4 dấu hiệu cho thấy bạn đang làm việc quá sức

19/11/2011 09:38 AM |

Đừng cố gắng bỏ nhiều thời gian hơn để làm việc ít hiệu quả hơn. Cũng đừng cho rằng bạn không có thời gian để nghỉ ngơi dưỡng sức, bởi bạn nợ chính bản thân mình một giải pháp cho việc đó.

Đôi khi rõ ràng là chúng ta cần phải nghỉ ngơi, nhưng chúng ta lại phát hiện ra điều đó quá muộn. Khi bạn làm việc hơn 10 tiếng một ngày và Chủ nhật không còn là “cuối tuần” nữa, cảm giác kiệt sức vì công việc sẽ trở nên quá bình thường. Nhưng ngay cả như vậy, bạn rốt cuộc cũng sẽ gặp bế tắc, và thường phải mất nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần mới có thể lấy lại sự nhiệt tình, sức sáng tạo và động lực làm việc mà bạn đã đánh mất.

May mắn thay, có một số phương pháp mà các vận động viên bền sức thường hay dùng để phát hiện nhu cầu cần hồi phục của cơ thể mà bạn có thể áp dụng. Khi các vận động viên xuất sắc phải tập luyện quá sức trong một thời gian dài, mục đích thể lực của họ sẽ bị ảnh hưởng và kết quả là khả năng chịu đựng, sức mạnh và tốc độ đều giảm sút; đôi khi tập càng hăng kết quả càng thấp.

Điều tương tự cũng đến với chúng ta nếu làm việc quá sức. Chúng ta có thể đang đầu tư nhiều thời gian hơn để làm được ít hơn. Vậy, làm thế nào phân biệt được khi nào bạn thực sự đã làm việc quá sức, và khi nào đó chỉ là cảm giác?

Dưới đây là 4 cách giúp bạn phát hiện ra khác biệt đó:

Kiểm tra nhịp tim. Mỗi sáng thức dậy, hãy tự kiểm tra nhịp tim trước khi bước ra khỏi giường. (Hiện nay có rất nhiều ứng dụng hỗ trợ việc này). Đa phần nhịp tim của bạn sẽ nằm ở mức vài nhịp một pút. Nhưng khi làm việc quá sức hay căng thẳng quá độ, cơ thể và não bộ cần nhiều ôxy hơn, do đó nhịp tim của bạn sẽ tăng lên. Nếu kết quả nhịp tim cao ngay từ buổi sáng, hãy làm bất cứ điều gì để nghỉ ngơi hoặc ngủ nhiều hơn một chút vào đêm hôm đó.

Kiểm tra cảm xúc. Một ngày tồi tệ vừa trôi qua? Cảm thấy cáu kỉnh và bực bội? Căng thẳng và bực tức kéo dài có thể khiến cơ thể phản hồi bằng cách gửi nhiều cortisol lên não hơn thay vì dopamine. Tự an ủi bản thân cải thiện tâm trạng cũng không chắc giúp bạn vượt qua được ảnh hưởng của những biến đổi hóa học trong cơ thể, và trong một số trường hợp cách duy nhất để hồi phục tinh thần là nghỉ ngơi.

Kiểm tra trọng lượng cơ thể. Giảm hay tăng hơn 1% trọng lượng cơ thể chỉ trong 1 ngày? Vấn đề đã xảy ra. Có thể ngày hôm qua thực sự căng thẳng đến nỗi bạn quên bẵng mất mình chưa ăn uống gì… hoặc bạn không nhớ nổi mình đã ăn bao nhiêu. Thiếu dinh dưỡng và hyđrat có thể gây hại đến trí óc (có lẽ đây là nguyên nhân khi làm việc quá sức hay cảm thấy căng thẳng, chúng ta thường bỗng dưng muốn thực hiện những công việc quen thuộc hàng ngày và ít phức tạp.) Còn nếu bạn ăn quá nhiều – thì chắc bạn cũng rõ tác hại là gì.

Kiểm tra … đầu ra. Màu sắc nước tiểu có thể cho thấy lượng hyđrat trong cơ thể. Màu càng nhạt chứng tỏ bạn càng có nhiều hyđrat. Hyđrat rất tốt cho cơ thể. Lượng hyđrat hợp lý sẽ giúp bạn hấp thụ dinh dưỡng và tăng cường năng lượng. Nếu nước tiểu của bạn có màu sẫm hơn bình thường, cách giải quyết cũng khá đơn giản: Hãy uống nhiều nước.

Bí quyết để duy trì năng lượng làm việc là bạn phải hình thành cho mình một thói quen cảm nhận thế nào là bình thường. Hãy để ý đến những ngày cuối tuần, ngày nghỉ, và đem so sánh với một ngày làm việc, nếu bạn thấy có sự thay đổi lớn, nhất là theo hướng tích cực, thì đó là dấu hiệu chắc chắn cho thấy bạn cần thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày của mình.

Đừng cho rằng việc này chỉ cần thiết đối với các vận động viên thể thao. Tất cả chúng ta đều muốn thể hiện tốt nhất trong công việc của mình, và bất cứ khi nào kiệt sức, khả năng làm việc của chúng ta cũng giảm đáng kể.

Cũng đừng nghĩ rằng bạn không có thời gian để nghỉ ngơi hay ngủ nhiều hơn. Bạn nợ chính mình một giải pháp cho việc đó.

Thu Thủy

thuthuy

Cùng chuyên mục
XEM