Làm được điều này, ngành du lịch có thể mang về cho Việt Nam 35 tỷ USD

13/07/2017 13:46 PM | Kinh tế vĩ mô

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, tổng giám đốc công ty du lịch Vietravel cho rằng: Độ mở của chính sách sẽ giúp du lịch có thể mang về cho Việt Nam 35 tỷ USD cùng rất nhiều việc để làm.

Để đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm, nhiệm vụ được giao cho những ngành có thế mạnh trong nền kinh tế như du lịch. Năm 2016, ngành như du lịch đang đóng góp 6,6% GDP cả nước, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp đến 2,25 triệu người, giá trị xuất khẩu đến 8,5 tỷ USD.

Mới đây số liệu 6 tháng đầu năm cho thấy ngành du lịch lại tiếp tục thăng hoa khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2016.

Đông Bắc Á vẫn là thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam, chiếm gần 60% tổng số khách quốc tế, dẫn đầu là Hàn Quốc, Nhật Bản, rồi đến Đài Loan (Trung Quốc). Ngành du lịch được giao mục tiêu phấn đấu đóng góp 10% vào GDP cả nước.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ngành du lịch đã được ban hành nhiều quyết sách hỗ trợ phát triển như: Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Luật du lịch sửa đổi được thông qua, Nghị định về áp dụng visa điện tử, Gia hạn miễn visa cho 5 nước Tây Âu (cụ thể là từ 1/7, công dân Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy sẽ được miễn thị thực với thời hạn tạm trú ở Việt Nam không quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh).

Tuy nhiên, việc miễn thị thực cho khách du lịch của nhiều nước vẫn là vấn đề được nhiều doanh nghiệp kiến nghị xem xét. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, tổng giám đốc công ty du lịch Vietravel cho rằng: "Chính sách của Chính phủ cần có độ mở, trong đó có visa và xúc tiến du lịch và chính sách về kinh tế nhằm kiến tạo, tạo ra một môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và môi trường xã hội".

Theo vị này, độ mở của chính sách sẽ giúp du lịch có thể mang về cho Việt Nam 35 tỷ USD cùng rất nhiều việc để làm. Ngành du lịch xứng đáng để Chính phủ đầu tư ngân sách trong việc nghiên cứu quốc tế, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam và chính sách visa.

Ông Kỳ cho biết thêm, “Nhật Bản năm 2011 có tốc độ xuất phát điểm như Việt Nam là 6,5 triệu lượt khách nhưng tới năm 2015 đã là 9,5 triệu còn chúng ta mới là 7,5 triệu. Như vậy để thấy tốc độ chúng ta phát triển chậm hơn so với Nhật”. Để làm nên thành công này Nhật Bản đã mở rộng về chính sách visa.

Riêng về môi trường kinh doanh, ông Kỳ cho rằng chúng ta đang quá chú trọng đảm bảo an ninh. Ông Kỳ nhấn mạnh, an toàn là cần thiết nhưng cần có độ mở nhất định để cho doanh nghiệp du lịch phát triển. Dịch vụ du lịch chúng ta thu trong giờ là chủ yếu, còn ngoài giờ, các hoạt động về đêm thì ít.

Đồng quan điểm với ông Kỳ, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Minh Group cũng chia sẻ câu chuyện về chuyến đi công tác Thái Lan từng gặp. Tại đây, ông gặp một đoàn khách 16 thanh niên của New Zealand ở sân bay Thái Lan với tình huống trớ trêu.

Do không tìm hiểu kỹ, đoàn khách này nghĩ Việt Nam được miễn visa nên đã bay sang Việt Nam nhưng đành quay về Thái Lan. Điều này để lại ấn tượng không được đẹp để kéo họ trở lại.

Thái Lan được xem là nước có độ mở lớn về visa. Hiện quốc gia này miễn thị thực cho 53 nước trên thế giới với độ dài lưu trú từ 14-90 ngày. Hay như ngày 12/7, chính phủ Thái Lan ra thông báo về quy chế mới đối với khách du lịch thuộc nhóm CLMV (Campuchia - Lào - Myanmar - VN), cho phép lưu trú lâu hơn trên lãnh thổ nước này nếu kết hợp với chữa bệnh lên đến 90 ngày thay vì 30 ngày như trước đây.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu ví dụ, một gia đình khách quốc tế rất yêu mến VN, nhưng sau khi cân nhắc họ đã chọn đến Thái Lan du lịch, bởi vì chi phí thị thực ở VN quá cao.

Đến nay Việt Nam miễn thị thực cho 22 nước và vùng lãnh thổ, trong khi nhiều nước Đông Nam Á đã miễn thị thực cho công dân từ 60 đến gần 160 nước và vùng lãnh thổ.

Theo ông Kiên, cần đặt ra câu hỏi nếu Việt Nam miễn thị thực tiếp cho 20 nước thì có những vấn đề gì? Hoặc nếu nâng mức miễn visa cho 30 ngày và sau đó du khách được quay lại thoải mái thì tác động của nó như thế nào với nền kinh tế? Khi có những nội dung ấy thì các doanh nghiệp cần làm gì? Để du lịch phát huy hết tiềm năng phát triển, visa là một trong các vấn đề cần ưu tiên.

TN

Cùng chuyên mục
XEM