Lượng cá heo nhiễm siêu khuẩn kháng kháng sinh đang ngày một cao, và dấu hiệu này không hay chút nào
Nghi can số một chính là chúng ta.
Vi khuẩn kháng thuốc đang là mối đe dọa tới sức khỏe nhân loại, và nếu không có các hành động ngăn chặn tới từ các nhà cầm quyền cũng như việc giảm sử dụng kháng sinh bừa bãi trong chính chúng ta, các chuyên gia lo ngại nhân loại sẽ rơi vào “ kỷ nguyên hậu kháng sinh ”. Chúng ta không đi một mình, đang kéo theo cả sinh vật biển trên con đường u tối.
Kết quả từ tột nghiên cứu dài kỳ cho thấy loài cá heo mũi cổ chai hoang dã vùng sông Indian Lagoon ở Florida đã xuất hiện dấu hiệu kháng kháng sinh. Đây khó có thể là sản phẩm của tự nhiên, con người chúng ta chắc chắn đã có một phần lỗi.
Khi đội ngũ nghiên cứu phân tích lượng dữ liệu thu thập suốt 13 năm dài, họ phát hiện ra 88% trong tổng số 733 vi khuẩn kháng ít nhất một loại kháng sinh. Một số vi khuẩn trong số đó có khả năng lây nhiễm lên người.
Tursiops truncatus, loài cá heo Florida nhiễm khuẩn kháng kháng sinh
Mặc dù sự việc này đã từng được ghi lại trong báo cáo trước đây, quá ít nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng của khuẩn kháng kháng sinh như báo cáo khoa học mới đăng tải. Kết quả của nó khiến cả cộng đồng khoa học lo ngại.
“Năm 2009, chúng tôi phát hiện ra một số lượng lớn cá heo khu vực mang khuẩn kháng kháng sinh, khiến chúng tôi bất ngờ vô cùng”, Adam Schaefer, chuyên gia ngành dịch tễ học công tác tại Đại học Florida Đại Tây Dương cho hay. “Kể từ lúc đó, chúng tôi liên tục theo dõi thay đổi trong khu vực và nhận thấy có những nhóm cá heo biệt lập xuất hiện triệu chứng kháng kháng sinh”.
Theo lời Schaefer, sự việc này không khác những gì đang xảy ra trong xã hội loài người là mấy. Ta đang dần nhận ra sự nguy hại của khuẩn kháng thuốc, nó đã không còn là “đặc sản” của đất liền nữa mà đã xâm lấn xuống làn nước biển.
Những nghiên cứu mới được thực hiện cho thấy nước biển có khả năng trở thành hồ chứa khuẩn kháng kháng sinh khổng lồ. Một thập kỷ trước, Đoàn Ủy nhiệm Quản trị Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) cảnh báo về mối nguy hại này trong hệ sinh thái biển.
Khi chúng ta sử dụng kháng sinh, cơ thể ta chỉ hấp thụ một phần thuốc, lượng kháng sinh còn lại sẽ theo nước tiểu và phân ra ngoài. Một phần lý do là thế, một phần khác là lượng kháng sinh khổng lồ đang được dùng trong trồng trọt và chăn nuôi đã nhiễm vào nước, và như bạn vẫn biết, mọi con sông đều dẫn ra biển.
Trong kết quả nghiên cứu mới, có được từ lượng dữ liệu thu được suốt hơn một thập kỷ, nhóm các nhà khoa học lấy 733 mẫu từ 171 cá thể cá heo khác nhau sống tại khu vực Sông Indian Lagoon; họ lấy mẫu từ lỗ thở của cá heo, trong dạ dày chúng và trong phân cá thải ra.
Lượng vi khuẩn kháng thuốc tăng một cách đáng kể suốt nhiều năm qua, với tỷ lệ kháng sinh erythromycin cao nhất (92%), tiếp theo là ampicilin (77%) và cephalothin (61%). Khi lấy mẫu khuẩn E. coli, họ phát hiện ra lượng E. coli kháng được ciprofloxacin đã tăng gấp đôi; đáng lo ngại hơn, cá heo khu vực Florida có trong mình lượng khuẩn Pseudomonas aeruginosa (gây nhiễm trùng đường ruột và đường tiết niệu) nhiều nhất trong tất cả các loài đã nghiên cứu.
Trong số khuẩn thu thập dược, Acinetobacter baumannii rất đáng lo ngại, bởi số ca nhiễm khuẩn này trên người đang tăng dần trong những năm trở lại đây. Dù chưa rõ mối liên hệ giữa hai loài động vật có vú - chúng ta trên cạn và cá heo dưới nước, nhưng có thể thấy có bàn tay con người tham gia. Rõ ràng nhất: Khu vực cá heo Florida sinh sống rất gần con người, nước thải khu vực chắc hẳn đã ảnh hưởng tới chúng.
Florida không phải địa phương gần biển duy nhất chứng kiến hiện tượng kháng kháng sinh diễn ra trong thế giới thủy sinh, và cá heo không phải loài duy nhất mang khuẩn kháng thuốc trên người.
Đầu năm nay, khảo sát 11 con hải cẩu và cá heo tại khu vực Puget Sound, Washington cho thấy 80% trong số đó mang khuẩn kháng thuốc, và quá nửa số khuẩn đó kháng nhiều hơn một loại kháng sinh. Lý do chưa rõ, nhưng một lần nữa, con người lại rơi vào diễn tình nghi.
Các nhà nghiên cứu cần thêm thời gian để tìm hiểu rõ ngọn ngành vấn đề này, chỉ mong sẽ có kết quả nghiên cứu trước khi quá muộn.