Mục tiêu 35 tỷ USD và tâm tư doanh nghiệp du lịch trước ngày gặp Thủ tướng

05/07/2017 09:14 AM | Xã hội

Nghị quyết của Bộ Chính trị đã nêu mục tiêu 35 tỷ USD doanh thu cho du lịch Việt Nam sau 4 năm nữa...

Luật Du lịch (sửa đổi) đã được đa số đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua trong kỳ họp mới đây.

Nhiều người ví von, cái bấm nút này trị giá lên tới 35 tỷ USD, bởi bộ luật sửa đổi này được cho là nhằm hiện thực hoá Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển ngành du lịch đến năm 2035.

Theo đó, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn , tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết nêu mục tiêu đến 2020, Việt Nam sẽ thu hút được 17 - 20 triệu khách quốc tế, 82 triệu khách nội địa, đóng góp 10% GDP, tổng doanh thu từ du lịch đạt 35 tỷ USD.

Còn đến năm 2030, mục tiêu của Việt Nam là sẽ trở thành một trong những quốc gia du lịch hàng đầu của khu vực Đông Nam Á.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF), dự kiến diễn ra cuối tháng 7, sẽ có phiên đối thoại giữa doanh nghiệp và Thủ tướng về các ngành mũi nhọn gồm du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và thế giới số.

Đại diện cho nhóm công tác về du lịch, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh kể, vừa qua khi doanh nghiệp ông ký kết một hợp đồng về du lịch, đối tác nói, Việt Nam có tiềm năng du lịch rất lớn nhưng khai thác lại chưa tốt, một phần do các vấn đề về quảng bá du lịch chưa rõ ràng.

“Vừa rồi tôi đi công tác Thái Lan, có gặp một đoàn khách 16 người của New Zealand đến Việt Nam nhưng đã phải quay về do không tìm hiểu kỹ. Họ cứ nghĩ vào Việt Nam được miễn visa, nên dù đã bay sang Việt Nam nhưng lại đành phải quay về Thái Lan. Dù có tiếp tục trở lại Việt Nam hay không, họ cũng đã có một ấn tượng không được đẹp”, ông Kiên kể.

Cho rằng thị thực là vấn đề quan trọng trong phát triển du lịch, ông Kiên nói, để tháo bỏ rào cản này, đã có ý tưởng miễn visa 30 ngày. Tuy nhiên, để thực hiện được cần phải lên phương án làm rõ nhiều vấn đề trước khi trình lên Thủ tướng, như nếu Việt Nam miễn thị thực tiếp cho 20 nước thì có những vấn đề gì? Hoặc nếu nâng mức miễn visa 30 ngày và sau đó du khách được quay lại thoải mái thì tác động của nó như thế nào với nền kinh tế? Khi có những nội dung ấy thì các doanh nghiệp cần làm gì?

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vietravel nói, nhiều khách hàng hiện đã quen những ứng dụng trực tuyến tiên tiến trong lĩnh vực du lịch, du khách không cần đến các hãng lữ hành truyền thống vẫn có thể đăng ký các dịch vụ rất tiện lợi trên Internet…

Nhưng, ông cũng lo lắng: “Liệu rằng các hãng lữ hành truyền thống có gặp khó khăn giống như cách mà Uber, Grab đang làm với các hãng taxi truyền thống?”.

Người đứng đầu Vietravel còn nhận xét, để đạt mục tiêu doanh thu du lịch 35 tỷ USD, cần có những động lực đủ lớn cho sự thay đổi. Như các vấn đề lập cơ quan đại diện du lịch ở nước ngoài, lập lực lượng thanh tra du lịch,...

Ngoài ra, ông Kỳ còn kiến nghị Chính phủ cần có quy hoạch thị trường du lịch trong điểm để phù hợp với từng phân khúc thị trường. Chẳng hạn, có quy hoạch cho nhóm khách chi tiêu cao tại Phú Quốc, Côn Đảo…, kèm theo đó là đường bay, cơ sở hạ tầng, có ưu đãi cho khách chi tiêu cao...

Còn theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch, chúng ta đã chọn các thị trường tập trung để thu hút khách quốc tế có chi trả cao khi tới Việt Nam, đó là thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, Bắc Á, Đông Nam Á, Trung Quốc, Úc, New Zealand...

“Vậy khâu quảng bá sẽ phải đi theo mục tiêu này, chính sách visa, thị thực cũng sẽ tập trung cho thị trường này, hướng tới nhóm khách mục tiêu”, ông Chính nói.

Năm 2016, số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng kỷ lục, khi đạt 10,01 triệu lượt khách, tăng 26% so với năm trước. Khách du lịch nội địa đạt 62 triệu lượt người, tăng 5,3 lần so với năm 2001. Tổng doanh thu ngành du lịch năm 2016 đạt 400.000 tỷ đồng, tức đã gần 20 tỷ USD, chiếm 6,8% GDP.

Theo Bạch Dương

Cùng chuyên mục
XEM