Lý giải việc Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ việc bán dao phay

08/10/2018 08:52 AM | Xã hội

Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ việc bán dao phay khiến những người muốn mua, đặc biệt là người nước ngoài gặp phải rất nhiều khó khăn vì không biết tìm ở đâu.

Làm phóng viên ở Bắc Kinh từ những năm 1980, Ann Scott Tyson là một người hâm mộ nhiệt tình của dao phay, hay còn được người phương Tây biết đến như một con dao có kích thước lớn của Trung Quốc.

Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc kiểm soát rất chặt chẽ việc bán dao phay, khiến những người muốn mua phải chật vật đi tìm khắp mọi nơi. Phóng viên Tyson đã kể lại hành trình đi tìm mua giao phay Trung Quốc trong một bài viết đăng trên CSM.

"Hai ngày sau khi quay lại Trung Quốc, tôi lang thang trong một siêu thị ở Bắc Kinh, mua các loại gia vị và nguyên liệu tươi để nấu các món ăn Trung Quốc yêu thích", Ann Scott Tyson viết.

Không khí ở siêu thị cũng nhộn nhịp như lễ hội vì đó là đêm trước ngày Quốc khánh 1/10 của Trung Quốc và bắt đầu kỳ nghỉ “Tuần lễ Vàng” – kỳ nghỉ kéo dài đến 7 ngày. Những người mua hàng khác giúp Tyson tìm loại đậu hũ ngon nhất, gạo thơm và tương đậu cay nhất. Vì từng sống ở Bắc Kinh và Hồng Kông nên phóng viên này dần dà yêu thích những món ăn tinh tế của ẩm thực Trung Hoa.

Thứ cuối cùng bà Tyson cần để nấu bữa ăn là dao phay. Tuy nhiên, chỉ cần nhắc đến dao thôi, bà cũng nhận được phản ứng lạnh nhạt của nhân viên cửa hàng. “Không, không có dao!”, nữ nhân viên gần như kêu lên.

Bà Tyson tiếp tục hỏi lại và được dẫn đến một gian hàng có bán dao gọt hoa quả loại nhỏ. "Xin lỗi, nhưng tôi muốn mua dao phay cơ", Tyson nói và vẽ minh họa một con dao có lưỡi hình chữ nhật to bản. "Bà muốn làm gì, giết người chắc ?!", nhân viên cửa hàng trả lời. "Dao phay là loại hàng bị hạn chế!".

Kế hoạch ăn tối của nữ phóng viên bị cản trở. Bà thanh toán tiền hàng rồi rời đi. Khi trở lại căn hộ, bà nghĩ về sự khác nhau trong cách chính phủ trên toàn thế giới kiểm soát vũ khí hay những thứ có thể được dùng làm vũ khí, chẳng hạn như việc được dùng súng ở Mỹ cho đến sự kiểm soát chặt chẽ ở Nhật. Rồi bà nghĩ đến những nơi như Iraq, nơi bà từng đưa tin về một thỏa thuận ngừng bắn giữa phe người Hồi giáo dòng Sunni và Shiite. Họ áp đặt giới hạn là trang bị 10 khẩu AK-47 cho mỗi nhà thờ Hồi giáo.

Trung Quốc gần như cấm hoàn toàn việc người dân sở hữu súng kể từ năm 1949. Gần đây, họ siết chặt quản lý với dao phay sau khi xảy ra một số vụ tấn công nghiêm trọng.

Trong văn hóa ẩm thực Trung Hoa, dao phay là một công cụ được biết đến như là "vũ khí bí mật" của các đầu bếp Trung Quốc. Dao phay nhìn hơi lớn và hơi thô nhưng thực sự rất linh hoạt. Không chỉ để thái thức ăn, dao phay có thể xử lý tất cả các nhiệm vụ khác một cách dễ dàng, nhanh chóng. Mặc dù trông có vẻ khó mặc dù xuất hiện sử dụng nhưng trên thực tế, dao phay còn được gọi là "dao rau", chuyên xử lý các công việc tinh tế như gọt vỏ gừng. Mặt phẳng lớn của dao cũng rất hữu ích cho việc nghiền tỏi, hất thức ăn từ thớt vào trong chảo…

Dao phay là công cụ đặc biệt quan trọng ở một đất nước mà đũa là dụng cụ ăn uống chính trong 2.000 năm, kể từ thời nhà Hán, đòi hỏi thức ăn phải được cắt thành những miếng có kích thước nhỏ. (Khổng Tử được cho là rất ghét việc những con dao xuất hiện trên bàn ăn).

Đã quen dùng dao phay kể từ khi sống ở Trung Quốc sau khi tốt nghiệp đại học, bà Tyson tin rằng những loại dao khác không thể thay thế được nó. Biết rằng hàng triệu người Trung Quốc cũng cảm thấy như vậy, bà quyết tâm tìm mua bằng được một cái.

Vào ngày hôm sau (1/10), bà lên tàu điện ngầm để đến Vương Phủ Tỉnh - phố mua sắm chính của Bắc Kinh.

Lý giải việc Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ việc bán dao phay - Ảnh 1.

Bà Tyson thành công mua được dao phay sau khi tìm kiếm ở nhiều nơi. Ảnh: CSM

Đến ga tàu điện ngầm, sau khi đặt ví qua máy dò kim loại, bà đi qua một màn hình hiển thị hình ảnh những đồ bị cấm mang lên tàu điện ngầm. Nổi bật ở hàng trên cùng là dao phay. Nếu nhiệm vụ mua dao thành công, bà sẽ không thể trở về nhà bằng tàu điện ngầm.

Vương Phủ Tỉnh chật cứng những người mua sắm và khách du lịch đến từ các tỉnh khác. Cảnh sát đeo kính râm và đồng phục màu đen tuần tra liên tục ở khắp mọi nơi. Bà Tyson vào Trung tâm mua sắm Bắc Kinh, một khu phức hợp 7 tầng rộng lớn và tiếp cận với bàn thông tin. "Cho hỏi tôi có thể mua dao phay ở đâu?", bà hỏi một nữ nhân viên. "Chúng tôi không bán dao ở đây", cô gái đáp. "Cô có thể cho tôi biết đi nơi nào thì mua được không?", bà hỏi tiếp. "Tôi không rõ", cô gái trả lời.

Không có manh mối nào, bà đi tiếp đến một cửa hàng thủ công mỹ nghệ Trung Quốc, nhân viên nam chỉ gượng cười khi bà Tyson hỏi mua dao.

Điểm dừng chân tiếp theo là Cửa hàng Bách hóa Bắc Kinh. Ở tầng 5, bà thấy một cửa hàng dao của Đức. Tyson nghĩ rằng rất ít người Trung Quốc mua con dao ngoại đắt tiền như vậy. Nhưng khi bà hỏi nhân viên bán hàng về việc có thể mua dao phay Trung Quốc bình thường ở đâu, cô ấy trả lời rất thận trọng: "Không siêu thị Trung Quốc nào bán dao đó. Chúng bị hạn chế. Bà phải mua chúng trong các cửa hàng đặc biệt và đăng ký bằng thẻ căn cước", người đó nói, rút ra một quyển sổ giấy màu nâu từ Văn phòng Công an thành phố Bắc Kinh.

Sổ ghi lại tên và số thẻ căn cước của người mua, cùng với ngày, số mẫu và số lượng dao mua. Vì là người nước ngoài, bà Tyson phải xuất trình hộ chiếu. Bà quyết định không mua con dao Đức mà đi tìm một con dao Trung Quốc đích thực.

Một người đi qua nghe được cuộc trò chuyện của bà liền bước vào. Lấy ra một tấm bản đồ, ông ấy dẫn bà đến một cửa hàng cách đó hơn một km. Cuối cùng, bà đến địa chỉ và tìm một cửa hàng dao kéo nhỏ, một tầng, với cửa sổ lưới màu đỏ truyền thống và một hàng chữ vàng. Bước vào bên trong, bà thấy một chiếc hộp đựng dao phay giá cả phải chăng của một trong những nhà sản xuất dao lâu đời nhất Bắc Kinh, có nguồn gốc 200 năm trước từ thời nhà Thanh.

Một nhân viên giải thích rằng người làm dao đã thêm một lớp thép để giữ cho dao sắc. "Dao này sẽ bền đến 20 hoặc 30 năm", cô nói. Bà Tyson chọn một con dao dài hơn 30 cm với lưỡi dao 17x10 cm. Con dao được mô tả là "chắc và sắc bén" với trọng lượng rất vừa tay. Cảm thấy ưng ý, bà liền mua 3 cái.

Tường của cửa hàng dán các quy định yêu cầu nhà sản xuất súng, dao, chất nổ và các hàng hóa nguy hiểm khác lưu giữ thông tin khách hàng để theo dõi sản phẩm. Ngoài ra, còn có các thông báo của cảnh sát trao thưởng cho công dân báo cáo những người đáng ngờ và giúp ngăn chặn các cuộc tấn công.

Tuy nhiên, sau khi bà trả tiền, người bán hàng nói rằng bà không phải đăng ký. "Chúng tôi chỉ đăng ký khi có một cuộc họp lớn đang diễn ra tại Bắc Kinh", người này nói, dù hôm đó là ngày Quốc khánh và các lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đang xuất hiện trong các nghi lễ ở quảng trường Thiên An Môn.

Với những con dao trong tay và mùi thơm từ các món ăn vỉa hè lan tỏa trong không khí, bà Tyson mỉm cười đi về nhà, và dĩ nhiên là bà phải đi bộ.

Theo Phương Phương

Cùng chuyên mục
XEM