img

Khi Công ty xây dựng và địa ốc Hòa Bình vẫn trong tình trạng làm không hết việc, tăng trưởng rất tốt, ông Lê Viết Hải đã tính chuyện ra nước ngoài. CEO này chia sẻ: "Chỉ thị trường toàn cầu mới đảm bảo cho Hòa Bình tăng trưởng ổn định lâu dài".

Chủ tịch HĐQT Hòa Bình (HBC): Khi địa ốc đã qua thời bùng nổ mới tính chuyện đi nước ngoài thì đã muộn rồi - Ảnh 1.

Buổi chiều hẹn gặp chúng tôi ở Hà Nội, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) mới tham dự cuộc họp tổng kết ngành vào buổi sáng. Bài tham luận mà ông phát biểu trước lãnh đạo Chính phủ và Bộ Xây dựng hôm đó là lời kêu gọi các công ty trong nước cùng tiến ra thế giới với HBC.

Trong phần phát biểu của mình, ông Hải khẳng định ngành Xây dựng Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt ở thị trường nước ngoài nếu có một chiến lược phù hợp. Chủ tịch HBC đề xuất xác định "xây dựng là ngành mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia" và kêu gọi các doanh nghiệp xây dựng khác cùng tiến ra nước ngoài.


Chủ tịch HĐQT Hòa Bình (HBC): Khi địa ốc đã qua thời bùng nổ mới tính chuyện đi nước ngoài thì đã muộn rồi - Ảnh 2.

Theo số liệu của Global Built Asset  Performance Index 2016, giá trị sản lượng thị trường xây dựng của 36 quốc gia nằm trong bảng xếp hạng có cơ hội đầu tư phát triển xây dựng lên đến 11.200 tỷ USD. Dẫn dữ liệu quốc tế, ông Hải nhận xét, chỉ cần chiếm 1% thị trường này đã gấp hơn 2 lần tổng giá trị sản lượng xây dựng của Việt Nam năm 2016 (khoảng 48 tỷ USD).

Chủ tịch HĐQT Hòa Bình (HBC): Khi địa ốc đã qua thời bùng nổ mới tính chuyện đi nước ngoài thì đã muộn rồi - Ảnh 3.

Tuy nhiên, Chủ tịch HBC chia sẻ: "Để chiến lược quốc tế hóa ngành xây dựng Việt Nam thành công, chúng ta cần phải có một tư duy đột phá để có thể đưa đến một cuộc cách mạng thực sự về năng suất cho ngành xây dựng, một ngành có tiến bộ chậm nhất về năng suất theo đánh giá của những tổ chức quốc tế. Nhưng cũng vì thế, đây là cơ hội quý báu cho chúng ta". 

Trên cương vị Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, ông Lê Viết Hải đề xuất biến Việt Nam thành một quốc gia chuyên sản xuất nhà ở lắp ghép để xuất khẩu ra toàn cầu "theo công nghệ mới do mình tự nghiên cứu". Chủ tịch HBC thừa nhận ông cũng như công ty của mình chưa có kinh nghiệm ở mảng này nhưng "Nhật đã rất thành công khi từ gần như số không trở thành một nước sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới; Thụy Điển cũng có thành công tương tự với mặt hàng đồ gỗ".

Do vậy, ông Hải cho rằng, người Việt Nam có thể làm được nếu biết học hỏi, kế thừa những thành tựu, tinh hoa của thế giới trong lĩnh vực này. Và một lý do khác nữa là, sản xuất nhà ở lắp ghép sẽ giúp Việt Nam khai thác hiệu quả nhất nguồn lực trong nước phục vụ cho xuất khẩu nhà ở.

Ông Lê Viết Hải cũng kêu gọi Chính phủ, Bộ Xây dựng và các doanh nghiệp trong ngành cần "thúc đẩy tư duy toàn cầu", và "xem việc chiếm lĩnh thị trường thế giới là mục tiêu của mình".

Chủ tịch HĐQT Hòa Bình (HBC): Khi địa ốc đã qua thời bùng nổ mới tính chuyện đi nước ngoài thì đã muộn rồi - Ảnh 4.

Trước khi trở thành công ty xây dựng Việt Nam đầu tiên làm tổng thầu của một công trình siêu cao tầng ở Việt Nam (Vietinbank Tower), HBC từng là đơn vị đầu tiên trong ngành tiến ra nước ngoài với triết lý của vị Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải: "Đã đi nước ngoài thì chỉ làm công trình lớn, không làm nhỏ".

Đến nay đã bước sang năm thứ 5 HBC thực hiện "cuộc trường chinh toàn cầu hóa" nhưng doanh thu và lợi nhuận đem lại chủ yếu vẫn là thị trường trong nước. Tuy nhiên, ông Hải chia sẻ, đi toàn cầu hóa không chỉ để kiếm lợi nhuận mà để nâng cao năng lực, trình độ cạnh tranh, đảm bảo luôn theo kịp thế giới. "Cứ mãi xây các công trình ở trong nước thì không thể vỗ ngực nói mình có đẳng cấp quốc tế được", ông Hải nhận xét.

Cái mà vị CEO này tâm đắc nhất và quyết tâm ra nước ngoài từ rất sớm khi mà công việc ở trong nước làm không hết và vẫn ngổn ngang là: "Mình sẽ có nhiều chuyên gia xây dựng quốc tế thực sự, trình độ của công ty nói chung sẽ nâng lên một bậc, khác biệt thật sự và mở ra những cơ hội rất lớn trong tương lai".

Chủ tịch HĐQT Hòa Bình (HBC): Khi địa ốc đã qua thời bùng nổ mới tính chuyện đi nước ngoài thì đã muộn rồi - Ảnh 5.

Thực tế, khi mới bắt đầu làm xây dựng, ông Hải và HBC đã tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhiều đối tác nước ngoài lớn để làm thầu phụ, học hỏi kinh nghiệm từ họ để chờ cơ hội tham gia dự án có thể nâng tầm công ty của mình.

Khi trở thành công ty Việt Nam đầu tiên làm tổng thầu công trình siêu cao tầng (Vietinbank Tower), giá HBC thắng thấp hơn so với nhà thầu nước ngoài lẽ ra trúng trước đó hơn 100 triệu USD. Khi nhận công trình này, ông Hải nói với chúng tôi: "Nếu cứ làm mãi các công trình bình thường, quen làm thì Hòa Bình sẽ không lớn lên một tầm cao mới được. Phải ráng sức làm những công trình thật khó, kỹ thuật thật cao thì sau này mới có cái thứ 2, thứ 3 như vậy".

Nhờ làm tổng thầu của Vietinbank Tower, HBC cũng trở thành công ty xây dựng Việt Nam đầu tiên thực hiện thành công đổ bê tông khối lớn dày tới 7m. Đây là một kỹ thuật xây dựng công nghệ cao mà chưa một công ty trong nước nào làm được. Cũng nhờ gắng sức làm tổng thầu dự án siêu cao tầng mà HBC đã tìm ra phương án nội địa hoá một loại vật liệu mới để giảm giá thành (bê tông cốt sợi thủy tinh) với phương án hợp tác với một đơn vị tại Việt Nam đã có kinh nghiệm sản xuất.

Chủ tịch HĐQT Hòa Bình (HBC): Khi địa ốc đã qua thời bùng nổ mới tính chuyện đi nước ngoài thì đã muộn rồi - Ảnh 6.

Trước đó, HBC từng làm thầu phụ và cũng đổ chân móng cho tòa tháp cao nhất Việt Nam Keangnam Tower với đế bê tông dày 4m. Tuy nhiên, với Vietinbank Tower, khối bê tông ở đế dày tới 7m, rộng gần 4.000 m2 và khi đề xuất của ông Hải với phương án đổ bê tông chia nhiều lớp, "3 lần đổ" bị từ chối, HBC gặp rắc rối. Phải tìm ra kỹ thuật mới, thời gian thi công kéo dài là nguyên nhân chính khiến HBC lỗ nặng từ công trình Vietinbank Tower trong năm 2015.

Tuy nhiên, với ông Hải, những thiệt hại về tài chính ở siêu dự án Vietinbank Tower và những khó khăn khi đi ra nước ngoài đem lại bài học quý giá để đưa HBC lên một vị thế mới. Đây là bàn đạp quan trọng để ông Hải cùng các cộng sự của mình có những kết quả đột phá trong năm tiếp theo. "Sở hữu những chuyên gia có trình độ quốc tế thực sự, khả năng quản lý những siêu dự án, nắm vững công nghệ mới… là những giá trị chúng tôi thu được", Chủ tịch HĐQT HBC tâm sự.

Chủ tịch HĐQT Hòa Bình (HBC): Khi địa ốc đã qua thời bùng nổ mới tính chuyện đi nước ngoài thì đã muộn rồi - Ảnh 7.

Năm 2016 là tròn 10 năm HBC được niêm yết trên sàn chứng khoán. Trải qua nhiều thăng trầm, vốn điều lệ công ty tăng từ 56 tỷ đồng lên 944 tỷ đồng (tăng gần 17 lần). Doanh thu và lợi nhuận, giá cổ phiếu của HBC cũng đạt mức kỷ lục trong lịch sử của công ty. Đây có thể coi như một bước nhảy ngoạn mục khi mà năm 2015,  HBC vẫn còn cực kỳ vất vả với những dự án ở nước ngoài, siêu dự án gây lỗ lớn Vietinbank Tower…

Bên cạnh kết quả kinh doanh khả quan, việc HBC thắng và trở thành tổng thầu của siêu dự án Tổ hợp giải trí Cocobay (Đà Nẵng) là một mốc son mới với ông Lê Viết Hải. Sau kinh nghiệm xương máu với Vietinbank Tower, Chủ tịch HĐQT HBC cho rằng, mình sẽ không mắc phải sai lầm như vậy lần thứ 2. "Đó sẽ là một dự án đem lại những con số tốt cho kết quả kinh doanh cuối năm tới", ông Hải nhận xét. Theo con số mới được HBC công bố, tổng giá trị công trình trúng thầu của công ty này riêng trong năm 2016 lên tới 17.000 tỷ đồng. Lũy kế đến 31/12/2016 giá trị công trình đang thi công là 26.000 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT Hòa Bình (HBC): Khi địa ốc đã qua thời bùng nổ mới tính chuyện đi nước ngoài thì đã muộn rồi - Ảnh 8.

Chia sẻ về kết quả đạt được, ông Hải nói đơn giản: "Không có bất cứ điều gì tốt đẹp mà đến một cách dễ dàng". Vị chủ tịch HBC bổ sung thêm, hiện tại, thị trường xây dựng trong nước đang thuận lợi nhưng cần phải chuẩn bị cho thời điểm "giáp hạt" mà thị trường quốc tế là hướng đi đúng.

Chủ tịch của công ty xây dựng có kinh nghiệm quốc tế nhiều nhất tại Việt Nam chia sẻ: "Nhu cầu xây dựng trong nước rồi cũng đến lúc bão hoà khi cơ sở hạ tầng về cơ bản được xây xong. Khi đã qua thời bùng nổ mà các công ty mới tính chuyện đi nước ngoài thì đã muộn". Ví dụ điển hình đã diễn ra tại Hàn Quốc khi những doanh nghiệp xây dựng chỉ quanh quẩn ở trong nước lúc thị trường xây dựng bùng phát mà không chuẩn bị cho các cơ hội quốc tế. "Hàng loạt công ty xây dựng phá sản, rất nhiều công nhân lâm vào cảnh thất nghiệp… là những bài học nhãn tiền khi không tìm trước các cơ hộ ở nước ngoài", ông Hải cho biết.

Chủ tịch HĐQT Hòa Bình (HBC): Khi địa ốc đã qua thời bùng nổ mới tính chuyện đi nước ngoài thì đã muộn rồi - Ảnh 9.

Riêng với ông Lê Viết Hải, những kinh nghiệm từ thị trường nước ngoài là cơ sở để HBC nâng vị thế của mình và điều này cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc thắng, trở thành tổng thầu của các siêu dự án tại Việt Nam. "Khi làm việc, cọ xát nhiều với các chuyên gia quốc tế, người của HBC có cơ hội học được những kinh nghiệm hay mà họ không thể có nếu cứ quanh quẩn trong nước. Và tôi mong muốn HBC không chỉ làm tổng thầu các dự án lớn ở Việt Nam mà cả ở nước ngoài nữa", ông Hải tâm sự.

"HBC đã làm hàng chục công trình lớn ở Việt Nam với chất lượng quốc tế rồi nên việc trở thành tổng thầu một dự án tương tự ở nước ngoài chỉ là vấn đề thời gian và cần tích luỹ thêm kinh nghiệm mà thôi. Hiện nay, chúng tôi đã thấy những cơ hội tốt rồi", Chủ tịch HĐQT HBC tiết lộ.

Hiện tại, công ty này chủ yếu là tư vấn dự án và quản lý xây dựng cho các dự án lớn tại Malaysia, Myanmar, đồng thời đang tìm kiếm các cơ hội với các nhà thầu lớn của Mỹ, Nhật, châu Âu.

Chủ tịch HĐQT Hòa Bình (HBC): Khi địa ốc đã qua thời bùng nổ mới tính chuyện đi nước ngoài thì đã muộn rồi - Ảnh 10.

Vào đầu giờ sáng thứ 2 hàng tuần, nhân viên của HBC thường thực hiện lễ chào cờ trước khi làm việc. Lễ chào cờ diễn ra khá nghiêm túc với bài Quốc ca và sau đó là Hoà Bình ca (bài hát của công ty do ông Lê Viết Hải sáng tác). Vị chủ tịch mê ca hát và thích sáng tác nhạc này chia sẻ, ông tin rằng việc thực hiện nghi lễ chào cờ mỗi sáng thứ 2 là một điều linh thiêng. Điều đó có thể giúp nhân viên của HBC hun đúc thêm tinh thần yêu nước, tăng cường tính kỷ luật trong công việc và yêu công ty mình làm việc hơn.

Sau nghi lễ chào cờ là phổ biến một số thông điệp, quy định mới của công ty (nếu có). Toàn bộ các công việc nói trên diễn ra trong khoảng 10 phút.

Chủ tịch HĐQT Hòa Bình (HBC): Khi địa ốc đã qua thời bùng nổ mới tính chuyện đi nước ngoài thì đã muộn rồi - Ảnh 11.

Không giống như các vị chủ tịch hoặc tổng giám đốc các công ty xây dựng khác, ông Nguyễn Viết Hải nói năng rất nhẹ nhàng. Vị lãnh đạo của một trong những công ty xây dựng lớn, thành công và bận rộn nhất Việt Nam dường như không bao giờ vội khi nói chuyện. Ông luôn nói từ tốn, cực kỳ chậm rãi để người nghe không thể hiểu sai. Nhân viên cũng như bạn bè, đối tác gần như không thấy ông Hải cáu giận bao giờ.

Chủ tịch HBC cho biết, điều đó một phần do tính cách vùng miền (ông Hải người Huế), một phần do truyền thống gia đình và ảnh hưởng từ bố mẹ. "Từ nhỏ tôi đã được dạy giáo lý của Nhà Phật (bố ông Hải là cố nhà giáo Lê Mộng Đào, Hiệu trưởng đầu tiên của hệ thống trường Bồ Đề - Thừa Thiên Huế) nên luôn tự nhắc nhở về Tham Sân Si. Trong gia đình thì bố mẹ cũng không hay quát mắng hay cáu giận. Có lẽ vì thế mà tôi luôn cân bằng, ít bực tức", ông Hải tâm sự.


Hoàng Ly – Minh Châu
Kiên Trần
7pm
Theo Trí Thức Trẻ

Trí Thức Trẻ