Lập hãng hàng không mới, lách cửa nào để tồn tại

07/06/2017 08:05 AM | Kinh doanh

Cao điểm mùa hè, các chuyến bay đến điểm du lịch "hot" luôn đầy khách. Một số chặng còn quá tải, giá vé đắt đỏ. Sự ra đời của các hãng hàng không mới tới đây được kỳ vọng góp phần đáp ứng được nhu cầu đi lại của du khách và người dân với giá hợp lý nhất.

Ít chuyến bay, giá đắt: Khách ngại đến

Đặt vé cho cả nhà đi Quy Nhơn trong tháng 7 - điểm đến đang hot thời gian gần đây, chị Hòa (Hà Nội) xem trên mạng của các hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet Air đều thấy báo giá trên 3 triệu đồng/vé khứ hồi. Thậm chí, giá vé này đều áp dụng cho các giờ bay xấu, như bay quá sớm (hơn 6h sáng, tức chị phải dậy từ trước 4h để chuẩn bị ra sân bay, hay về muộn sau 17h).

“Sao giá vé đắt vậy? Tôi thấy các công ty du lịch bán tour từ Hà Nội đi Quy Nhơn cũng tầm 6 triệu, có thể họ hợp tác mua được vé giá rẻ hơn nhưng chứng tỏ mức giá vẫn quá đắt”, chị Hòa băn khoăn.

Không chỉ Quy Nhơn, khách du lịch lâu nay vẫn “khóc thét” với giá vé máy bay từ Hà Nội đi một số điểm đến hấp dẫn, nhất là vào mùa cao điểm, điển hình như Phú Quốc, Nha Trang, Côn Đảo (còn phải bay hai chặng),... Giá vé khứ hồi đến các điểm này trung bình trên 3 triệu đồng/khách, tính ra, một gia đình 4 người phải chi tới 12 triệu tiền vé, chưa kể tiền phòng, tiền ăn ở, chi tiêu,... khiến nhiều người phải đổi sang các điểm giá vé rẻ hơn, có nhiều chuyến bay.


Thị trường hàng không nội địa đang trên đà phát triển, khách đi lại bằng máy bay ngày càng nhiều

Thị trường hàng không nội địa đang trên đà phát triển, khách đi lại bằng máy bay ngày càng nhiều

Nhu cầu khách du lịch tăng cao trong khi số lượng các chuyến bay hạn chế khiến giá vé máy bay trở nên đắt đỏ. Chẳng hạn, đường bay Hà Nội - Quy Nhơn (Bình Định) mỗi hãng chỉ khai thác 2-3 chuyến khứ hồi một ngày (Vietnam Airlines và Vietjet Air), còn Jestar Pacific tuần vài chuyến, chưa kể có chuyến mất hơn 3 tiếng quá cảnh tại TP.HCM).

Rõ ràng, nhu cầu khách đi một số điểm du lịch tăng cao, các đường bay ít chuyến không phải lúc nào cũng sẵn vé như Hà Nội - TP.HCM, vốn đang được khai thác lên tới hơn 40 chuyến/ngày - gần như bão hòa nên giá vé rất mềm, kể cả đi sát ngày.

Vì thế, nhiều địa phương trong đó có Cần Thơ, Quảng Bình, Nghệ An,... sẵn sàng hỗ trợ, thậm chí bù lỗ cho các hãng hàng không , lữ hành có chuyến bay thuê bao (charter) hòng mong đón được nhiều khách du lịch hơn và phục vụ nhu cầu đi lại của doanh nhân, người dân.

Nhận thấy nhu cầu khách đi lại tăng cao, các công ty lữ hành tự hợp tác với hãng hàng không và địa phương tổ chức các chuyến bay charter. Xu hướng này ngày càng tăng, cả trong nước và ngược lại, từ nước ngoài vào Việt Nam. Họ thiết kế các tour charter bay thẳng đến điểm du lịch, thuê nguyên chuyến bay của các hãng hàng không nên chi phí vận chuyển và giá tour rẻ hơn đáng kể, khoảng 30%.

Chẳng hạn, từ Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, Phú Quốc,... có hàng loạt chuyến bay charter đi Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga... và ngược lại, đón khách quốc tế từ các thị trường này. Vietravel, Saigontourist, Ben Thanh Tourrist, Du lịch Việt, TransViet,... và nhiều DN du lịch đang khai thác các chuyến bay charter như vậy. Có đơn vị lữ hành tháng nào cũng có chuyến bay charter, một năm có hơn chục chuyến bay thuê bao.

Ngoài giải pháp tình thế trên, nhiều tập đoàn tư nhân cũng ngỏ ý, thậm chí bộc lộ rõ ý định đầu tư vào sân bay, hỗ trợ mở đường bay để phát triển du lịch.

Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) của “ông vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn “tha thiết” được thực hiện Dự án đầu tư xây dựng mở rộng hệ thống Nhà ga hành khách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Sân bay Phú Quốc cũng là miếng bánh ngon trước sự “nhòm ngó” giành quyền khai thác của hai ông lớn T&T và IPP của bố chồng Hà Tăng.

Dự án sân bay Cam Ranh cũng là địa chỉ không thể bỏ qua, khi có tới hơn 12 nhà đầu tư nộp đơn xin tham gia, trong đó phải kể đến những tên tuổi Vietjet, Công ty CP Logistics Hàng không (ALS), Công ty CP Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt, Tập đoàn TPP,...

Hay, Tập đoàn Rạng Đông cũng xin được đầu tư vào dự án sân bay Phan Thiết (Bình Thuận),...


Mở đường bay thẳng tới các điểm du lịch là hướng đi khả quan vì khách quốc tế đến Việt Nam từ đầu năm đến nay tăng trưởng hai con số (ảnh DNSG)

Mở đường bay thẳng tới các điểm du lịch là hướng đi khả quan vì khách quốc tế đến Việt Nam từ đầu năm đến nay tăng trưởng hai con số (ảnh DNSG)

Thêm hãng bay mới vào cuộc

Đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, hàng không nội địa hiện có 4 hãng là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và VASCO. Tuy nhiên, thị trường dự báo sẽ trở nên sôi động, cạnh tranh hơn khi nhiều nhà đầu tư tư nhân đang xếp hàng xin cấp phép bay.

Vietstar Air, sau lần đầu bị từ chối vì nhà chức trách cho rằng sân bay Tây Sơn Nhất đã quá tải, cần phải chờ đợi, thì mới đây đã tái nộp đơn đề nghị Chính phủ tiếp tục xem xét cấp phép thành lập hãng hàng không nhờ “đi cửa lách”: điều chỉnh giảm một nửa quy mô, tận dụng mọi năng lực về hạ tầng.

Hải Âu hợp tác với thương hiệu hàng không giá rẻ AirAsia để nâng cấp hãng bay từ thủy phi cơ thành hãng hàng không có nhượng quyền thương hiệu, có vận tải khách công cộng và có mạng bay quốc tế. Né sân bay Tân Sơn Nhất, hãng này tính tập trung vào các đường bay từ Hà Nội, Đà Nẵng đi các nước Đông Nam Á và châu Á - biến Việt Nam thành điểm trung chuyển khách.

Mới đây nhất, FLC công bố cũng đầu tư thành lập Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines), vốn điều lệ dự kiến 700 tỷ đồng với tham vọng khai thác thương mại vào cuối 2018.

Kế hoạch của Viet Bamboo Airways là không tập trung vào các thành phố lớn cơ sở hạ tầng hàng không đã quá tải mà ưu tiên các tuyến bay thẳng từ quốc tế tới các điểm du lịch Việt Nam, như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc, Nha Trang…là các điểm du lịch lớn của Việt Nam.

Có thể thấy đây là thị trường ngách, một hướng đi mới khả quan, đặc biệt là khi lượng khách bay nội địa tăng 30% và khách quốc tế đến Việt Nam từ đầu năm đến nay luôn tăng trưởng hai con số.

Như vậy, nếu suôn sẻ, sang năm 2018, Việt Nam sẽ có thêm 3 hãng hàng không nội địa, nâng tổng số lên 7 hãng bay. Trên thực tế, thị trường hàng không Việt đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các hãng bay (Vietjet Air), song cũng đầy tiếc nuối khi một số phải sớm rời bỏ cuộc chơi (Mekong Air, Indochina Airlines,... ). Vấn đề là các hãng chọn hướng đi nào để cạnh tranh và có thể sống sót, vươn lên trong cuộc đua gian khó và khốc liệt này.

Theo Ngọc Hà

Cùng chuyên mục
XEM