Lăn lộn sau hơn 1 năm thất nghiệp tôi thấm thía bài học dành cho người trưởng thành: Người chuẩn bị tốt sẽ tránh lọt vào hố sâu của thất bại

27/11/2020 22:30 PM | Sống

Thất nghiệp quả thật là một điều tồi tệ nhưng đừng quá lo lắng. Bạn có thể làm gì để bản thân tránh "lọt hố" thất nghiệp quá lâu?

“Bạn có những kĩ năng mà chúng tôi cần, nhưng thị trường việc làm hiện đã quá bão hòa với các ứng viên nộp đơn, vì vậy bạn có thể không nhận được phản hồi từ chúng tôi. Cố lên! ”. Đây chỉ là một trong số những lời "từ chối" tôi nhận được từ những nhà tuyển dụng.

Tôi sẽ không chia sẻ về cách tôi quyết định bỏ việc để đi du lịch khắp thế giới và khám phá niềm đam mê thực sự của mình hay cách tôi ở nhà trong một khoảng thời gian nghỉ ngơi xứng đáng. Thay vào đó, tôi sẽ chia sẻ những điều tôi học được khi thất nghiệp trong hơn một năm và cách bạn có thể làm để tránh tình trạng thất nghiệp kéo dài.

Trang bị kiến thức cho ngành nghề bạn muốn theo đuổi

Khi tốt nghiệp đại học, tất cả mọi nỗ lực và khả năng của tôi sau khi tốt nghiệp đều hướng đến việc tìm kiếm những công việc mang lại thu nhập cao và có thể “làm đẹp” sơ yếu lí lịch của tôi. Và rồi tôi quyết định theo đuổi ngành Tài chính, mặc dù tôi thậm chí không có kiến thức chuyên sâu về ngành này và cũng chẳng hứng thú với những con số.

Một thời gian sau, tôi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi với công việc mình đang làm. Tôi luôn kiếm cớ để trốn việc và tôi có thể nhận thấy rằng chất lượng công việc của mình đang giảm sút ở mức báo động. Cuối cùng, tôi được yêu cầu nghỉ việc.

Sau một vài ngày cân nhắc, tôi nhận ra rằng tôi đã thực sự quyết tâm trong hành trình đạt được những gì tôi nghĩ là thành công. Tôi đã cố ép bản thân làm công việc không phù hợp với mình và điều đó đã ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc cũng như sức khỏe tinh thần của tôi.

Kết quả của việc thất bại trong công việc đầu tiên này là tôi bị mắc vào một vòng lặp không bao giờ kết thúc. Tôi không thể làm công việc khác vì tôi không có kinh nghiệm và không đủ giỏi để thuyết phục các nhà tuyển dụng cho tôi cơ hội làm việc trong công ty của họ .

Vận dụng mọi khả năng và kĩ năng của bạn

 Lăn lộn sau hơn 1 năm thất nghiệp tôi thấm thía bài học dành cho người trưởng thành: Người chuẩn bị tốt sẽ tránh lọt vào hố sâu của thất bại  - Ảnh 1.

Trong những tháng ngày lao vào tìm kiếm việc làm, tôi đã tham gia vài cuộc phỏng vấn, nhưng không có nơi nào đồng ý nhận tôi vào làm việc. Tôi đã lãng phí gần như cả năm trời trong việc tìm kiếm một công việc văn phòng khi mà tôi hoàn toàn có kĩ năng tốt nhưng không hề được sử dụng. 

Tôi đã xác định được 5 kĩ năng mà tôi có, sau đó tôi chọn ra một điều tôi cảm thấy tự tin nhất và có khả năng thành công nhất ở một quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha đó là tiếng Anh.

Với sự giúp đỡ của em gái, tôi đã có thể mở một lớp tiếng Anh cơ bản cho nhóm trẻ gần nhà. Một vài phụ huynh đã liên lạc với tôi và muốn tôi bắt đầu công việc ngay. Khi một vài đứa trẻ bắt đầu tiến bộ, các bậc cha mẹ khác đã gọi điện cho tôi và ngày càng có nhiều học sinh tìm đến tôi hơn. 

Điều này khác xa so với dự định ban đầu của tôi, nhưng nó cho phép tôi có thêm thu nhập, đồng thời tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu và phát triển những kỹ năng mới mà ngay từ đầu tôi không biết mình đã có, chẳng hạn như dạy học. 

Tất cả những gì tôi phải làm là dành thời gian để xác định điều gì khiến tôi nổi bật hơn so với những người còn lại và biến nó thành lợi thế của mình. 

Tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh

 Lăn lộn sau hơn 1 năm thất nghiệp tôi thấm thía bài học dành cho người trưởng thành: Người chuẩn bị tốt sẽ tránh lọt vào hố sâu của thất bại  - Ảnh 2.

Tôi có một nhóm người quen có công việc tốt mà tôi có thể nhận được sự giúp đỡ từ họ. Tất cả những gì tôi phải làm là gửi cho họ một tin nhắn như tôi thường làm và hỏi họ xem họ có thể giúp tôi không. Bắt đầu với những câu chào hỏi thông thường như "Chào! Mọi chuyện thế nào? Ồ, thật tuyệt, tôi rất vui khi biết điều đó! Dạo này cậu làm gì?". Nhưng mỗi khi họ hỏi tôi đang làm gì, tôi hoàn toàn không biết nên trả lời thế nào. Tôi không muốn nói với họ rằng tôi đang thất nghiệp. Mọi người đều đang có công việc ổn định, và tôi - một thanh niên 25 tuổi thất nghiệp. Tôi cảm thấy rất xấu hổ. Nhưng sau này tôi nhận ra, không ai bận tâm về điều đó, ít nhất là nó không thật sự quan trọng.

Thời điểm tôi quyết định nói với mọi người rằng tôi đang tìm việc, họ đã cho tôi thông tin của một vài nhà tuyển dụng và bằng khả năng của mình, tôi đã trở thành một phiên dịch viên cho một trong những công ty phiên dịch lớn nhất. Mặc dù làm phiên dịch viên không phải là điều tôi thực sự muốn làm, nhưng nó đã trở thành một nguồn thu nhập tốt cho phép tôi tiết kiệm một số tiền có thể giúp ích cho công việc sau này của tôi.

Luôn có kế hoạch để đảm bảo không "lọt hố" thất nghiệp quá lâu

Thất nghiệp quả thật là một điều tồi tệ nhưng đừng quá lo lắng. Dưới đây là một số biện pháp bạn có thể áp dụng để tránh tình trạng thất nghiệp kéo dài:

- Trang bị kiến ​​thức cho bản thân trước khi theo đuổi bất kỳ công việc nào. Nếu bạn không chắc chắn về con đường sự nghiệp mình sẽ theo đuổi, hãy tìm hiểu về các vị trí bạn quan tâm. Hãy truy cập công cụ tìm kiếm việc làm mà bạn yêu thích (Indeed, Linked,…) và tìm hiểu xem một ngày làm việc sẽ diễn ra như thế nào. Ngoài ra, hãy truy cập Glassdoor và xem những người đã làm việc ở những vị trí đó đang nói gì. Hãy nhớ rằng đây là công việc bạn sẽ làm trong cuộc đời mình, vậy nên đừng vội vàng lựa chọn một công việc chỉ vì bạn thấy nó tốt, điều đó chỉ khiến bạn từ bỏ công việc đó sớm thôi.

- Lập danh sách các khả năng và kỹ năng của bạn. Ngay cả khi bạn nghĩ rằng bạn không có gì đặc biệt, hãy ngồi xuống, lấy một tờ giấy và viết ra bất kỳ kỹ năng nào bạn có thể nghĩ ra, bất cứ điều gì bạn giỏi. Sau đó biến nó thành lợi thế của mình và cho những nhà tuyển dụng thấy cách bạn có thể đem lại lợi nhuận cho công ty bằng các kĩ năng của mình. 

- Tìm kiếm sự trợ giúp. Bạn có thể khó xử khi nói với mọi người rằng bạn đang thất nghiệp, nhưng lòng kiêu hãnh sẽ không giúp thanh toán các hóa đơn của bạn. Truy cập Linkedin hoặc trang cá nhân trên mạng xã hội của những người làm trong lĩnh vực công việc bạn tìm kiếm và xem họ đang cập nhật những gì. Nếu thấy điều gì đó khiến bạn hứng thú, hãy gửi tin nhắn hoặc gặp gỡ họ, họ có thể giúp đỡ bạn hoặc giới thiệu bạn với ai đó. 

Theo chia sẻ của Mariana F., blogger tự do chuyên viết về phát triển bản thân, kỹ năng sống tại Medium. 


Thiên An

Cùng chuyên mục
XEM