Mặc các ông lớn Nhật - Hàn - Thái - Trung nhảy vào TMĐT Việt Nam đốt tiền, startup Việt này đang đứng ở giữa "âm thầm"... tiêu hộ
Các đại gia Nhật - Hàn - Thái - Trung đã bắt đầu cuộc chiến TMĐT tại Việt Nam. Ai là người thắng cuộc không quan trọng. Họ càng phát triển cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp Việt Nam đứng giữa càng có nhiều trải nghiệm để phát triển.
Mới đây, động thái Aeon - tập đoàn bán lẻ của Nhật Bản chính thức đưa vào vận hành trang aeoneshop đã cho thấy, thị trường TMĐT Việt Nam đang là cuộc chơi của các tập đoàn hàng đầu trong khu vực, bao gồm Nhật - Hàn - Thái - Trung.
Đại diện cho Hàn Quốc là tập đoàn Lotte với trang TMĐT Lotte.vn. Alibaba của tỷ phú Trung Quốc - Jack Ma cũng vào Việt Nam qua thương vụ mua lại Lazada. Người Thái có Central Group mua lại Zalora Việt Nam thông qua Nguyễn Kim.
Và đối đầu với 4 tập đoàn lớn này cũng là các thương hiệu Việt Nam, như Adayroi của Vingroup, Tiki của VNG, hay Vuivui của Thế giới Di Động.
Dù chưa phân thắng bại, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, TMĐT Việt Nam là một cuộc chơi đầy khó khăn. Hơn ai hết, các doanh nghiệp đứng mũi chịu sào hiểu rằng, làm TMĐT chính là đốt tiền. Mà gần đây nhất là việc Tiki.vn lỗ tới 78,1 tỷ đồng, chỉ tính riêng trong Q3/2016.
Tuy nhiên, có một startup Việt Nam lại đang được các ông lớn trọng dụng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ bằng giải pháp kinh doanh Omnichannel (bán hàng nhiều nơi, quản lý một nơi). Đó là startup chuyên đứng sau "hậu trường" của các site bán hàng online - Haravan.
Haravan chính là đơn vị hỗ trợ phát triển trang TMĐT aeoneshop của ông lớn Aeon
Haravan chính là đơn vị hỗ trợ phát triển trang aeoneshop vừa được ông lớn Aeon đưa vào vận hành. Với vai trò của người đứng giữa hỗ trợ kỹ thuật, có vẻ như Haravan đang được trải nghiệm rất nhiều luồng tư duy làm TMĐT từ các doanh nghiệp khác nhau.
Nhật - Hàn - Thái - Trung - ai là người thắng cuộc không quan trọng, quan trọng là Haravan sẽ thu lời từ việc phát triển nền tảng kỹ thuật cho các đại gia TMĐT này. Họ đốt càng nhiều tiền trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, Haravan đứng giữa càng có lợi.
Trước Aeon, doanh nghiệp Việt Nam này cũng từng bắt tay hợp tác với Adayroi - trang TMĐT của Vingroup, Vinamilk eShop của đại gia sữa Vinamilk, và hàng loạt những thương hiệu có tiếng khác như The Face Shop, The Coffee House hay giày Juno...
Là một trong những startup công nghệ khá thành công tại Việt Nam, Haravan được gây dựng dựa trên ý tưởng bất kỳ ai cũng có thể có một website để bán hàng online. Tương tự với mô hình của Shopify, sản phẩm của Haravan khi mới ra đời nhanh chóng "hái ra vàng" nhờ chưa từng có tại Việt Nam, kết hợp mức giá rẻ và tính năng ổn định. Tính đến thời điểm hiện tại, Haravan đã có hơn 30.000 khách hàng.
Haravan là một bộ giải pháp tổng thể cho kinh doanh với việc xây dựng hệ thống quản lý theo mô hình Omnichannel
Phía Haravan ước đoán, số nhà bán lẻ có kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam rơi vào khoảng 700.000 hộ, với quy mô thị trường này xấp xỉ 3.500 tỷ đồng/năm. "Chúng tôi kỳ vọng chiếm khoảng 4% thị phần này", đại diện startup này chia sẻ.
Với những khách hàng cơ bản, website của Haravan giúp người dùng có những tính năng đơn giản: 1 website cài đặt được tên miền riêng, quản lý được tình trạng các đơn hàng, số lượng hàng còn tồn kho, danh sách khách hàng, kết nối với kênh Facebook tự động bằng facebookstore. Sử dụng ứng dụng quản lý inbox, comment của khách hàng trên Facebook và ghi nhận nội dung, tình trạng xử lý của từng vấn đề trong comment của khách hàng.
Và tất nhiên, càng nhiều DN muốn bán hàng online thì Haravan càng có nhiều cơ hội để hoàn thiện giải pháp dành cho kinh doanh online mà họ đang khởi nghiệp...