 9 ngày nhờ vào chế biến và bảo quản trong điều kiện mát.

"Thịt heo sau khi chế biến sẽ được làm mát và đóng gói với công nghệ Oxy-Fresh 9 ngay tại nhà máy nhằm ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập. Để giữ trọn dưỡng chất cùng độ ngon tối ưu của thịt, sản phẩm thịt lợn mát MEATDeli sẽ được bảo quản xuyên suốt ở nhiệt độ 0 - 4 độ C từ nhà máy đến tận tay người tiêu dùng và có thời hạn sử dụng lên đến 9 ngày.

Theo nghiên cứu khoa học, thịt heo ăn ngon nhất sau khi giết mổ khoảng 4 giờ đến 18 giờ, bởi lúc đó miếng thịt mới kết thúc việc co cơ. Tất nhiên, trong quãng thời gian đó, chúng ta cần bảo quản ở nhiệt độ thích hợp. Với tất cả những công đoạn xử lý kỹ càng trước khi đến tay người tiêu dùng, thịt mát của chúng tôi không cần rửa trước khi chế biến", ông Stefan Henn - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm ngành thịt – Masan MEATLife, khẳng định.

Masan MEATLife đầu tư trên 2.800 tỷ đồng xây dựng 2 tổ hợp nhà máy sản xuất thịt mát chuẩn châu Âu ở Việt Nam - Ảnh 3.

Ông Stefan Henn - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm ngành thịt – Masan MEATLife

Hiện tại, thịt mát đến từ MML mới chỉ chiếm vài phần trăm thị phần thịt heo nói chung, do thị trường mới bắt đầu làm quen với nó và công suất của các nhà máy MEATDeli đang chưa thể đạt 100%. Thịt ‘nóng’ từ Vissan và các nhà phân phối nhỏ lẻ không thương hiệu, 1 phần từ C.P Group vẫn chiếm hơn 90% thị trường.

Điều thú vị là Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế Anco đang sở hữu 24,94% cổ phiếu của Vissan, là cổ đông lớn thứ hai của doanh nghiệp này sau Satra. Masan hiện đang nắm 80,8% vốn Anco.

Trong Đại hội cổ đông năm 2020, bình luận về việc có hay không sự cạnh tranh giữa Vissan với Masan trong sản phẩm thịt mát, ông Nguyễn Phúc Khoa - Chủ tịch HĐQT Vissan, cho biết: "Theo nghiên cứu thị trường của Masan, qui mô thị trường thịt mát tươi sống của Việt Nam vào khoảng 10 tỉ USD (khoảng 235.000 tỉ đồng). Tuy nhiên, dịch tả heo châu Phi cùng với giá thịt heo tăng cao khiến nhu cầu mua thịt theo giảm đã làm qui mô thị trường giảm còn khoảng 130.000 tỉ đồng.

Đối với Vissan, doanh thu riêng mảng thịt tươi sống năm 2019 là 2.500 tỉ đồng, còn của Masan là 2.000 tỉ đồng, tính chung cả 2 đơn vị là 4.500 tỉ đồng. Đây là con số rất nhỏ so với qui mô thị trường 130.000 tỉ đồng.

Mặc dù Vissan chiếm thị phần rất lớn trong mảng thịt tươi sống nhưng chủ yếu là kênh bán hàng hiện đại còn kênh truyền thống hiện nay của công ty gần như chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Như vậy với việc khai thác được thịt mát ở kênh truyền thống như cách làm của Masan và của Vissan trong thời gian tới, thị trường hiện nay rất rộng mở nên không có lý do gì để Vissan và Masan cạnh tranh với nhau".

Gần cuối năm 2019, trong Báo cáo tiền niêm yết của MML, VnDirect nhận định rằng, trong tương lai, doanh nghiệp này có thể chịu 3 rủi ro sau: nhu cầu thịt mát tại Việt Nam tăng trưởng thấp hơn dự kiến, dịch tả heo châu Phi bùng phát hoặc dịch bệnh nghiêm trọng khác xảy ra, tốc độ mở rộng mạng lưới không như kỳ vọng.

Tuy nhiên, với sự bùng nổ của đại dịch Covid-19, người dân Việt Nam có vẻ đang ngày càng quan tâm đến sức khỏe hơn, họ có xu hướng chọn những loại sản phẩm tốt cho sức khỏe. Nên nhiều khả năng nhu cầu thịt mát đã qua xử lý bằng máy móc hiện đại và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, sẽ tăng trưởng nhanh chóng hơn dự đoán.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM