Lần startup thứ 2 của ông chủ Digiworld

12/11/2018 19:03 PM | Kinh doanh

Năm 27 tuổi, chàng trai Đoàn Hồng Việt quyết định lập công ty riêng (tiền thân của Digiworld bây giờ) với lời tuyên bố với “Thất bại cùng lắm là đi làm thuê, lương tháng 5.000 USD vẫn nuôi được vợ”. Sau gần 20 năm với “nỗi đau Nokia” kéo giá cổ phiếu DGW xuống thấp chưa từng có, Digiworld đang bước vào giai đoạn “startup lần 2” mà như chia sẻ của ông chủ Đoàn Hồng Việt - “Người giàu không bao giờ nghỉ hưu”.

“Mỗi người sẽ có một turning-point (bước ngoặt mang tính quyết định - PV) làm thay đổi hoặc định hình con người”, ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch HĐQT CTCP Thế giới Số (Digiworld - mã chứng khoán DGW) chia sẻ. Thời điểm mang tính bước ngoặt của ông Việt là vào lúc ông học Phổ thông trung học, một ông chú họ xa làm giám đốc một doanh nghiệp đến chơi nhà.

Tướng tá phương phi, giọng nói sang sảng của người chú họ ấy in đậm trong đầu của anh học sinh cấp 3, để rồi đến khi đăng ký thi Đại học, mặc dù bố hướng theo học các trường quân đội như quân y, hoặc kỹ thuật quân sự, anh học sinh này quyết tâm theo học một trường kinh tế.

Năm 1997, ông Việt từ một người làm thuê, quyết định lập công ty kinh doanh riêng với 25.000 USD.

"Gia đình tôi không ai làm kinh doanh, nhưng cái turning-point ngày ấy tạo cho mình niềm đam mê với kinh doanh. Và khi đi làm theo đam mê sẽ không thấy mệt mỏi, cũng không có suy nghĩ chọn sai đường. Tôi biết lộ trình của mình rất rõ".

"Người giàu không bao giờ nghỉ hưu, mà chỉ chuyển từ hình thức làm việc này sang hình thức làm việc khác", ông Việt nói.

Câu chuyện mệt mỏi và sai đường ấy, ông được hỏi, sau khi nhìn lại "sự cố Nokia".

Cú shock Nokia kéo giá cổ phiếu xuống đáy, 2 năm lợi nhuận giảm còn một nửa

Cuối năm 2014, Nokia Việt Nam chính thức bán lại cho Microsoft như một phần trong thương vụ Microsoft mua mảng sản xuất điện thoại Nokia toàn cầu. Nokia cũng là nhãn hàng chủ lực của Digiworld, sau khi về tay chủ mới, đã bất ngờ thay đổi chiến lược trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Digiworld buộc phải chủ động giảm phụ thuộc vào Nokia/Microsoft và tái cơ cấu doanh thu bằng cách đa dạng hóa nhãn hàng phân phối. Đến năm 2016, Digiworld chính thức loại Nokia ra khỏi danh mục phân phối, đồng thời bổ sung 3 nhãn hàng mới là Intex, Motorola và Wiko. Nhưng kết quả không mấy khả quan.

Kết thúc năm 2016, doanh thu Digiworld đạt 3.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 66,7 tỷ đồng, giảm lần lượt 9,5% và 34,8% so với năm trước, đánh dấu năm thứ 2 lợi nhuận sụt giảm 2 con số kể từ khi "buông tay" với Nokia.

Nếu so với năm 2014, lợi nhuận sau thuế năm 2016 chỉ còn một nửa. Đây cũng là năm giá cổ phiếu DGW tụt xuống mức đáy - chỉ còn hơn 10.000 đồng/cổ phiếu. "Giá cổ phiếu xuống thấp, động thái của Ban Giám đốc là gì?" luôn là câu hỏi thường trực cổ đông đặt ra mỗi kỳ đại hội.

"Tôi cảm thấy có lỗi với cổ đông. Lúc đưa ra kế hoạch kinh doanh thì chưa có tác động đó, nhưng yếu tố bất ngờ làm tăng trưởng suy giảm", ông Đoàn Hồng Việt tâm sự.

"Còn trục trặc trong kinh doanh thì không làm ảnh hưởng đến cả đại cuộc. Khi giá cổ phiếu DGW chạm đáy nó lại đi lên. Nhưng cổ đông thời điểm đó thiệt thòi nên mình thấy có lỗi".

Mới đây, khi Nokia về tay chủ thứ 3 - HMD Global, Digiworld đã có màn "tái hợp" với thương hiệu điện thoại gắn liền với yếu tố "pin trâu", kỳ vọng phác lên tương lai xán lạn cho thương hiệu điện thoại từng nhiều năm ở ngôi vương.

Lần startup thứ 2 của ông chủ Digiworld, lấp đầy "khoảng trống Nokia" bằng Xiaomi, đưa yếu tố Love Challenges vào văn hóa doanh nghiệp

Lần startup thứ 2 của ông chủ Digiworld - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: justrunlah.

"Mục tiêu đằng sau việc chúng ta đến công ty để có thu nhập là gì?" - đó là câu hỏi mà 40 cán bộ chủ chốt của Digiworld phải trả lời trong khóa học kéo dài 1 tuần hướng dẫn bởi một chuyên gia người Mỹ.

"Chúng tôi phải cùng nhau đào sâu mục đích cuối cùng của mình, mối quan tâm sâu thẳm nhất của mình là gì. Từ việc xác định được mục đích chung, cùng nhau viết lên tầm nhìn công ty, và từ đó làm việc vì cái tầm nhìn đó chứ không chỉ làm việc bằng những cái tactics hàng ngày", ông Việt kể về khóa học đã khiến đội ngũ quản trị thay đổi giá trị cốt lõi trong văn hóa doanh nghiệp.

Những giá trị cũ được thay đổi, bổ sung thêm hai yếu tố Efficiency (Hiệu quả) và Love Challenges (Yêu thử thách).

Lần startup thứ 2 của ông chủ Digiworld - Ảnh 2.

5 giá trị cốt lõi mới của Digiworld.

"Năm 2017 vừa qua, DGW bắt đầu bước sang những lĩnh vực mới. Nhiệm vụ mới bao giờ cũng thách thức hơn những gì mình đã có trên thị trường như khách hàng, partners… Giá trị Love Challenges cũng được đẩy mạnh lên", ông Việt nói.

Nếu coi việc Digiworld bắt tay với Acer là lần startup đầu tiên của doanh nghiệp này với mảng laptop, thì việc bắt tay với Xiaomi trong ngành hàng điện thoại có thể gọi là lần startup thứ 2.

Xiaomi đã "lấp" được gần hết khoảng trống doanh thu và lợi nhuận Nokia bỏ lại cho Digiworld. Năm 2017, doanh thu và lợi nhuận của Digiworld tăng lần lượt 17,5% và vượt 42% kế hoạch lợi nhuận cả năm được ĐHĐCĐ thông qua.

9 tháng đầu năm, Digiworld đạt doanh thu 4.383 tỷ đồng, tăng gần 63% và lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 78,3 tỷ đồng, tăng gần 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhờ hợp đồng phân phối độc quyền cho Xiaomi, ngành hàng điện thoại di động của Digiworld đã tăng vọt 294%, lên gần 1.800 tỷ đồng, đóng góp chính vào tổng doanh thu.

Chia sẻ về câu chuyện startup của bản thân khi "sự cố Nokia" qua đi, ông tâm sự: Thuở quyết định lập nghiệp với công ty riêng, ông đã tuyên bố với vợ - bà Tô Hồng Trang rằng: "Thất bại cùng lắm là đi làm thuê, lương tháng 5.000 USD anh vẫn nuôi được vợ. Không có gì phải sợ".

Câu chuyện startup của người trẻ và người già khác nhau ở chỗ: Người trẻ có nhiều thời gian làm lại hơn.

"Trò chuyện với các bạn trẻ, tôi vẫn nói rằng các bạn làm ngân hàng, tài chính là đang ở một vị trí rất tốt, được trải nghiệm các loại business model (mô hình kinh doanh - PV) khác nhau. Vấn đề là các bạn muốn khởi nghiệp hay không".

"Ngay cả việc đi ăn Cơm Tấm Kiều Giang, tôi cũng nhẩm thử 1 ngày bán được bao nhiêu đĩa cơm, 1 đĩa cơm bán được bao nhiêu tiền", ông Việt nói về tư duy làm chủ khi startup.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM