Lần đầu tiên trong lịch sử, số CEO Mỹ bị sa thải đạt kỷ lục, năm 2024 trở thành năm buồn của các giám đốc

26/12/2024 14:49 PM | Quốc tế

Hàng loạt CEO của Intel, Boeing, Starbucks hay Nike trở thành một vài trong số hàng nghìn giám đốc tại Mỹ bị sa thải hoặc thôi việc trong năm 2024.

Lần đầu tiên trong lịch sử, số CEO Mỹ bị sa thải đạt kỷ lục, năm 2024 trở thành năm buồn của các giám đốc- Ảnh 1.

Báo cáo của hãng Challenger, Gray & Christmas cho thấy lần đầu tiên kể từ khi theo dõi số liệu vào năm 2002, số tổng giám đốc điều hành (CEO) của Mỹ bị sa thải hoặc nghỉ việc cao kỷ lục.

Cụ thể trong năm 2024, khoảng 1.991 CEO đã bị mất ghế, cao hơn con số kỷ lục trước đó là 1.914 của năm 2023.

Con số này bao gồm các giám đốc điều hành của các công ty đại chúng, các công ty tư nhân, các tổ chức phi lợi nhuận và các cơ quan chính phủ.

"Bối cảnh hiện tại có rất nhiều bất ổn và các công ty đang ứng phó bằng cách thay đổi các nhà lãnh đạo. Điều này có thể đóng vai trò như một cuộc chạy thử để xem nhà lãnh đạo mới sẽ giải quyết những thách thức hiện tại như thế nào", Phó chủ tịch cấp cao Andrew Challenger của Challenger, Gray & Christmas, cho biết.

"Nếu mọi chuyện không ổn thì việc thay thế một giám đốc điều hành sẽ ít gây gián đoạn đến hoạt động vận hành thường ngày hơn, không chỉ đối với công ty, nhân viên mà còn đối với các nhà phân tích và cổ đông", ông Challenger bổ sung.

Lần đầu tiên trong lịch sử, số CEO Mỹ bị sa thải đạt kỷ lục, năm 2024 trở thành năm buồn của các giám đốc- Ảnh 2.

Theo Challenger, Gray & Christmas, số lượng CEO rời vị trí tại các công ty đại chúng Mỹ nói riêng đã đạt mức cao kỷ lục, tăng lên 327 người trong 11 tháng đầu năm 2024, cao hơn mức 300 của năm 2023.

Một trong những ví dụ gần đây nhất là việc Pat Gelsinger bị buộc phải rời khỏi vị trí CEO của Intel vào đầu tháng này sau khi hội đồng quản trị mất niềm tin vào các kế hoạch xoay chuyển tình thế của ông.

Tương tự, những cái tên như Boeing, Starbucks hay Nike cũng có biến động về nhân sự cấp cao.

Tại mảng tổ chức phi lợi nhuận và các cơ quan thuộc chính phủ, số lượng CEO rời đi được cho là cao nhất với 438 người, sau đó là mảng chăm sóc sức khỏe (230), công nghệ (208), giải trí (139), tài chính (104), bất động sản (47), năng lượng (43) và hàng công nghiệp (41).

Những lý do phổ biến nhất khiến CEO rời đi là từ chức (551), không rõ lý do (496), nghỉ hưu (445), có cơ hội mới (148) và từ chức (124). Ngoài ra, có đến 95 CEO đã phải rời khỏi vị trí sau khi nhiệm kỳ của họ kết thúc.

Ngoài ra, có 7 CEO bị cách chức hoặc thôi việc do cáo buộc hành vi sai trái trong công việc, khoảng 6 người có khác biệt quan điểm với hội đồng quản trị nên phải rời ghế, 5 người khác bị sa thải vì nhiều nguyên nhân và 3 người đối mặt với cáo buộc về hành vi quấy rối tình dục.

Điều trớ trêu là việc quá nhiều CEO mất ghế năm 2024 đã khiến rất nhiều nhân sự không muốn ngồi lên vị trí này.

Trong Hội nghị thượng đỉnh COO của Fortune vào tháng 10/2024, nhiều giám đốc vận hành (COO) đã bày tỏ sự do dự khi được hỏi liệu họ có mong muốn trở thành CEO hay không.

Ngoài ra, vị trí CEO cũng không có nhiều động lực tài chính nữa bởi ngày càng nhiều công việc khác có thu nhập hấp dẫn không kém.

Đặc biệt, vụ việc CEO Brian Thompson của UnitedHealthcare bị sát hại ngay trên phố vào ngày 4/12 càng khiến nhiều người Mỹ nhạy cảm với công việc phải hứng chịu cơn giận dữ của dư luận và cổ đông này.

"Nếu xã hội cứ hạ thấp các CEO như thế này chỉ sẽ đến lúc chẳng ai muốn làm vai trò lãnh đạo nữa", CEO Jason Baumgarten của Practice than thở.

*Nguồn: Fortune

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM