Lo thuế quan, đổ hàng triệu USD để rời khỏi các 'công xưởng châu Á', loạt doanh nghiệp Mỹ 'vỡ mộng' khi nhận ra robot không thể thay thế con người

22/04/2025 20:00 PM | Quốc tế

Thực tế là, “con đường hồi hương” do áp lực từ thuế quan của ngành sản xuất không dễ dàng.

Lo thuế quan, đổ hàng triệu USD để rời khỏi các 'công xưởng châu Á', loạt doanh nghiệp Mỹ 'vỡ mộng' khi nhận ra robot không thể thay thế con người- Ảnh 1.

Trong nỗ lực đưa việc làm và sản xuất trở lại nước Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã đặt cược vào chiến lượng áp thuế mạnh tay lên hàng hóa từ các quốc gia có chi phí lao động thấp như Trung Quốc, Việt Nam và Indonesia. Mục tiêu là buộc các công ty Mỹ phải rời khỏi các "công xưởng châu Á" để quay lại Mỹ.

Do chi phí lao động ở Mỹ cao, nên các doanh nghiệp sẽ phải tìm cách sử dụng máy móc để thay thế con người. Đối với một số ngành, việc này không hề đơn giản.

Nike “vỡ mộng”

Từ năm 2015, Nike bắt đầu một dự án đầy tham vọng nhằm thay đổi cách sản xuất giày thể thao. Thay vì phụ thuộc vào hàng chục nghìn công nhân ở Trung Quốc, Indonesia hay Việt Nam, hãng muốn xây dựng một mô hình sản xuất hiện đại, tự động hóa cao tại Mexico – gần hơn với thị trường Mỹ và ít phụ thuộc hơn vào lao động giá rẻ.

Nike đã hợp tác với Flex, một nhà sản xuất Mỹ từng xây dựng nhà máy sản xuất Mac Pro cho Apple tại Texas. Dự án tại Guadalajara (Mexico) dự kiến sẽ tạo ra hàng chục triệu đôi giày mỗi năm, với số lao động ít hơn đáng kể so với các nhà máy ở châu Á. Dẫu vậy, tình hình nhanh chóng trở nên phức tạp.

Dù đầu tư hàng triệu đô la vào dây chuyền hiện đại với robot và công nghệ tự động hóa, Flex và Nike sớm nhận ra rằng sản xuất giày khác hoàn toàn với sản xuất điện tử. Robot thường có ưu thế trong việc xử lý các linh kiện cứng và đồng nhất, nhưng lại kém chuyên nghiệp khi xử lý các vật liệu mềm, co giãn và thay đổi theo nhiệt độ như vải giày.

"Chỉ cần thay đổi một chút về nhiệt độ, vật liệu sẽ co giãn và robot không thể xử lý chính xác," Tom Fletcher, người từng giám sát dự án tại Flex, cho biết. “Những lỗi nhỏ có thể khiến đôi giày bị lệch, mất thẩm mỹ và không đạt chất lượng.”

Mỗi loại giày của Nike lại có thiết kế khác nhau, khiến việc lập trình robot trở nên tốn thời gian và kém hiệu quả. Có thời điểm, đội ngũ Flex mất đến 8 tháng chỉ để tìm cách gắn logo Nike lên giày tự động. Tuy nhiên, khi họ hoàn thành, Nike đã chuyển sang dòng sản phẩm mới, khiến công nghệ vừa phát triển trở nên lỗi thời.

Kết quả là, nhà máy ở Mexico phải tuyển thêm công nhân, tăng số lao động lên 5.000 người, gấp đôi dự kiến ban đầu và có chi phí cao hơn so với một nhà máy tương đương ở Việt Nam. Cuối cùng, vào năm 2019, Nike và Flex chính thức đóng lại dự án, chấm dứt tham vọng tự động hóa ngành giày thể thao trong thời gian ngắn.

Không chỉ Nike gặp khó khăn trong kế hoạch tự động hoá dây chuyền. Under Armour cũng từng khởi động “Project Glory” để sản xuất giày tại Baltimore bằng robot. Adidas xây dựng “speedfactory” ở Đức và Atlanta. Nhưng đến năm 2019, cả 2 công ty đều rút lui, chuyển công nghệ về lại cho các đối tác ở châu Á.

Áp lực lớn từ mục tiêu của Tổng thống Trump

Trong khi đó, ông Trump tiếp tục gia tăng áp lực thuế lên các nước châu Á. Mới đây, Mỹ nâng thuế nhập khẩu từ Trung Quốc lên 145%, áp thuế 46% với hàng hóa từ Việt Nam và 32% từ Indonesia, sau đó giảm xuống 10% và hoãn 90 ngày. Dù vậy, các nhà sản xuất vẫn lo ngại.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Howard Lutnick, cho biết Mỹ muốn đưa các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động quay về trong nước. “Chúng tôi muốn hàng triệu người Mỹ quay trở lại các nhà máy, vặn từng con ốc nhỏ,” ông nói với CBS.

Trên thực tế, bài toán sản xuất trong nước không đơn giản. Mức lương cao, chi phí thuê mặt bằng đắt đỏ và lao động thiếu kỹ năng đối với các công nghệ mới khiến các doanh nghiệp Mỹ gặp vô vàn khó khăn.

Fletcher cho biết, nếu muốn tự động hóa sản xuất tại Mỹ, các doanh nghiệp cần “túi tiền rủng rỉnh và sự kiên nhẫn”, nhưng “điều đó sẽ không xảy ra nhanh chóng.”

Michael Newton, cựu giám đốc dự án tại Nike, cho rằng vẫn có cơ hội nếu các công ty đơn giản hóa thiết kế và vật liệu để phù hợp với robot. Song, lối đi này lại trái ngược với nhu cầu của người tiêu dùng ngày nay, khi họ luôn mong muốn sự đa dạng, đổi mới và cá tính trong từng đôi giày.

Tham khảo WSJ

Theo An Chi

Cùng chuyên mục
XEM

NỔI BẬT TRANG CHỦ

Làm phẳng cấu trúc: Bên trong chiến lược khiến 8.000 nhân viên Microsoft mất việc chỉ trong 5 tháng, nhiều big tech khác cũng đang áp dụng

Xu hướng của các Big Tech hiện nay như Amazon, Google và Microsoft là giảm bớt các vai trò quản lý cấp trung để tập trung nguồn lực cho kỹ sư và các cá nhân đóng góp chính.

Vietnam Airlines triệu tập gấp ĐHĐCĐ, bàn 2 chuyện cực kỳ quan trọng

Vietnam Airlines triệu tập đại hội cổ đông bất thường ngày 15/5 để trình kế hoạch tăng vốn điều lệ và dự án trị giá gần 93.000 tỷ đồng.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội ngàn năm hay thách thức thế kỷ?

"Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là cơ hội ngàn năm có một, nhưng nếu không sẵn sàng, nó cũng có thể là thách thức thế kỷ đối với ngành xây dựng Việt Nam nói chung và nhà thầu trong nước nói riêng" - ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam - cho hay.

Chính thức: VinSpeed của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đăng ký đầu tư dự án đường sắt Bắc - Nam

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed đã chính thức đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam và sẽ chịu trách nhiệm thu xếp 20% tổng vốn đầu tư của dự án, tương đương 312,33 nghìn tỷ đồng (khoảng 12,27 tỷ USD).