Lãi kỷ lục năm 2016, nhưng Hoà Bình đang ngày càng bị Coteccons bỏ xa
Cách làm không khác biệt, hiệu quả kinh doanh cũng không bằng, có lẽ ngày địa ốc Hòa Bình vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường xây dựng của Coteccons vẫn còn khá xa...
Hưởng lợi từ sự khởi sắc của thị trường bất động sản năm 2016, các nhà thầu xây dựng đồng loạt có một năm thành công rực rỡ, một trong những cái tên nổi bật là địa ốc Hoà Bình.
So với các năm trước, địa ốc Hoà Bình đạt doanh thu cao gấp 2-3 lần và lợi nhuận cao gấp 6-7 lần, đều là những con số kỷ lục từ trước tới nay. Tuy nhiên...
Khoảng cách với Coteccons ngày càng bị nới rộng
Ăn nên làm ra là thế, nhưng nếu so sánh với nhà thầu lớn nhất trên thị trường hiện nay là Coteccons, Hoà Bình lại càng ngày càng bị bỏ xa.
Trong năm 2016, doanh thu của Hoà Bình tăng trưởng 5.000 tỷ, thì Coteccons tăng trưởng hơn 7.000 tỷ. Hoà Bình vượt cột mốc 10.000 tỷ doanh thu thì Coteccons cũng có một cột mốc mới, đạt trên 20.000 tỷ.
Về lợi nhuận, lãi trước thuế của Hoà Bình năm nay tăng gần 600 tỷ so với năm 2015, nhưng nếu nhìn sang ông lớn Coteccons, lợi nhuận tại đây tăng tới hơn 800 tỷ đồng. Dù kết quả kinh doanh cải thiện rất lớn nhưng lợi nhuận của Hoà Bình chưa bằng một nửa so với Coteccons.
Hoà Bình bị Coteccons bỏ xa, và đang nỗ lực vươn lên bằng cách theo đuổi dự án lớn lấy uy tín và áp dụng mô hình Design & Build.
Hướng đi nào để thu hẹp khoảng cách?
Một trong những vấn đề khiến Hoà Bình phải đau đầu nhất trong những năm gần đây chính là việc nợ đọng vốn mà các dự án lớn để lại. Ví dụ điển hình là siêu dự án gây lỗ khủng Vietinbank Tower. Đây là dự án siêu cao tầng được Hoà Bình trúng thầu từ năm 2013, là khu phức hợp quy mô rất lớn với diện tích xây dựng hơn 40.000m2, bao gồm 2 tầng hầm, khối đế 9 tầng, tháp khách sạn cao cấp 48 tầng và tháp văn phòng 68 tầng.
Khi đó, họ rất tự tin vì đã từng làm thầu phụ và cũng đổ chân móng cho toà tháp cao nhất Việt Nam Keangnam Tower với đế bê tông dày 4m. Tuy nhiên, với Vietinbank Tower, khối bê tông ở đế dày tới 7m, rộng gần 4.000m2 và khi đề xuất phương án đổ bê tông chia nhiều lớp, "3 lần đổ" bị từ chối, Hoà Bình đã gặp rắc rối. Phải tìm ra kỹ thuật mới, thời gian thi công kéo dài là nguyên nhân chính khiến Hoà Bình lỗ nặng từ Vietinbank Tower trong năm 2015, số lỗ lên tới khoảng 125 tỷ đồng.
Được khởi công cách đây 6 năm với tổng số vốn đầu tư lên tới 8000 tỷ đồng, nhưng hiện tại, dự án VietinBank Tower vẫn là một công trường xây dựng dang dở.
Trên báo cáo tài chính, khoản phải thu của Hoà Bình là một điểm đáng lưu ý. Tuy doanh thu chỉ bằng một nửa Coteccons nhưng các khoản phải thu ngắn hạn của Hoà Bình lên tới gần 6.700 tỷ đồng, trong khi con số này ở Coteccons chỉ 3.500 tỷ. Vốn bị chiếm dụng, doanh nghiệp sẽ phải đi vay ngân hàng và giảm hiệu quả hoạt động.
Nhìn sang Coteccons, doanh nghiệp này với uy tín, phong cách làm việc chuyên nghiệp và năng lực thi công đầu ngành đã gây dựng được mối quan hệ tốt với nhiều đối tác lớn như Vingroup, Tân Hoàng Minh, Phát Đạt, Regina. Chính vì vậy, chỉ có tham gia những dự án lớn, Hoà Bình mới nhận được sự tín nhiệm từ những chủ đầu tư bất động sản lớn trên thị trường và mới có thể bám đuổi được Coteccons. Thực tế, năm 2015, Sungroup hay Novaland đều đã giao các dự án cho Hoà Bình và sang năm 2016, Hoà Bình tiếp tục trúng thầu nhiều dự án lớn.
Ngoài ra, Hoà Bình cũng bắt đầu theo đuổi mô hình Design & Build (D&B) đã được Coteccons áp dụng trước đó. Từ năm 2013, Coteccons đã triển khai các dự án D&B, phương pháp "cuốn chiếu", vừa thiết kế, vừa thi công nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho chủ đầu tư. Sau khi áp dụng D&B, biên lợi nhuận của Coteccons cải thiện đáng kể.
Hoà Bình cũng bắt đầu triển khai các dự án với mô hình D&B từ năm 2015, và ngay trong năm 2016 biên lợi nhuận gộp của Hoà Bình cũng tăng cao, từ 5,8% lên 11,4%.
Tuy nhiên, thành công của Coteccons không chỉ đến từ uy tín hay mô hình D&B, mà còn xuất phát từ nguồn lực tài chính lành mạnh. Coteccons có phương châm không vay nợ ngân hàng, nên nợ phải trả chỉ chiếm 47% tổng nguồn vốn, còn lại 53% là vốn chủ sở hữu. Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Coteccons từng cho biết, ông không dùng nợ vay vì không muốn làm việc không công cho các ngân hàng.
Trong khi đó, tại Hoà Bình, nợ phải trả của công ty chiếm tới gần 84%, còn vốn chủ sở hữu chỉ 16%. Tính đến cuối năm 2016, vay ngắn hạn tại Hoà Bình là 2.618 tỷ, vay nợ dài hạn hơn 500 tỷ. Về mặt này, Hoà Bình sẽ rất khó để có thể "bắt chước" Coteccons.
Và có lẽ, phải làm rất nhiều điều và phải rất lâu nữa Hoà Bình mới có thể vươn lên vị trí số 1 trong ngành mà Coteccons đang nắm giữ.