Góc nhìn tài xế: Có xe “nhàn rỗi”, muốn kiếm thêm thì chạy Grab; không có xe sẵn, chỉ cần thu nhập ổn định thì chạy taxi truyền thống

30/10/2018 09:05 AM | Kinh doanh

Theo chia sẻ của các tài xế xe ô tô, về bản chất, mỗi mô hình sẽ có những ưu, nhược điểm riêng. Việc lựa chọn chạy cho bên nào tùy thuộc vào điều kiện ban đầu của lái xe. Nhưng dù là Grab hay taxi truyền thống, thu nhập sẽ tuân theo nguyên lý cơ bản: Muốn có nhiều thì phải làm nhiều.

Giữa lúc vụ kiện VinasunGrab đang nóng lên từng ngày, một bộ phận không nhỏ người dùng ủng hộ Grab thì cánh tài xế, những người trực tiếp cầm vô lăng, lại có quan điểm khá khác nhau về vấn đề này.

Một tài xế cho biết trước đây anh làm việc cho hãng taxi M. Trong 4 năm nhưng khoản thu về chẳng được bao nhiêu. Cụ thể, năm 2011, tài xế này bỏ ra 600 triệu để mua xe Toyota Vios, đến thời điểm 4 năm sau bán đi chỉ được 300 triệu, tính đi tính lại không "dư đồng nào mà còn âm tiền mua xe".

Nguyên nhân là do thời gian rỗng lên tới 50%, trong khi mỗi tháng, tiền bộ đàm và tổng các khoản chi phí khác vào khoảng 8 triệu/tháng.

"Nếu tháng nào chạy tốt, được hơn 40 triệu thì trừ thì phí 8 triệu cũng ngang khoảng chiết khấu 20% của Grab. Nhưng tôi thấy tính ra chạy Grab hay hơn taxi ngày trước, tỷ lệ rỗng xe chỉ 20-30%, mà lại không có tình trạng nổ địa chỉ là các tài xế lao vào tranh nhau", người tài xế này chia sẻ sau quá trình chuyển từ taxi truyền thống sang Grab.

Nhưng nếu thu nhập tốt hơn, lại ít cạnh tranh hơn thì các tài xế đều chuyển hướng sang Grab hết rồi, tại sao taxi truyền thống vẫn được nhiều lái xe lựa chọn?

Góc nhìn tài xế: Có xe “nhàn rỗi”, muốn kiếm thêm thì chạy Grab; không có xe sẵn, chỉ cần thu nhập ổn định thì chạy taxi truyền thống - Ảnh 1.

Theo chia sẻ của anh Long, lái xe một hãng taxi trên địa bàn Hà Nội, những người lái taxi truyền thống như anh có thể chẳng cần đầu tư tiền mua xe, trừ khi muốn góp cổ phần bằng xe để sở hữu riêng chính chiếc xe đó. Họ chỉ cần có một tấm bằng B2, một bộ sơ yếu lý lịch rõ ràng và một khoản tiền đặt cọc để nhận xe (khoảng 8 – 10 triệu đồng tùy hãng) là có xe chạy.

Anh so sánh: "Taxi truyền thống chạy 1 tháng được 15- 20 triệu tiền tiêu thoải mái. Nhưng chạy với Grab giả sử thu về 40 – 50 triệu trừ tiền mua xe, chi phí xăng dầu thì cũng chỉ còn lại một nửa. Chưa kể nếu muốn bỏ túi khoản tiền 30 triệu trở lên như cánh lái xe truyền nhau thì chỉ có ăn ngủ trên xe".

Đây chính là lý do sau thời gian tham gia Uber trước đây cũng như sau này là Grab, anh Trọng trở về với taxi truyền thống.

Góc nhìn tài xế: Có xe “nhàn rỗi”, muốn kiếm thêm thì chạy Grab; không có xe sẵn, chỉ cần thu nhập ổn định thì chạy taxi truyền thống - Ảnh 2.

Có quan điểm tương tự anh Trọng, nhưng ông Nguyễn Văn Dũng vẫn chọn con đường hợp tác với Uber và Grab. Vì không giống 2 trường hợp trên, ông hoạt động theo đúng mô hình của Uber, Grab: Sử dụng xe nhàn rỗi để tăng thêm thu nhập.

Sở hữu một chiếc ô tô 7 chỗ, ngoài thời gian lái xe cho một doanh nghiệp tư nhân, ông dành thời gian buổi tối và cuối tuần để làm "đối tác cho Uber trước đây và hiện giờ là Grab".

Ông phân tích: "Đi vay tiền ngân hàng để mua xe chạy Grab thì áp lực lắm. Ví dụ bạn vay ngân hàng 500 triệu, để mua một chiếc xe Hyundai i10, trong vòng 5 năm bạn phải trả hết nợ, nghĩa là mỗi tháng bạn cần trả hơn 8 triệu. Trong khi đó thu nhập từ Grab khoảng 30 triệu, trừ hết các khoản chiết khấu của hãng, rồi xăng dầu thì chắc còn lại 55%, đấy là nếu bạn chạy tốt nhé. Nếu không chẳng còn lại bao nhiêu".

Ông Dũng cho biết rất nhiều tài xế chưa hiểu hết về Uber hay Grab, bởi những mô hình này chỉ hợp với các lái xe giống như ông: sở hữu xe nhàn rỗi và tranh thủ kiếm thêm thu nhập.

"Con đường kiếm thu nhập từ Grab không phải thiên đường. Nó chỉ là thiên đường khi tài xế biết sắp xếp, biết tính toán để tham gia; còn để ‘cày’ chuyên nghiệp thì tôi cho rằng đây không phải thiên đường", ông Dũng kết luận.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM