Liên minh taxi truyền thống chỉ ra 3 lý do bẻ gãy lập luận của Grab, chứng minh DN Singapore này là DN vận tải

11/12/2018 13:25 PM | Kinh doanh

Sự xuất hiện của nền tảng Emddi, với mục đích chỉ hỗ trợ riêng về công nghệ cho các hãng taxi, đang khiến khẳng định của Grab trở nên thật khó thuyết phục.

Kể từ khi Grab và Uber xuất hiện, không thể phủ nhận người tiêu dùng được lợi nhiều hơn còn các hãng taxi truyền thống gặp khó khăn hơn. Thậm chí ở TPHCM, hãng taxi Vina đã phải dừng kinh doanh vì không thể cạnh tranh được.

Một phần nguyên nhân xuất phát từ sự thua kém về mặt công nghệ và mức giá cước cao, nhưng một phần chính từ các ràng buộc bất bình đẳng mà taxi truyền thống phải chịu.

1. Thủ tục cấp phép

Ông Nguyễn Tuấn Mùi, Chủ tịch Liên minh taxi Việt cho biết dù đã giảm tải nhiều loại giấy phép, taxi truyền thống vẫn phải chịu tới 13 loại giấy phép con. Trong quá trình kinh doanh, các đơn vị vận tải phải xin phép mới được tăng số lượng xe, giá phải được phê duyệt của Sở Giao thông Vân tải, Sở Tài chính mới được tăng, Trong khi Uber hay Grab "không cần phải xin gì cả, giờ cao điểm có thể tăng giá vô tội vạ".

"Các đơn vị như Grab cũng không có hộp đèn, không dán decal thương hiệu, không có gì hết mà vẫn kinh doanh bình thường", ông Mùi nói.

2. Đấu thầu điểm đỗ, bến bãi với mức phí cao

Đó là về chuyện kinh doanh, còn trong mảng tiếp thị, taxi truyền thống cũng phải chịu sự cạnh tranh không bình đẳng. Ông Mùi lấy ví dụ muốn vào sân bay để đón khách, các đơn vị vận tải truyền thống phải đấu thầu gian nan với mức phí cao, còn Grab hay như Uber trước đây vẫn ra vào đón khách bình thường.

3. Thuế GTGT

Chưa kể nếu là đơn vị công nghệ, Grab sẽ chỉ chịu mức thuế GTGT 5% thay vì 10% như các đơn vị vận tải truyền thống.

Những khác biệt này là một phần nguyên nhân khiến từ trước đến nay Grab luôn nhận mình là đơn vị công nghệ, chứ không phải đơn vị vận tải.

Liên minh taxi truyền thống chỉ ra 3 lý do bẻ gãy lập luận của Grab, chứng minh DN Singapore này là DN vận tải - Ảnh 1.

Tại phiên tòa xét xử vụ kiện giữa Grab và Vinasun cách đây không lâu, ông Jerry Lim, CEO Grab Việt Nam khẳng định rõ ràng rằng Grab là công ty công nghệ. Grab chỉ cung cấp dịch vụ công nghệ cho công ty taxi, không có hoạt động kinh doanh vận tải nào khác.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, Grab là đơn vị kinh doanh vận tải ở Việt Nam chứ không phải đơn vị công nghệ. Ông Quyền lấy ví dụ Emddi, một nền tảng công nghệ được phát triển gần đây bởi các nhà khoa học đến từ Đại học quốc gia Hà Nội mới được coi là đơn vị công nghệ đích thực.

Cụ thể, ở Emddi, có sự tách bạch giữa việc cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin ra khỏi dịch vụ vận tải. Emddi đơn giản là bên trung gian cung cấp hạ tầng phần mềm để các hãng taxi truyền thống kết nối với khách hàng. Như vậy các hãng taxi sẽ tiết kiệm chi phí trong việc đầu tư hạ tầng phần mềm, nhân công, vận hành,...liên quan đến việc xây dựng ứng dụng riêng. Còn quá trình quản lý nghiệp vụ, chi phí, khuyến mãi là do mỗi hãng tự đặt ra, chứ phía Emddi không quyết định.

"Chúng tôi đã giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước, nếu nhà nước nói Grab là đơn vị kinh doanh công nghệ thì phải làm như Emddi mới đúng. Còn Grab tự thu hút xe vào mạng lưới, tự quyết định giá cước, chính sách khuyến mãi, tự thu tiền cước vận tải thì Grab phải là đơn vị kinh doanh vận tải", ông Quyền nhấn mạnh.

"Đương nhiên trong quá trình kinh doanh, taxi truyền thống sử dụng trung tâm điều hành xe, đồng hồ tính tiền thì Grab, Uber dùng công nghệ để thay đổi. Tóm lại đã có cơ sở để báo cáo với các cơ quan nhà nước, tạo sự thống nhất khi xếp Uber hay Grab vào loại hình nào", Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết.

Nhật Anh

Cùng chuyên mục
XEM