Làm sếp cũng phải học: Cho nhân viên nghỉ việc thì dễ, khiến nhân viên nể phục chỉ người thông minh, khéo léo mới biết cách
Phong cách ra quyết định cá nhân có thể phù hợp với bản thân, nhưng với tổ chức thì không. Hãy cẩn thận khi áp dụng chúng với tổ chức của bạn. Phong cách đó có thể sẽ không phù hợp.
Người lãnh đạo linh hoạt và thông minh sẽ có cách xử lý đầy trí tuệ
Có nhiều tình huống trong thực tế đòi hỏi người lãnh đạo phải vận dụng sự nhanh nhạy, trí thông minh và vốn sống của mình để giải quyết. Chính vốn sống, sự nhanh nhạy và trí tuệ tạo nên phong cách ra quyết định cá nhân. Chẳng hạn, tình huống đưa ra dưới đây sẽ khiến bất cứ ai cũng dễ dàng thỏa hiệp.
Một nhân viên mới làm việc tại công ty của bạn. Anh ta là người có năng lực, có kinh nghiệm, nhưng lại có những suy nghĩ tiêu cực làm ảnh hưởng tới các nhân viên khác. Buổi sáng, anh ta đến công ty và nói: "Xin chào! Ngày hôm nay tệ nhỉ! Tắc đường, và nắng nóng quá. Thật không muốn làm việc chút nào!" hoặc "Này cậu, tôi thấy việc chúng ta đang làm ít có hiệu quả, bỏ quách đi cho xong!" hay "Tôi thấy mức lương họ đang trả cho chúng ta là quá thấp so với những gì chúng ta đang làm. Phải đòi tăng lương!".
Dĩ nhiên, đó là một nhân viên có vấn đề. Họ ảnh hưởng tới công ty theo một hướng hoàn toàn tiêu cực, kể cả khi họ vẫn hoàn thành tốt công việc của mình. Ở đây, nhà lãnh đạo sẽ phải chọn các phương án giải quyết: 1 – Giữ nhân viên đó lại và cải tạo anh ta. 2 - Cho nhân viên đó nghỉ việc. Một lãnh đạo lạc quan là khi người đó tin vào sự thay đổi của nhân viên, tin rằng anh ta vẫn có thể tiến bộ, và cần tìm cách trao đổi với nhân viên đó một cách thẳng thắn. Cách trao đổi khác nhau với cùng nội dung chính là thứ tạo nên phong cách của người lãnh đạo.
Vernice Givens, chủ sở hữu của một công ty về tiếp thị tại thành phố Kansas yêu cầu trợ lý của cô viết bản thảo đầu tiên của một cuốn sách nhỏ làm tài liệu của công ty. Sau khi hoàn thành bản thảo, nữ trợ lý kia có nhiệm vụ phải chuyển cho các đồng nghiệp khác trong nhóm để đánh giá, nhận xét, nhưng người phụ nữ đó đợi đến sát giờ mới viết bản nháp, khiến cho các đồng nghiệp khác phải cuống cuồng chạy cho kịp tiến độ các bước tiếp theo. Điều này kéo theo một chuỗi các sự kiện và ảnh hưởng đến nỗ lực ban đầu, đây không phải là lần đầu tiên. Vernice đã nhiều lần nhắc nhở nữ thư ký nọ về tầm quan trọng của việc đảm bảo tiến độ trong các nhiệm vụ phức tạp, nhưng cô ta quá tự tin, liên tục không để ý đến các nhiệm vụ lớn cho đến phút cuối. Điều đó cùng một số vấn đề khác khiến Vernice quyết định sa thải cô ta.
Joanne Sujansky, người sáng lập và Chủ tịch của Key Group, một tập đoàn tư vấn tại Pittsburg nói rằng:
"Nếu nhân viên không cải thiện sau khi bạn đã được huấn luyện hoặc giao cho họ những dự án hợp lý, bạn cần phải xem xét việc loại những người đó khỏi nhóm hoặc thậm chí là sa thải." (Trích: 151 ý tưởng nhanh của nhà lãnh đạo thông minh – Robert E. Dittmer và Stephanie McFarland))
Theo Sujansky, nếu bạn giữ họ lại quá lâu, sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tinh thần đối với các thành viên khác trong nhóm, ảnh hưởng đến hiệu suất, tệ hơn là ảnh hưởng tới hình ảnh văn hóa công ty, đặc biệt là họ sẽ biến bạn thành một lãnh đạo thiếu quyết đoán. Bài học rút ra ở đây là: "Khi một nhân tố không tôn trọng các thành viên khác trong đội, tốt hơn hết là hãy để họ ra đi".
Có phải cứ là sếp, mọi quyết định đều đúng?
Chúng ta thường tự cho mình là đúng trong nhiều trường hợp, nhưng trong quản lý nhân sự, chỉ cần một hành động sai lầm, mọi hình ảnh tốt bạn gây dựng sẽ mất đi nhanh chóng.
Có một nhân viên nọ hỏi vay của quản lý mấy nghìn USD. Người quản lý đồng ý nhưng với điều kiện, cứ hai tuần sẽ trừ vào lương 50 USD. Tuy nhiên chẳng bao lâu, ông ta mất kiên nhẫn với kiểu trả nợ nhỏ giọt này nên đã quyết định thu 600 USD cho mỗi lần trả nợ. Quá thất vọng, nhân viên nữ tìm đến nhà tư vấn tìm hiểu xem mức khấu trừ kia có hợp pháp không. Trên thực tế là không. Các nhà tuyển dụng phải yêu cầu nhân viên viết bản cam kết khấu trừ, trừ trường hợp khấu trừ các loại thuế.
Mặc dù ban đầu có ý tốt, nhưng vì tính nóng vội, người quản lí đã tự mất tỉnh táo và biến mình từ một "ngân hàng" đầy thân thiện thành một tên buôn tiền kiểu ăn cướp. Điều đó buộc nhân viên phải có những động thái đưa sự việc ra pháp luật. Cả hai người dường như đều quên mất câu ngạn ngữ: "Đừng vay và cũng đừng cho vay".
Như vậy, một bài học ta có thể dễ dàng rút ra ở đây là: "Việc cho vay tiền không nên nằm trong bất cứ điều khoản hay kế hoạch nào của doanh nghiệp." (Trích: 151 ý tưởng giải quyết những khó khăn về nhân sự - Carrie Mason-Draffen)
Bạn phải biết là bạn không biết gì cả
Là một nhà lãnh đạo, bạn phải đội nhiều chiếc mũ khác nhau, phù hợp với loại hình công việc khác nhau. Chẳng hạn, bên dưới chức danh "nhà lãnh đạo truyền cảm hứng", còn có chức danh "người bán hàng".
Nếu ai đó nói rằng bạn ngu ngốc, cá là bạn sẽ cảm thấy bị tổn thương hoặc sụp đổ, hoặc cô đơn, hoặc giận dữ. Điều đó phụ thuộc vào khuynh hướng cảm xúc. Tuy nhiên, nếu bạn nhìn nhận theo một góc độ khác, bạn sẽ thấy, không biết gì nghĩa là bạn bắt đầu học hỏi. Làm nhiều công việc một lúc đòi hỏi bạn cần học nhiều thứ, cho đến khi bạn thành thạo và sành sỏi.
Ngay cả việc quan tâm tới nhân viên cũng vậy. Khi một đám cháy lớn phá hủy hầu hết công ty chế tạo cối xay gió Malden ở Massachusetts. 3000 nhân viên của công ty này đinh ninh rằng mình sẽ mất việc. Tổng giám đốc của họ đã khiến họ bất ngờ khi giữ lại toàn bộ nhân viên và tiếp tục trả lương cho họ trong nhiều tháng tiếp theo. Công ty được khôi phục và hoạt động bình thường trở lại. Ông nói:
"Sự khác biệt giữa tôi và các tổng giám đốc khác là: tôi coi người lao động là tài sản, không phải chi phí." (Trích: 151 ý tưởng truyền cảm hứng cho nhân viên - Jerry R. Wilson)
Nhiều lãnh đạo vẫn luôn nói rằng coi trọng nhân viên, nhưng đến khi có sự cố xảy ra, việc đầu tiên họ nghĩ đến là cho nhân viên nghỉ việc. Nói thường dễ hơn làm. Điều này tạo ra sự khác biệt giữa các lãnh đạo vừa có tâm, vừa có tầm. Nếu muốn chứng minh sự quan tâm với nhân viên, hãy hành động, họ không biết bạn quan tâm họ cho đến khi họ biết bạn quan tâm đến mức nào. Tạo ra lòng biết ơn và nể phục từ những hành động và việc làm cụ thể sẽ làm mối liên kết giữa lãnh đạo và nhân viên trở nên bền chặt hơn.
Là một người lãnh đạo, để duy trì và đưa doanh nghiệp phát triển, không chỉ có trí thông minh, bạn cần khéo léo và quyết đoán. Để trở thành một người lãnh đạo mẫu mực mà nhân viên nể phục, đồng thời, có uy tín và sự thân thiện trong mắt của các nhân viên, tạo cảm hứng, tạo niềm tin và làm việc hiệu quả, chúng ta đều phải rèn luyện rất nhiều.
*Nội dung bài viết trích trong bộ sách: "151 ý tưởng cho nhà lãnh đạo" do An Phước books phối hợp cùng NXB Phụ Nữ ấn hành.