Góc khuất đằng sau vụ CEO hãng bảo hiểm Mỹ bị bắn tử vong trên phố
Trên vỏ đạn của vụ án có khắc những từ như như "Trì hoãn", "Phủ nhận" và "Bóc trần", vậy chuyện gì đang diễn ra và mối thù như thế nào khiến CEO hãng bảo hiểm lớn nhất Mỹ bị sát hại?
Ngày 4/12/2024, CEO Brian Thompson của hãng bảo hiểm UnitedHealthcare (UHC) bị bắn chết ngay trên phố tại New York, khiến toàn bộ giới truyền thông bàng hoàng.
Thế nhưng điều trớ trêu là sau khi nghi phạm bị bắt, rất nhiều người lại quay sang bảo vệ kẻ nổ súng.
Vậy chuyện gì đang diễn ra?
4,5 nghìn tỷ USD
Tờ Fortune cho hay cội nguồn của câu chuyện bắt đầu từ sự bất mãn của người dân Mỹ về ngành bảo hiểm trị giá 4,5 nghìn tỷ USD, khi các CEO được trả lương cao vì mặc kệ bệnh nhân đến chết, trì hoãn, từ chối các khoản chi trả để giữ lợi nhuận cho cổ đông.
Nhiều báo cáo nghiên cứu và nhà hoạt động đã thẳng thắn thừa nhận ngành bảo hiểm Mỹ là một hệ thống "thất bại" trong nhiều năm với chi phí khám chữa bệnh cao "cắt cổ", sự phức tạp đến mức "vô nhân đạo" của quy trình xét duyệt bảo hiểm khi để mặc bệnh nhân đến chết.
Xin được nhắc rằng Mỹ đứng đầu thế giới về chi phí y tế, cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển khác, với 12.318 USD/người/năm theo số liệu của Statista.
Thế nhưng trớ trêu thay, chính sự vô nhân đạo này mới làm nên lợi nhuận cho cổ đông và tiền thưởng cho các CEO, khiến ngày càng nhiều người gọi họ là những kẻ sát nhân vô hình, qua đó tạo thành thảm kịch của ngày 4/12.
Các công ty bảo hiểm sẽ kiếm được lợi nhuận nếu thành viên không bị bệnh hoặc từ chối trả tiền bảo hiểm và CEO Thompson đã chọn cách thứ 2.
Trước khi ông Thompson lên làm CEO, tỷ lệ từ chối của UHC là 8% nhưng vị lãnh đạo mới đã nâng con số này lên thành 33% năm 2024, gấp đôi so với mức trung bình 16% toàn ngành và trở thành công ty bảo hiểm có tỷ lệ từ chối cao nhất.
Nói cách khác, cứ 3 bệnh nhân thì 1 người không được UHC trả tiền bảo hiểm.
Theo Fortune, hệ thống bảo hiểm Mỹ hầu như không được nhắc đến trong các cuộc thảo luận công khai do những tổ chức vận động hành lang quá mạnh của ngành này. Ngay cả trong giới chính trị, việc cải tổ ngành bảo hiểm Mỹ cũng hiếm khi được nhắc đến.
Chỉ đến khi vụ việc CEO UnitedHealthcare bị bắn chết ngay trên phố với những từ như "Trì hoãn" (Delay), "Phủ nhận" (Deny) và "Bóc trần" (Depose) được khắc trên vỏ đạn thì mọi người mới chú ý đến câu chuyện.
Cả 3 từ này được lấy cảm hứng từ cuốn sách năm 2010 của Jay Feinman mang tên "Delay, Deny, Defend: Why Insurance Companies Don’t Pay Claims and What You Can Do About It", qua đó bóc trần ngành bảo hiểm Mỹ ưu tiên lợi nhuận hơn bệnh nhân.
Những lá thư và lời bộc bạch ghê rợn của hàng loạt bệnh nhân bị từ chối phẫu thuật ung thư, không mua được thuốc tiểu đường vì bảo hiểm không trả cùng hàng loạt câu chuyện đau lòng khác đã khiến nhiều người lên án lòng tham của UnitedHealthcare cùng ngành bảo hiểm Mỹ thay vì kẻ nổ súng.
Tờ Fortune cho hay các hãng bảo hiểm y tế Mỹ thường xuyên trì hoãn và từ chối chăm sóc, thông qua các quy trình như "Ủy quyền trước" (Prior Authorization), nghĩa là bệnh viện cần sự chấp thuận của hãng bảo hiểm trước khi cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cho bệnh nhân.
Phía hãng bảo hiểm lập luận rằng ngành y tế Mỹ có quá nhiều các dịch vụ chăm sóc không cần thiết và quá đắt. Họ cho rằng các bệnh viện, bác sĩ hay nhà sản xuất thuốc đều có động cơ tối đa hóa lợi nhuận bằng cách lừa dối bệnh nhân.
Bởi vậy các tập đoàn bảo hiểm cho rằng những quy trình xét duyệt khắt khe của họ là công cụ cần thiết để bảo vệ bệnh nhân.
Tổng giám đốc điều hành Andrew Witty của UnitedHealth Group, công ty mẹ của UHC, đã nói như vậy trong một bài phát biểu qua video với 440.000 nhân viên của mình sau vụ việc ngày 4/12.
"Chúng ta có vai trò cực kỳ quan trọng khi đảm bảo rằng dịch vụ chăm sóc an toàn, phù hợp và được cung cấp khi mọi người cần. Chúng ta chống lại dịch vụ chăm sóc y tế không an toàn hoặc không cần thiết, có thể khiến hệ thống y tế trở nên phức tạp và không bền vững", CEO Witty nhấn mạnh.
Bất chấp những sự chỉ trích, CEO Witty cho biết nhân viên nên bỏ qua những ồn ào của xã hội vì "điều đó không phản ánh thực tế mà chỉ đơn giản là dấu hiệu của một kỷ nguyên mà chúng ta đang sống".
Sau vụ việc 4/12, vô số những trò đùa như áp phích truy nã các giám đốc hãng bảo hiểm được tung lên mạng cùng những chỉ trích về ngành này.
30 năm lớn mạnh
Trong 30 năm qua, ngành bảo hiểm Mỹ đã trở thành một thế lực hùng mạnh khi chiếm 8 trong tổng số 25 công ty lớn nhất Mỹ về doanh thu, cao hơn nhiều so với việc không có hãng nào lọt top này năm 1995.
Trong đó UnitedHealth Group là hãng bảo hiểm lớn nhất tại Mỹ với 372 tỷ USD doanh thu năm 2023.
Bằng việc liên tục thâu tóm, sáp nhập, các hãng bảo hiểm cho biết họ có thể mang lại dịch vụ tốt hơn với chi phí thấp hơn khi mở rộng quy mô.
Tuy nhiên trên thực tế, sự bành trướng này khiến các tập đoàn bảo hiểm độc quyền hơn và thu được nhiều lợi nhuận hơn khi từ chối các đơn xin trả tiền.
Theo Fortune, dịch vụ chăm sóc y tế tại Mỹ quá đắt đỏ ngay cả với những người có bảo hiểm.
Chi phí bảo hiểm trung bình cho hộ gia đình tại Mỹ năm 2024 là 25.572 USD, tăng 7% so với năm trước trong năm thứ 2 liên tiếp. Thậm chí nhiều người còn phải trả các khoản khấu trừ trước khi bảo hiểm của họ có hiệu lực, dao động từ 2.700-5.000 USD tùy từng gia đình.
Việc chi phí chăm sóc y tế và bảo hiểm quá đắt đỏ khiến ngày càng nhiều gia đình Mỹ chịu áp lực tài chính.
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 11/2024 bởi Quỹ Thịnh vượng chung (CF) cho thấy 23% người Mỹ "không được bảo hiểm đầy đủ", nghĩa là họ có bảo hiểm nhưng không đủ khả năng tiếp cận. Thậm chí 57% người trưởng thành Mỹ không được bảo hiểm đầy đủ và không được chăm sóc y tế cần thiết do chi phí quá cao.
Chuyên gia Sara Collins của Commonwealth cho hay chi phí y tế cao khiến nhiều người khó chịu trong bối cảnh các hãng bảo hiểm từ chối xét duyệt đơn xin trả tiền.
Theo một cuộc khảo sát năm 2023 của KFF, một tổ chức nghiên cứu chính sách y tế, cứ 10 người Mỹ thì có khoảng 6 người gặp vấn đề với bảo hiểm y tế.
Trong khi đó, ngành bảo hiểm hiện chiếm gần 17% GDP và trở thành một thế lực hùng mạnh tại Mỹ.
Nói một cách đơn giản hơn, trong khi tuổi thọ trung bình của người Mỹ không tăng thì các tập đoàn bảo hiểm lại phát triển không ngừng, tạo nên một sự phẫn nộ trong cộng đồng người dân.
Kể từ năm 2010 khi Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng (ACA) được ký thành luật, UnitedHealth Group đã chuyển mình từ một công ty bảo hiểm trị giá 87 tỷ USD, lớn thứ 21 toàn quốc thành một gã khổng lồ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tích hợp theo chiều dọc, gần như cung cấp đầy đủ dịch vụ trong ngành bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe.
Ngoài hoạt động kinh doanh bảo hiểm lớn, UnitedHealth Group còn sở hữu một công ty quản lý phúc lợi dược phẩm (PBM), các phòng khám phẫu thuật, hãng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà và một nhóm 1,3 triệu nhân viên y tế lớn nhất cả nước.
Với doanh thu 372 tỷ USD, UnitedHealth Group đã trở thành tập đoàn lớn thứ 4 của Mỹ và là hãng lớn thứ 8 trên toàn cầu.
Đặc biệt bộ phận UHC do CEO Thompson lãnh đạo chuyên kinh doanh bảo hiểm là nguồn thu lớn nhất của UnitedHealth Group. Với doanh thu 281 tỷ USD, UHC sẽ là công ty lớn thứ chín của Hoa Kỳ nếu là một công ty độc lập.
Làm giàu từ máu và nước mắt
Kể từ năm 2010, UHC đã tăng số lượng người tham gia các chương trình bảo hiểm y tế của mình từ 32 triệu lên 53 triệu người thông qua các vụ sáp nhập.
Ngoài ra, công ty cũng hưởng lợi khi nằm trong các chương trình do chính phủ tài trợ như Medicare Advantage.
Ngay khi lên nhậm chức, CEO Thompson đã giúp lợi nhuận của UHC tăng từ 12 tỷ USD năm 2021 lên 16 tỷ USD năm 2023. Bản thân thu nhập của CEO này cũng lên đến 10,2 triệu USD/năm.
Với tập đoàn mẹ, khoảng 40% doanh thu của UnitedHealth Group đến từ Trung tâm Dịch vụ Medicare và Medicaid vào năm 2023, tăng từ 27% so với 15 năm trước.
Trong năm 2023, tập đoàn UnitedHealth Group đã kiếm về 22 tỷ USD lợi nhuận, đứng thứ 12 tại Mỹ. Biên lợi nhuận của cả tập đoàn này lẫn công ty con UHC đều là 6%, cao hơn rất nhiều so với những đối thủ cùng ngành.
Dù con số này chẳng là gì so với biên lợi nhuận 30-40% của các hãng công nghệ như Meta, Microsoft và Alphabet nhưng bù lại với hàng chục triệu thành viên, UnitedHealth Group vẫn lãi đến hàng tỷ USD.
Tại Mỹ, những công ty bảo hiểm này sẽ thay mặt cho người sử dụng lao động, hoặc thậm chí là chính quyền tiểu bang và liên bang trong trường hợp của Medicare và Medicaid, để trả tiền cho người bệnh sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Những công ty bảo hiểm này sẽ thu phí thành viên và thanh toán các yêu cầu bồi thường y tế từ quỹ chung đó. Tuy nhiên quỹ này có giới hạn và phần lớn công việc của công ty bảo hiểm là quản lý chi phí và đây là lúc tranh cãi xuất hiện.
Một cuộc khảo sát của Hiệp hội Y khoa Mỹ (AMA) cho thấy 24% bác sĩ báo cáo rằng quy trình phê duyệt bảo hiểm trước rồi mới chữa trị đã dẫn đến nhiều "biến cố bất lợi" cho bệnh nhân trong quá trình chăm sóc.
Cuộc khảo sát năm 2023 của KFF cho thấy 16% số bệnh nhân gặp vấn đề với đơn xin phê duyệt bảo hiểm trước khi khám bệnh.
Trong số đó có đến 34% không nhận được dịch vụ chăm sóc được khuyến nghị, 32% gặp phải sự chậm trễ đáng kể và 26% cho biết sức khỏe của họ suy giảm do hậu quả của sự chậm trễ.
Tương tự, một cuộc khảo sát của Quỹ Thịnh vượng chung năm 2023 cho thấy 17% bệnh nhân bị công ty bảo hiểm từ chối điều trị y tế theo khuyến nghị của bác sĩ. Khoảng 60% bị chậm quá trình chăm sóc vì bảo hiểm và khoảng 50% cho biết sức khỏe của họ bị ảnh hưởng do sự chậm trễ này.
Một báo cáo gần đây của Thượng viện thậm chí cáo buộc các công ty "sử dụng phê duyệt trước để bảo vệ hàng tỷ USD lợi nhuận trong khi buộc những bệnh nhân dễ bị tổn thương phải đưa ra những lựa chọn bất khả thi".
Xin được nhắc rằng Mỹ chi trả nhiều gấp đôi cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe so với các quốc gia giàu có tương đương nhưng tuổi thọ trung bình lại thấp hơn gần 5 năm.
Nói một cách đơn giản, người dân không nhận được những gì xứng đáng với thứ họ đóng tiền.
*Nguồn: Fortune