Lá chanh đi Tây thu triệu USD, tía tô sang Nhật đếm tiền tỷ
Ở Việt Nam, chỉ cần mất 1.000 hay 2.000 đồng để mua, thậm chí xin không cũng được cả rổ lá chanh, lá tía tô hay lá trầu không vì chúng rất nhiều và rẻ. Thế nhưng, chỉ cần thay đổi quy trình trồng rồi đem xuất khẩu mà doanh nghiệp có thể thu về triệu đô.
Theo các chuyên gia trong ngành, dù đây là thị trường ngách nhưng nếu có cách đi đúng hướng, cách làm bài bản thì cực kỳ tiềm năng.
Những lá rau cho tiền triệu
Những năm gần đây, các loại nông sản chủ lực của Việt Nam thường xuyên gặp khó trong vấn đề tiêu thụ, cả trong nước lẫn thị trường quốc tế. Không ít nông sản bị rơi vào vòng luẩn quẩn "được mùa mất giá", hay đến kỳ thu hoạch mà không có người mua, ế ẩm bán với giá rẻ hoặc đổ đống vỉa hè. Nhiều nông sản còn phải kêu gọi “giải cứu”. Trong khi đó, có loại nông sản giá trị tưởng như chỉ tính bằng mấy đồng tiền lẻ, thậm chí có thể xin nhau được lại thu về hàng triệu đô.
Đơn cử,tía tôvốn là rau gia vị được bán phổ biến khắp các chợ Việt Nam. Chỉ bỏ ra 1.000-2.000 đồng, người tiêu dùng có thể mua được một mớ. Thế nhưng, cách đây không lâu, một trang trại ở huyện Lương Tài (Bắc Ninh) đã trồng được lá tía tô xanh để xuất khẩu sang Nhật Bản.
Điều đáng nói, tía tô khi xuất sang Nhật có giá từ 500-700 đồng/lá. Trang trại này thu được một khoản tiền không hề nhỏ khi mỗi ngày xuất sang đất nước mặt trời mọc khoảng 100.000 lá tía tô (45kg - thu khoảng 50-70 triệu đồng). Theo tính toán, nếu áp dụng đúng quy trình thì một hecta tía tô sẽ cho thu hoạch 17-18 triệu lá, doanh thu tầm 2,5 tỷ đồng.
Tương tự, lá chanh vốn là loại gia vị được sử dụng phổ biến nhất trong món gà luộc, thường được các tiểu thương tặng kèm khi mua gà. Song một công ty ở TP.HCM quyết định đặt hàng các nhà vườn mua lá chanh xuất khẩu sang châu Âu, thu về cả triệu đô.
Hay, trải qua gần 10 năm thăng trầm, gắn bó với cây trầu không, hơn nửa năm nay, nhờ trồng lá trầu không đạt chuẩn mà người dân ở xã Nghi Xuân (TP. Vinh, Nghệ An) thu tới 30-40 triệu đồng/tháng. Có hộ thu tới gần nửa tỷ đồng mỗi năm.
Trước đó, một số doanh nghiệp trong TP.HCM cũng chọn lá chuối, là khoai mì,... để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Đông Âu,... thu về lượng ngoại tệ rất lớn.
Làm đúng cách, cửa sẽ rộng mở
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Xuân Bằng - Giám đốc dự án trồng lá tía tô xanh xuất khẩu sang Nhật Bản, cho hay, tía tô là mặt hàng nông sản nhỏ nhưng với thị trường Nhật lại cực kỳ tiềm năng.
Tất nhiên, theo ông Bằng, không phải lá tía tô nào cũng có thể xuất khẩu sang Nhật, bởi thị trường này cực kỳ khó tính. Trang trại của ông phải đạt chuẩn theo đúng quy trình phía Nhật yêu cầu mới có thể xuất khẩu.
Ví như, giống tía tô phải nhập khẩu hoàn toàn từ Nhật Bản, đất trồng được xới bằng tay, tưới nước bằng hệ thống phun sương, dùng đèn chiếu sáng để đảm bảo nhiệt độ lúc nào cũng duy trì ở ngưỡng 33-35 độ C cùng hệ thống quạt thông gió trong nhà kính,...
Tía tô sẽ cho thu hoạch sau một tháng trồng. Song, không phải lá nào cũng có thể xuất khẩu được. Chỉ những lá tía tô thứ 7 của cây, với kích thước 6-8cm, không rách, mới được phía đối tác chấp nhận.
Sau khi thu hoạch, lá được đưa vào phòng lạnh phân loại, xếp thùng theo đúng số lượng khách hàng yêu cầu. Sau đó, lá được đưa vào nhà lạnh ở 10 độ C để lá cứng, giữ được độ tươi và chuyển đến Nhật qua đường hàng không. Thông thường, từ khi rời cây ở Việt Nam đến bàn ăn của người Nhật, quy trình thu háo, vận chuyển lá tía tô chỉ tầm 24 tiếng.
Ông Bằng cho biết, không riêng gì lá tía tô, với các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam cũng vậy, chỉ cần có phương pháp làm chuẩn, đúng theo quy định của các bạn hàng nước ngoài, lúc đó thị trường sẽ tự động rộng mở chào đón hàng nông sản của Việt Nam.
TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cũng thừa nhận, cả thị trường chủ lực và thị trường ngách đều khai thông được nếu biết làm đúng cách.
Ngoài lá tía tô là điển hình thành công ở Việt Nam, thì gạo Campuchia là một minh chứng. Tại sao gạo Campuchia lại xuất hiện tràn ngập ở Việt Nam, đặc biệt là ở vựa lúa gạo ĐBSCL? Lý do đơn giản là họ biết được thế của mình, đó là trồng những giống lúa mà Việt Nam đã bỏ từ lâu. Chẳng hạn như giống lúa địa phương một vụ lúa mùa, ít dùng phân thuốc, thời gian sinh trưởng dài nên chất lượng gạo rất tốt, người dùng có cảm giác an toàn hơn, đáng tin cậy hơn.
Chọn cửa ngách, họ đã thành công. Gạo Campuchia bán đầy chợ tại các tỉnh miền Nam, hay chính tại thủ phủ lúa của Việt Nam là ĐBSCL, được người dân và hàng quán ưa chuộng.
Theo ông Sơn,nông sản Việttừ trước đến nay vẫn cạnh tranh bằng giá thành thấp, năng suất cao. Thế nhưng, giờ đây, chúng ta cần thay đổi cách thức đi vào chất lượng chứ không phải số lượng để có thể chiếm được thị trường ngách, đồng thời tránh được các đối thủ cạnh tranh đang lấn lướt thị trường chủ lực.