Nơi dưa hấu 'ăn' bò, 'ngậm' sổ đỏ
Người dân xã Bình Chương (Bình Sơn, Quảng Ngãi) đi nhiều nơi mướn đất trồng dưa hấu, giàu có đâu chẳng thấy, chỉ thấy vùng quê này có hàng trăm gia đình rơi vào nợ nần chồng chất.
Mỗi vụ dưa có hàng trăm con bò được bán, hàng trăm sổ đỏ nằm ở ngân hàng. Cũng vì thế, người dân Bình Chương ví von rằng, vùng đất này rất đặc biệt: Dưa hấu “ăn” bò, “ngậm” sổ đỏ.
Ra đi rước nợ về
Người dân xã Bình Chương không nhớ chính xác từ thời điểm nào họ đi mướn đất trồng dưa hấu khắp các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Họ nhớ mang máng cách đây khoảng 10 đến 15 năm về trước, mỗi vụ trồng dưa thì nhà nhà, người người lên đường đi Đăk Lăk, Gia Lai, Bình Định, Phú Yên… và một số huyện của tỉnh Quảng Ngãi trồng dưa hấu kiếm thêm thu nhập. Đám thanh niên, cặp vợ chồng lên đường để lại con cái, cha mẹ già tự chăm lo.
Ông Phạm Văn Hùng, Bí thư xã Bình Chương cho biết, xã có 1.700 hộ, thì 1/3 dân số sống bằng nghề trồng dưa hấu tha hương. Mỗi năm 3 vụ, thời gian 2-3 tháng/vụ.
“Ở khu vực miền Trung, nói về trồng dưa hấu thì Bình Chương đứng số 1 về số người trồng và kỹ thuật chăm sóc. Cây dưa đem lại tiền của cho bà con xã nhà, tuy nhiên, nó cũng lấy đi hàng trăm con bò, hàng trăm sổ đỏ nằm miết trong ngân hàng. Nhưng biết làm sao, bà con sống với nghề để kiếm sống, trắng tay vụ này thì đầu tư vụ tiếp để vớt lại. Do đó người gặp may thì có tiền trả nợ, người không may mắn thất bát nặng nề”, ông Hùng chia sẻ.
Theo ông Hùng, đầu tư trồng dưa hấu cần số vốn lớn, trong khi tiền của ít ỏi nên người dân cầm sổ đỏ vay ngân hàng. Thế nhưng dưa mất mùa liên tiếp, để có tiền trả nợ, người dân bán bò, bê… hoặc “nhốt” sổ đỏ ở ngân hàng. Qua nhiều vụ dưa trắng tay, đến kỳ đáo hạn buộc phải vay lãi nóng “chuộc” về, sau đó “đút” vào ngân hàng vay tiếp.
Cái vòng lẩn quẩn ấy xảy ra lâu nay ở Bình Dương mà chưa có lời giải. Hỏi về những gia đình trồng dưa hấu ôm nợ, ông Hùng nói ngay: “Nhiều lắm, đếm không hết, chẳng đi đâu cho xa, bên hông UBND xã có đến hàng chục hộ rồi. Năm năm trở lại đây người trồng dưa thường xuyên thất bại nặng nề, bởi vụ thì được mùa mất giá, vụ mất giá mất mùa… nên đẩy người trồng dưa vào cảnh bể nợ”.
Rời UBND xã chừng 50 m, gặp ông Phạm Văn Thanh, ở thôn An Điềm 2 đang làm phụ thợ hồ, ông cho biết: Vụ dưa từ tháng 12 đến 2 âm lịch vừa qua, ông vay ngân hàng và lãi nóng 150 triệu vào xã Suối Bạc (Sơn Hòa, Phú Yên) mướn 2 ha đất trồng dưa hấu.
Trồng dưa thua lỗ, ông Phạm Văn Thanh đi làm phụ hồ.
Tiền thuê đất mất 7 triệu đồng/ha/vụ; tiền giống, phân bón, thuốc BVTV, điện, thuê nhân công thu hoạch, bốc vác… hết 65 triệu đồng/ha.
“Rứa mà sau hơn 2 tháng, dưa sắp cho thu hoạch với năng suất ước đạt 24 tấn/ha thì bị ông trời cướp mất, trận mưa đá đổ xuống 2 ha dưa của tui hỏng hơn 1 nửa. Trong khi giá bán 1.000 đồng/kg, tui thu về hơn 10 triệu đồng, mất trắng gần 135 triệu đồng”, ông Thanh chua chát kể.
Tôi hỏi: "Đang vào vụ trồng dưa sao anh không đi trồng?". Ông đáp: “Tui hết vốn rồi, tài sản bay theo dưa không còn một đồng xu dính túi. Dưa hấu cướp đi 2 con bò mới đủ số tiền vay trả lãi nóng, giờ tui đi làm phụ thợ hồ lấy tiền trả lãi ngân hàng”.
Cũng trong đám phụ thợ hồ, anh Nguyễn Văn Lưu, thôn An Điềm 2 vừa dính phải mùa dưa đắng.
Anh bán 4 con bò được 75 triệu đồng và vay ngân 20 triệu đồng vào xã Sơn Thành Tây (Tây Hòa, Phú Yên) thuê 1,6 ha trồng dưa hấu.
Anh Nguyễn Văn Lưu làm phụ thợ hồ lấy tiền trả tiền lãi ngân hàng.
Ai ngờ, vụ dưa mất mùa, mất giá khiến anh trắng tay. Để có tiền trả lãi ngân hàng, anh nhập hội cùng ông Thanh làm phụ thợ hồ.
Chua xót hơn là gia đình bà Phạm Thị Dong, thôn Bình Nam, bà có hai người con trai là Lê Văn Anh và Lê Văn Vũ tha hương trồng dưa. Đã 6 năm liền hai người mướn đất ở Đăk Lăk làm nghề. Ai ngờ quãng thời gian ấy đã đã “nuốt” 4 con bò của bà Dong chăm sóc ròng rã nhiều năm trời, cộng với số tiền nợ ngân hàng 60 triệu đồng.
Hiện Anh đang ở lại Đăk Lăk làm thuê, còn người em về quê làm thợ hồ. Số tiền nợ nần đang chờ hai con bê mà bà Dong nuôi lớn bán để trả. Một kết cục đáng buồn đang ấp nhà bà Dong.
Tan đàn xẻ nghé
Tìm hiểu về những người dân mất bò, vay ngân hàng nhưng khó trả vì dưa hấu, chúng tôi được bà Cù Thị Hồng, ở thôn An Điềm 1 cho biết, bà có đứa em trai là Cù Văn Thương ở thôn An Điềm 1 thường xuyên tha hương mướn đất trồng dưa hấu, nhưng do thua lỗ liên tiếp, hiện đang nợ ngân hàng 70 triệu đồng, nợ anh chị em gần 100 triệu đồng.
Nhưng đau buồn hơn, cây dưa đã khiến gia đình em trai bà “tan đàn xẻ ghé”, hạnh phúc vợ chồng tan vỡ. Người vợ bỏ chồng con đi biệt tăm, biệt tích, hai người con của anh Thương thì bà Hồng nuôi một đứa, còn một đứa chị của bà Hồng chăm sóc. Để có tiền trả nợ, anh Thương vay tiền đầu tư trồng dưa ở bãi bồi sông Trà Khúc, huyện Sơn Tịnh nhằm gỡ nợ.
Tìm gặp anh Thương ở ruộng dưa hỏi chuyện, anh chia sẻ: Hơn 7 năm nay anh rong ruổi nhiều vùng đất trồng dưa. Những năm trở lại đây, trồng dưa hấu không cho thu nhập cao, bởi thường xuyên mất mùa, giá cả bấp bênh. Phần nữa do thời tiết, phần đầu ra không có, thế nhưng giá thuê đất, nhân công, phân bón tăng chóng mặt.
Anh Thương thật thà kể, vụ dưa từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2014, anh thua lỗ gần 100 triệu đồng nên vợ chồng xích mích, sau đó, người vợ bỏ anh, bỏ con ra đi. “Mất vì dưa lấy dưa mà gỡ, chứ không còn cách nào khác. Để có vốn đầu tư tiếp, tui cầm sổ của chị gái vay ngân hàng được 50 triệu trồng vào bãi bồi sông Trà Khúc thuê 8 sào đất.
Mong vụ dưa này được mùa, được giá tui mới có tiền lấy lại sổ đỏ cho chị gái, còn không, chỉ có cách vay lãi nóng, trả cho ngân hàng, sau đó bán nhà để trả nợ. Hai đứa con tui chỉ biết phó thác cho 2 chị gái, còn tui hết đất sống ở đây rồi, phải xa nhà đi làm thuê kiếm sống”, anh Thương bộc bạch.
Hai cha con anh Cù Văn Thương chăm sóc dưa.
Ngoài hoàn cảnh éo le của anh Thương, ở xã Bình Chương có chuyện đau buồn hơn vậy. Theo người dân, cách mấy năm về trước, ông Sáu Thậm, thôn An Điềm 1 mướn đất trồng dưa liên tiếp thua lỗ, nợ nần chồng chất nên vợ chồng cãi nhau thường xuyên. Trong lúc suy nghĩ không chín chắn, ông uống thuốc sâu tự tử.
“Một cái chết rất đau buồn, nhưng toàn xã Bình Chương đất đai cằn cỗi, khô hạn. Không mướn đất trồng dưa thì chẳng biết làm gì để sinh sống. Có lỗ mấy cũng phải làm, đến khi hết cách thì bán nhà cửa, chứ không thể không trồng dưa được”, một người dân nói.
Ông Phạm Văn Hùng, Bí thư xã Bình Chương nói: “Cây dưa hấu đem lại hiệu quả kinh tế cao, hiện bà con đã xem nó là một cái nghề. Kỹ thuật chăm sóc cây dưa quá đạt, nhưng sản phẩm bà con làm ra bấp bênh. Để cây dưa hấu đem lại hiệu quả kinh tế thì không còn cách nào khác, Nhà nước giúp nông dân tìm đầu ra, chứ trông chờ Trung Quốc thì chỉ... có chết”.
Cũng theo ông Hùng, thời gian qua có nhiều cơ quan đoàn thể kêu gọi “chống ế” quả dưa hấu ở nhiều địa phương, đây là cách làm tạm thời. Hàng nông sản phải có thị trường tiêu thụ lớn và ổn định, còn tiêu thụ theo kiểu “tình thương” chỉ giải quyết một vài mùa vụ. Nhà nước phải có chính sách đối với cây dưa hấu, bởi tiềm năng các tỉnh miền Trung trồng dưa rất còn lớn.