Lười đi săn, cá voi sát thủ dạy nhau cướp cá từ thuyền câu của con người cho nhàn hạ

15/02/2022 22:00 PM | Công nghệ

Mỗi năm, một con cá voi sát thủ có thể đánh cắp 10 tấn cá của ngư dân.

Ngoài khơi quần đảo Crozet phía nam Ấn Độ Dương, một nhóm các ngư dân địa phương đang thả lưỡi câu dầm để khai thác cá răng Patagonia. Câu dầm có nghĩa là họ sẽ thả những chuỗi dây dài phía sau thuyền. Trên chuỗi dây đó, các ngư dân gắn từ hàng chục cho tới hàng ngàn nhánh dây câu nhỏ, mỗi nhánh có một lưỡi câu cùng với mồi.

Phương pháp này được dùng để đánh bắt nhiều loài cá, từ ngừ, cá kiếm, cá bơn cho tới cá tuyết. Nếu là để câu mực, một chuỗi dây câu dầm có thể gắn hàng ngàn lưỡi câu. Nhưng với cá răng Patagonia, giới hạn trung bình thường chỉ là 25 lưỡi.

Ngư dân dùng phao cờ hoặc ống nghe gắn vào đầu dây để phát hiện cá mắc câu. Sau đó, họ kéo và thu thập chúng.

 Lười đi săn, cá voi sát thủ dạy nhau cướp cá từ thuyền câu của con người cho nhàn hạ  - Ảnh 1.
 Lười đi săn, cá voi sát thủ dạy nhau cướp cá từ thuyền câu của con người cho nhàn hạ  - Ảnh 2.

Câu dầm đặc biệt hiệu quả với cá răng Patagonia, chỉ có điều khi những ngư dân ở Crozet kéo dây của mình lên, thi thoảng họ sẽ thấy toàn bộ chiến lợi phẩm của mình cùng lưỡi câu biến mất.

Những con cá răng Patagonia tất nhiên không thể tự dứt đứt dây cước. Thay vào đó, những người ngư dân biết rằng họ đang phải chia sẻ chiến lợi phẩm của mình với một loài cá lớn hơn, những ông vua đã chiếm lĩnh vùng biển này trước cả khi phường chài của họ thành lập: Cá voi sát thủ.

Crozet mới phát triển ngành câu cá răng Patagonia từ năm 1996. Trùng hợp thay, kể từ đó cho tới nay, những ngư dân tại đây ngày càng báo cáo nhiều sự kiện đụng độ cá voi sát thủ. Họ cho biết những con cá này thường đi theo sau thuyền của họ và ăn cắp cá răng Patagonia từ những chuỗi câu dầm.

Ban đầu, những sự kiện chỉ là lẻ tẻ và cá biệt. Nhưng ngày càng nhiều hơn, lũ cá voi sát thủ ngoài khơi Crozet đang dạy nhau đánh cắp cá của ngư dân bắt được.

 Lười đi săn, cá voi sát thủ dạy nhau cướp cá từ thuyền câu của con người cho nhàn hạ  - Ảnh 3.
 Lười đi săn, cá voi sát thủ dạy nhau cướp cá từ thuyền câu của con người cho nhàn hạ  - Ảnh 4.

Cá voi sát thủ có thường đánh cắp cá răng Patagonia của ngư dân trong một hành vi được gọi là depredation.

Điều này đã được xác nhận bởi một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Biology Letters, trong đó, các nhà khoa học đã thống kê sự kiện cá voi sát thủ đánh cắp cá của ngư dân từ năm 2010 đến năm 2018.

Họ cho biết ban đầu chỉ có khoảng 10 con cá voi sát thủ tại vùng biển này biết cách ăn cắp cá răng Patagonia từ dây câu dầm. Nhưng đến cuối cùng, số lượng những tên trộm đã tăng tới 43 con cá voi sát thủ.

Chúng không chỉ tăng về mặt số lượng, mà còn gia tăng về mặt tần suất. Ngày càng có nhiều cá voi sát thủ trộm cá răng Patagonia của ngư dân hơn. Trung bình khi ngư dân thả 50 lưỡi câu, họ sẽ mất 8 lưỡi.

Những con cá voi sát thủ đã đánh cắp 17,7% tổng lượng cá răng Patagonia mà ngư dân Crozet đánh bắt được, con số tương đương 116 tấn cá mỗi năm vào năm 2015 và tăng lên tới 180 tấn vào năm 2018. Các nhà khoa học đã ghi nhận một đàn chỉ 5 con cá voi sát thủ quét sạch hơn 430.000 lưỡi câu của con người. Tương đương mỗi một con đánh cắp 10 tấn cá.

 Lười đi săn, cá voi sát thủ dạy nhau cướp cá từ thuyền câu của con người cho nhàn hạ  - Ảnh 5.

Giải thích về hành vi cướp bóc của cá voi sát thủ, các nhà khoa học cho biết chúng có thể phải làm vậy vì nguồn thức ăn đang cạn kiệt. Việc tiếp cận thuyền câu của con người được cho là nguy hiểm đối với cá voi sát thủ. Chúng có thể bị bắt nếu không có luật cấm săn hoặc không may bị mắc vào ngư cụ.

Nhưng với việc con người đang khai thác nhiều loài cá lớn, và làm tuyệt chủng nhiều loài cá voi từng là mồi của cá voi sát thủ , chúng đã lựa chọn đi theo thuyền của con người để cướp lại bữa ăn của mình.

Với trí thông minh của một loài động vật biển có vú, cá voi sát thủ có đủ sự khéo léo để giật cá răng Patagonia ra khỏi dây câu. Chúng cũng coi việc cướp bóc một phương pháp săn mồi ít tốn năng lượng hơn, khi con người đã bắt sẵn cá cho chúng đến chỉ việc giành lại.

Nghiên cứu mới bây giờ còn xác nhận cá voi sát thủ đang dạy nhau, bao gồm cả thế hệ con cái của mình cách kiếm ăn nhàn hạ đó.

Cá voi sát thủ sống theo đàn mẫu hệ, nghĩa là chúng được dẫn dắt bởi một cái lớn trong đàn. Con cái này thường dắt theo con nhỏ và dạy chúng nhiều kỹ năng săn mồi, từ các loài cá nhỏ cho tới cá mập trắng khổng lồ và cá voi xanh lớn nhất đại dương.

Không khó hiểu khi những con cá voi sát thủ cái đầu đàn bây giờ có thể dạy con con của mình ăn cắp cá từ lưỡi câu của con người. Điều này có thể giải thích tại sao số lượng và tần suất cá voi sát thủ cướp bóc ở vùng biển Crozet gia tăng rõ rệt.

 Lười đi săn, cá voi sát thủ dạy nhau cướp cá từ thuyền câu của con người cho nhàn hạ  - Ảnh 6.
 Lười đi săn, cá voi sát thủ dạy nhau cướp cá từ thuyền câu của con người cho nhàn hạ  - Ảnh 7.

Cá voi sát thủ có thể dạy con cái của mình đánh cắp cá từ thuyền câu của con người.

Điều này có thể là một tin xấu với như dân, nhưng có thể là tín hiệu tốt trong mắt các nhân viên làm công tác bảo tồn. Họ cho biết cá voi sát thủ sau khi ăn cắp cá răng Patagonia đã có cho mình một nguồn dinh dưỡng quan trọng để sinh sôi nảy nở.

Các nhà khoa học ghi nhận những con cá voi sát thủ nuốt phải móc câu của con người sẽ tăng 4% khả năng sinh sản trong vòng 1 năm. Dù là một con số nhỏ nhưng bởi cá voi sát thủ sống rất lâu, điều này có nghĩa là khả năng sinh sản của chúng tăng đáng kể trong suốt cuộc đời.

Trung bình, cá voi sát thủ sẽ bắt đầu đẻ vào năm 10 tuổi. Nếu có nguồn thức ăn dồi dào, chúng sẽ sinh con sau mỗi 5-6 năm cho đến khi mãn kinh. Một con cá voi sát thủ sẽ đẻ 5-6 lứa trong đời và mỗi lứa thường chỉ đẻ 1 con duy nhất.

Bởi vậy, tăng đàn cá voi sát thủ ngoài tự nhiên đòi hỏi một khoảng thời gian dài. Bây giờ, với việc ngư dân ở Crozet phát triển nghề câu cá răng Patagonia, họ đã vô tình góp một phần sức vào nỗ lực bảo tồn quần thể cá voi sát thủ ở Nam Ấn Độ Dương.

Mặc dù những người ngư dân có thể bị thiệt thòi đôi chút, nhưng những gì họ đổi lại được từ sự hi sinh của mình là hoàn toàn có giá trị.

Theo Thanh Long

Cùng chuyên mục
XEM