Masan Group muốn đóng một loạt cửa hàng cửa hàng Vinmart và Vinmart+ không hiệu quả, mục tiêu hòa vốn cuối năm 2020

23/06/2020 16:13 PM | Kinh doanh

Trước đó, Masan chịu lỗ lớn trong quý 1/2020 do hợp nhất kết quả kinh doanh của VCM (công ty vận hành Vinmart và Vinmart+).

Công ty cổ phần Tập đoàn Masan vừa công bố tài liệu họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2020. Theo đó, kế hoạch doanh thu thuần cho năm tới trong khoảng 75.000-85.000 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế cho cổ đông của công ty là 1.000-3.000 tỷ đồng.

Masan Consumer Holdings

Năm 2020, Masan Consumer Holdings sẽ tập trung tăng doanh thu từ các thương hiệu cao cấp, tung mới các sản phẩm và thương hiệu mới trong ngành nước tăng lực, mục tiêu tăng trưởng doanh thu trên 15% và tăng trưởng lợi nhuận 2 chữ số. Masan Consumer Holdings cũng sẽ chú trọng vào việc cộng hưởng với nền tảng ngành hàng chăm sóc cá nhân và gia đình ("HPC") của Công ty Cổ phần Bột giặt NET vừa mới mua lại.

Trước đó, trong năm 2019 doanh thu thuần của Masan Consumer Holidngs tăng 8,6% lên 18.845 tỷ đồng. Trong khi danh mục đồ uống tăng trưởng hai chữ số và ngành hàng thịt chế biến tăng trưởng gấp đôi thì ngành bia và cà phê của công ty lại sụt giảm.

Masan Meatlife

Doanh thu của Masan Meatlife năm 2019 giảm 1,3% còn 13.799 tỷ đồng, so với 13.977 tỷ đồng năm 2018. Mảng thức ăn gia súc bị ảnh hưởng bởi dịch tả heo Châu Phi (ASF) khi dịch bệnh đã làm chết 6 triệu con heo trong năm 2019 khiến tổng đàn heo trong nước giảm 9%.

Năm 2020, Masan Meatlife đặt mục tiêu doanh thu từ thịt đóng góp 20% trong tổng doanh thu thuần hợp nhất và xây dựng nền tảng thịt chế biến. Trong khi đó, thức ăn chăn nuôi dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ vừa phải và có tiềm năng tăng mạnh nếu việc tái đàn được đẩy nhanh để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Masan Resources

Kết quả tài chính năm 2019 của Masan Resources bị ảnh hưởng do giá cả hàng hóa giảm và hoãn bán đồng tồn kho. Masan Resources đạt doanh thu thuần 4.706 tỷ đồng năm 2019, giảm 31,4% so với mức 6.865 tỷ đồng năm 2018. Mục tiêu của Masan Resources trong thời gian tới là kiểm soát chi phí, ước tính sẽ giúp tiết kiệm gần 14 triệu USD. Mới đây Masan Resources đã mua lại mảng kinh doanh vonfram của H. C. Starck.

Vincommerce

Cuối năm 2019, Masan Group đã ký kết hợp đồng với Tập đoàn Vingroup, theo đó Masan Group nhận 83,74% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành của Công ty CP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM (công ty sở hữu VinCommerce) và phát hành quyền chọn được nhận cổ phần của một công ty hợp nhất, và công ty hợp nhất này sở hữu cổ phần/phần vốn góp và vận hành cả hai công ty VCM và Công ty TNHH MasanConsumerHoldings ("MCH").

Ngày 12/6/2020, Masan Group đã thông qua việc thành lập công ty hợp nhất là Công ty Cổ phần The CrownX để vận hành và sẽ sở hữu lợi ích kinh tế của Masan trong VCM và MCH.

Tính đến ngày 31/12/2019, VCM hiện đang vận hành 132 siêu thị VinMart, xấp xỉ 2.900 cửa hàng VinMart+ và 14 nông trại công nghệ cao VinEco cung cấp rau củ quả tươi. VCM hiện đang có số lượng điểm bán lớn nhất và chiếm gần 30% thị phần kênh bán lẻ hiện đại. 

Trong năm 2020, VCM dự kiến vạch ra lộ trình cụ thể để đạt lợi nhuận và bắt đầu xây dựng hạ tầng để số hóa toàn bộ nền tảng. Chuỗi bán lẻ này cũng sẽ tiếp tục củng cố thị phần tại Hà Nội, mở cửa hàng một cách có chọn lọc ở các tỉnh thành ngoài Hà Nội để thúc đẩy lợi nhuận; đồng thời đóng cửa các cửa hàng không có khả năng hòa vốn.

Mục tiêu của VCM là đạt biên EBITDA từ -3% đến 0% trong năm 2020, doanh thu hơn 42.000 tỷ đồng, hòa vốn vào nửa cuối năm. Trong đó, tăng trưởng doanh thu đến từ 24-25% các cửa hàng VinMart và VinMart+ hiện hữu, còn lại là đóng góp từ các cửa hàng được mở trong năm 2020.

Ngoài ra, thay vì chiến lược mở rộng liên tục để chiếm địa bàn như chủ cũ Vingroup, Masan sẽ mở rộng chuỗi cửa hàng theo cách chọn lọc và tập trung vào việc nâng cao hiệu quả kinh doanh của các cửa hàng hiện hữu. Theo đó, Masan dự kiến sẽ mở mới 20-30 siêu thị VinMart và 300-500 cửa hàng VinMart+ trong năm. Ở chiều ngược lại, Masan sẽ đóng cửa tối đa 10 siêu thị và 150-300 cửa hàng hoạt động không hiệu quả.

Quý 1/2020, Masan báo lỗ ròng 216 tỷ trong khi cùng kỳ năm trước lãi 1.000 tỷ đồng. Đây là lần đầu Masan thua lỗ trong 6 năm qua do tác động hợp nhất kinh doanh với VCM.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM