"Lò" luyện thiên tài, thần đồng ở Israel được đào tạo ra sao?

12/11/2016 14:00 PM | Kinh doanh

Nếu một người dốt mà độc ác hại được vài người, còn một người giỏi mà tàn ác thì có thể gây nguy hiểm cho hàng ngàn người, cho cả xã hội.

Chúng tôi tới thăm một trường PTTH nội trú năng khiếu (gần như trường chuyên của Việt Nam). Trường Israel Arts and Science Academy (IASA) là một trong hai trường đào tạo học sinh năng khiếu lớn nhất của Israel, chuyên về: Khoa học, Nghệ thuật, Âm nhạc cổ điển và Khoa học nhân văn.

Trường có khoảng 200 học sinh. Đây là một trường nội trú "giàu", được cộng đồng Do Thái khắp nơi trên thế giới chuyển tiền về chăm sóc. Khoảng 80% học sinh có học bổng do các cá nhân và công ty ủng hộ. Số còn lại được hỗ trợ tài chính của Nhà nước.

Học sinh được tự do làm việc riêng

Được ví là lò luyện nhân tài, nên học sinh trường này thường xuyên phải học ở mức độ siêu cao, với cách học phải tự học, tự nghiên cứu, chỉ khi nào không hiểu mới đi tìm thầy giáo để hỏi.

Lớp 10 và 11 đã học chương trình như ở đại học. Hầu hết học sinh trong trường đều đang theo đuổi những dự án nghiên cứu riêng. Đã có những học sinh lớp 12 ở đây được đăng bài báo khoa học trên tạp chí khoa học, 40% cựu học sinh đang là tiến sỹ, nếu vào quân đội thì cũng làm ở vị trí lãnh đạo cơ quan tình báo, hoặc nghiên cứu, sáng chế. Có những học sinh vừa ra trường vài năm, khởi nghiệp và bán công ty vài chục triệu đô la.

Chúng tôi ngó vào một lớp, thấy một cô đang diễn thuyết hùng hồn, nói vừa nhiều, vừa nhanh, vừa lớn tiếng. Tưởng giáo viên đang giảng bài, hóa ra không phải, đó là học sinh đang phản biện. Còn giáo viên đang ngồi ghếch lên bàn.

Trong một lớp Hóa, cả lớp chăm chú học, một bạn ngồi góc lớp đeo kính bảo hộ, thản nhiên "làm việc riêng": cầm cái ống xịt lửa đèn khò, chế tác cái gì đó, lửa xịt xì xì cả nửa mét. Thầy vẫn dạy, các bạn khác vẫn học, và bạn kia vẫn cứ "làm việc riêng".


Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Học sinh được dạy cách để hiểu mình chứ không dạy lấy giải Nobel

Học sinh phải thi vào trường này rất khó khăn. Khoảng 500 hồ sơ chỉ chọn 100. Trong khi 500 hồ sơ dự thi đều là học sinh rất đặc biệt ở khắp nơi trên cả nước Israel.

Được vào trường này học là mong muốn của hầu hết các học sinh chứ không phải nguyện vọng của bố mẹ. Thậm chí có phụ huynh còn ngăn cản con vào đây vì sợ chương trình quá nặng, hoặc con đã trúng tuyển rồi còn không muốn cho đi học.

Ông hiệu trưởng Benovitz Itai cho biết, kỳ thi vào đây gồm 3 vòng.

Vòng 1: test (kiểm tra) tư duy logic, và âm nhạc - nghệ thuật... (tùy khoa) kiểm tra các công trình, các tác phẩm đã làm trước đó.

Vòng 2: phỏng vấn trưc tiếp mỗi thí sinh trong 1 giờ đồng hồ, do các đại diện các khoa và các chuyên gia giáo dục bên ngoài, để tìm hiều về động lực, đam mê, tò mò nghiên cứu và nỗ lực khám phá… của học sinh. Không kiểm tra về kiến thức.

Vòng 3: Học sinh được mời vào trường tham gia hội trại suốt 3,5 ngày để HS sống trong kí túc xá, ăn, ngủ rồi chơi với các thí sinh khác và các anh chị học sinh lớp 11. Đến chiều ngày thứ 4, khi tất cả các thí sinh về nhà, thì các chuyên gia giáo dục, chuyên gia tâm lý, các thầy cô giáo, và cả các học sinh lớp 11 sẽ ngồi bàn bạc, chấm và đánh giá nết ăn ở cuả từng học sinh. Ở vòng này, tính cách, đạo đức, cư xửu của học sinh mới là "ăn điểm".

Cuộc đánh giá này khó khăn và căng thẳng, thường kéo dài tới 4h sáng. Các anh chị học sinh lớp 11 cũng phải đưa ra nhận xét em nào cư xử được, em nào không...

Với các vòng thi như trên, thầy hiệu trưởng Benovitz Itai giải thích: Các học sinh đặc biệt thường rất quái tính nên nhà trường đòi hỏi các bạn phải vừa học giỏi, độc đáo, đặc biệt phải có đạo đức và hòa nhập với môi trường tốt.

"Đích đến của nhà trường không phải là giải thưởng các cuộc thi mà là trẻ phải đam mê nghiên cứu, hứng thú khám phá, tò mò. Nhiệm vụ của giáo viên là làm sao để học sinh tự đứng được trên đôi chân của mình, hiểu về chính mình, biết mình đang mạnh điểm nào và yếu điểm nào", thầy Benovitz Itai nói.

Thầy kể, Hàn Quốc đã từng mời các thầy về dạy sao cho Hàn Quốc kiếm được giải Nobel đầu tiên. Nhưng các thầy đã từ chối với lý do: Quan trọng nhất là phải có đam mê. Có đam mê sẽ có giải thưởng.


Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhà trường phải kìm bớt tính mê học của học sinh

Học sinh ở đây, em nào cũng quá mê học, nên trường phải có nhiệm vụ kìm bớt những con người chỉ biết cắm đầu nghiên cứu.

Nếu một người dốt mà độc ác thì bất quá hại được vài người, còn một người giỏi mà tàn ác thì có thể gây nguy hiểm cho hàng ngàn người, cho cả xã hội. Các nhà khoa học có thể sẽ có những phát minh nguy hiểm, nên trong trường học sinh sẽ được học rất kỹ về triết học và đạo đức khoa học.

Suốt 3 năm học, tất cả mọi học sinh buộc phải có 1 buổi chiều thứ Ba hàng tuần hoạt động cộng đồng, tới các nhà mở, bệnh viện để phục vụ. Ngoài việc thực hiện nghĩa vụ quân đội (Quy định ở Israel là 18 tuổi phải đi NVQS 3 năm với nam và 2 năm với nữ), 50% học sinh trong trường chọn hoạt động xã hội thêm 1 năm rồi mới vào đại học.

Tôi nhớ lại khi xem các phim về siêu nhân, thường có câu "quyền lực càng lớn thì trách nhiệm càng cao". Không ngờ giờ lại gặp một cách rất nghiêm túc ở trong chương trình học ở một ngôi trường Do Thái.

Thảo nào, trường chuyên năng khiếu mà trông học sinh rất sáng sủa, nhanh nhẹn, hào hứng, cá tính... và rất ít mắt cận!

Thu Hà

Cùng chuyên mục
XEM