Khi các chuỗi dược phẩm như Pharmacity, Long Châu, Phúc An Khang đủ lớn như các chuỗi di động hiện nay, Digiworld có còn “cửa”?
Tại ĐHCĐ Công ty Cổ phần Thế Giới Số (Digiworld; HOSE: DGW), nhiều câu hỏi liên quan đến việc công ty đầu tư vào thực phẩm chức năng và dược phẩm.
Hiện thị trường dược phẩm đang phân tán. Nhưng trong vòng vài năm nữa, như thị trường điện thoại hiện nay, khi các chuỗi như Pharmacity, Long Châu, Phúc An Khang đủ lớn như các chuỗi điện thoại hiện nay thì liệu Digiworld “còn cửa”?
Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT Digiworld, cho rằng thị trường dược phẩm hiện này còn phân tán là đúng. Sau khoảng hơn 10 năm, các chuỗi điện thoại di động đã chiếm khoảng 70% thị phần điện thoại di động, còn lại là các shop nhỏ.
Tuy nhiên, thị trường dược phẩm khác hẳn điện thoại di động. Lý do là điện thoại di động chỉ có khoảng 5-6 nhà sản xuất trong khi thực phẩm chức năng có đến hàng nghìn nhà sản xuất. Thị trường thuốc và thực phẩm chức năng phân mảnh từ khâu sản xuất nên không dễ dàng phân chia như điện thoại di động.
Ông Việt nói thêm, chưa kể năng lực làm marketing của các nhà sản xuất điện thoại và nhà sản xuất thực phẩm chức năng khác nhau. Nhà sản xuất điện thoại có năng lực làm marketing tốt và có tiền để làm. Còn nhà sản xuất thực phẩm chức năng thì khác. Năng lực làm thương hiệu, truyền thông tin về sản sản phẩm của họ tốt vẫn còn hạn chế. "Đó là mảnh đất màu mỡ để DGW có thể làm. DGW sẽ chọn những sản phẩm tốt và DGW làm dịch vụ. Do đó, trong khoảng 10 năm nữa, DGW vẫn còn cửa”, ông Việt khẳng định.
Nói về lợi thế cạnh tranh của Digiworld, đại điện Công ty cho biết, thị trường thực phẩm chức năng khác hẳn so với mặt hàng điện thoại di động. Bởi vì hiện đang có rất nhiều mặt hàng chưa được nhận diện, thị trường đang còn phân mảnh rất lớn thì kinh nghiệm của một công ty phát triển thị trường như Digiworld là rất quan trọng.
Biên lợi nhuận của thực phẩm chức năng là 50-60%, tại sao lại cao như vậy?
Biên lợi nhuận 50-60% là tính từ quá trình sản xuất đến phân phối. DGW có 5 dịch vụ phát triển thị trường, đó là mô hình dịch vụ MES (Market Expansion Service) bao gồm các dịch vụ từ phân tích thị trường, tiếp thị, bán hàng, hậu cần, hậu mãi sau bán hàng. ới chiến lược này, DGW có thể triển khai nhiều hợp đồng phù hợp với dịch vụ mà DGW có.
Theo ông Việt, trên thị trường, thực phẩm chức năng đang khá lộn xộn, chưa có công ty chuyên nghiệp nào làm các công tác phân phối, hậu mãi… Đó là cơ hội của Digiworld.
Bên cạnh các sản phẩm giới thiệu, quý II và III, DGW sẽ tiếp tục làm thêm 2 hoặc 3 sản phẩm nữa.
Trước đó, trong một cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Việt phân tích: trong nước, giờ chỉ có một vài công ty đủ sức phân phối toàn quốc như Traphaco, Dược Hậu Giang. Digiworld tập trung vào thị trường OTC, thị trường bán lẻ ở các nhà thuốc, không kê toa. Khách hàng của OTC khá giống với khách hàng ở lĩnh vực tiêu dùng nhanh: Nghĩa là khách hàng phải biết về sản phẩm đó, nghe thông điệp marketing đâu đó, thì họ mới mua. Nhân viên bán hàng có thể giải thích thêm cho họ. Như vậy là khá giống với FMCG. Và đây cũng chính là phần mà Digiworld có. Sản phẩm có thể khác nhau nhưng cách thức marketing thương hiệu, tổ chức phân phối tương đồng.
Năm 2017 với kết quả kinh doanh khả quan
Theo báo cáo của ban điều hành, năm 2017, doanh số Digiworld đạt 3.820 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước và thu về 79 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 17,5% và vượt 42% kế hoạch lợi nhuận cả năm được ĐHCĐ thông qua.
Theo đó, nhóm máy tính và máy tính bảng vẫn có mức tăng trưởng 4,4% dù mức tăng trưởng chung của thị trường không cao. Digiworld cho biết đã duy trì mức tăng trưởng cho nhóm ngành hàng này bằng cách khai thác thị trường ngách, như dòng máy tính cho doanh nhân và dòng máy tính thời trang cho giới trẻ.
Mảng điện thoại tăng trưởng -30% được Digiworld lý giải là do tái cấu trúc danh mục sản phẩm và bỏ phân phối các sản phẩm không có đóng góp nhiều giá trị gia tăng. Từ giữa quý III, DGW tập trung vào các sản phẩm có biên lợi nhuận tốt hơn như Xiaomi đã giúp doanh số tăng trở lại.
Trong khi đó, mảng thiết bị văn phòng của Digiworld tăng trưởng tốt nhờ có thêm nhiều hãng và mỗi hàng lại có nhiều danh mục sản phẩm khác nhau. Cả năm 2017, Digiworld đạt 752 tỷ đồng doanh thu từ mảng này. Ngoài ra, mảng hàng tiêu dùng mới có đóng góp từ giữa quý 3/2017 nên cần thời gian để hoàn thiện kênh phân phối và đa dạng sản phẩm, chưa đóng góp nhiều vào hoạt động của công ty.
Lợi nhuận quý I tăng trưởng hơn 120%
Kết thúc quý I/2018, đại điện DGW cho biết, Công ty ghi nhận mức tăng trưởng đều ở tất cả các ngành hàng. Trong đó, mảng điện thoại tăng mạnh do ghi nhận thêm doanh thu từ thương hiệu Xiaomi mà Sharp.
Nhóm ngành thiết bị văn phòng tăng trưởng đều ở các quý nhờ việc thêm các sản phẩm đa dạng khác; Nhóm hàng tiêu dùng tăng do đóng góp từ hàng tiêu dùng nhanh sau khi mua lại Công ty TNHH CL và mảng Chăm sóc sức khoẻ (Kingsmen) từ quý III/2018. Riêng nhóm máy tính và máy tính bảng giảm nhẹ là xu hướng chung của thị trường.
Kết quả, Digiworld ước đạt 1.265 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 66% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh đến 127% so với cùng kỳ năm trước và đạt 19,5 tỷ đồng.
Năm 2018, đặt mục tiêu cả doanh thu và lợi nhuận tăng hơn 20%
Năm 2018, Hội đồng quản trị DGW trình cổ đông thông qua chỉ tiêu doanh thu thuần 4.700 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế 101 tỷ đồng, tăng 29%.
Trong cơ cấu doanh thu, 49% đến từ máy tính xách tay và máy tính bảng, 26% đến từ mảng điện thoại di động, 21% đến từ thiết bị văn phòng, còn lại 4% đến từ hàng tiêu dùng.
Mảng điện thoại sẽ có sự đóng góp chính từ dòng sản phẩm Xiaomi và thêm các sản phẩm của Sharp. Ở ngành hàng tiêu dùng, trong năm 2018, Digiworld sẽ cho ra mắt 3 dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe mới, bao gồm nhóm sản phẩm bảo vệ sức khỏe trẻ em, sản phẩm dành cho gan và sản phẩm hỗ trợ tuần hoàn máu, trong đó có một sản phẩm là hàng ngoại nhập.