Báo cáo Văn phòng Tổng Bí Thư đề án thành lập hãng hàng không Skyviet

23/05/2017 11:07 AM | Kinh doanh

Đề án thành lập hãng hàng không SkyViet được xây dựng trên cơ sở tổ chức lại Công ty Bay dịch vụ hàng không (Vasco) trong đó Vietnam Airlines góp 51% vốn điều lệ , Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ kỹ thương (Techcom Capital) 48% và Techcomdeveloper 1%.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc định giá, góp vốn, thành lập và đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, giấy phép kinh doanh hàng không chung cho Công ty CP Hàng không SkyViet.

Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải báo cáo lại toàn bộ quá trình thực hiện Đề án này (đã có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ?) để xem xét có chủ trương thực hiện tiếp hay không theo đúng quy định pháp luật; đồng thời có báo cáo Văn phòng Tổng Bí Thư trong tháng 5/2017.

Được biết, đề án thành lập hãng hàng không SkyViet được xây dựng trên cơ sở tổ chức lại Công ty Bay dịch vụ hàng không (Vasco) – một đơn vị thành viên của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - HVN).

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải hồi tháng 4/2016, VASCO đã được Cục Hàng không Việt Nam cấp chứng chỉ khai thác tàu bay và Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế cấp mã vận chuyển theo quy định.

Với cơ cấu là đơn vị hạch toán phụ thuộc Vietnam Airlines, VASCO được giao đội tàu bay ATR72 để khai thác, cung cấp dịch vụ vận tải hàng không đi-đến sân bay tại các địa phương chưa tiếp nhận được tàu bay phản lực thân hẹp (Côn Đảo, Cà Mau, Điện Biên, Kiên Giang), bảo đảm nhu cầu đi lại, giao thương của người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Vào tháng 10/2007, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cho phép Vietnam Airlines xây dựng đề án thành lập hãng hàng không cổ phần trên cơ sở tổ chức lại VASCO.

Đến cuối năm 2015, Vietnam Airlines đã có công văn xin phê duyệt chủ trương góp vốn thành lập hãng hàng không theo mô hình công ty cổ phần trên cơ sở sắp xếp lại VASCO có quy mô vốn điều lệ tối thiểu 300 tỷ đồng.

Theo đó, tỉ lệ vốn góp của Vietnam Airlines là 51% vốn điều lệ bằng tài sản hiện hữu do VASCO đang quản lý và khai thác, kho phụ tùng vật tư máy bay ATR72-500, động cơ dự phòng máy bay ATR72 (99,2 tỷ đồng) và Vietnam Airlines góp thêm tiền mặt là trên 53,7 tỷ đồng.

Ngoài Vietnam Airlines, còn có 2 công ty nữa góp vốn, trong đó Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ kỹ thương (Techcom Capital) 48% vốn điều lệ và Công ty cổ phần Phát triển dự án Techcomdeveloper 1% vốn điều lệ.

Về việc cổ phần hóa VASCO, Bộ GTVT nhận định, Vietnam Airlines là công ty cổ phần, pháp luật không quy định thực hiện cổ phần hóa đối với chi nhánh hay công ty con 100% vốn của công ty mẹ là công ty cổ phần.

Do vậy, Vietnam Airlines đề xuất thành lập VASCO theo hình thức góp vốn cùng 2 cổ đông khác để thành lập công ty cổ phần là đúng quy định của Luật Doanh nghiệp.

Đánh giá về những khó khăn VASCO sẽ gặp phải trong thời gian đầu chuyển thành công ty cổ phần, Bộ GTVT nhận định, VASCO vốn là một đơn vị hạch toán phụ thuộc, sắp xếp lại để thành lập một công ty cổ phần độc lập với công ty mẹ về tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí. Do đó, thời gian đầu, chắc chắn sẽ có những khó khăn nhất định.

Tuy nhiên, VASCO tiếp tục khai thác đội tàu bay ATR72, phù hợp cho các chặng bay đi-đến các sân bay địa phương, huyện đảo chưa tiếp nhận được tàu bay phản lực thân hẹp. Đây cũng là các đường bay có ý nghĩa phát triển chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương, phù hợp với mô hình hoạt động của một hãng hàng không độc lập cũng như đặc thù của đường bay sẽ khai thác.

Trao đổi với báo chí, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho rằng, việc chuyển đổi từ VASCO sang SkyViet chỉ là thủ tục chuyển đổi tên gọi, còn các giấy phép bay, giấy phép kinh doanh SkyViet đã được thừa hưởng từ VASCO nên sẽ không có vấn đề gì về thủ tục.

Liên quan đến cơ cấu thị trường hàng không trong thời gian tới, lãnh đạo Cục Hàng không đưa ra nhận định, sự tham gia của SkyViet và kể cả VietStar sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị phần hàng không trong 3-5 năm tới. Hai “ông lớn” của hàng không vẫn sẽ là Vietnam Airlines và VietJet Air.

Trước đó, ngày 10/3, Công ty cổ phần Hàng không SkyViet đã được Sở KH&ĐT TPHCM cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Công ty dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 1/4/2016 sau khi được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung.

Theo Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM