Những xu hướng mới trong ngành bán lẻ thời trang trực tuyến
Các nhà bán lẻ thời trang trực tuyến hàng đầu đã và đang tiếp tục phát triển những công nghệ và tính năng mới cho việc bán hàng thời trang trực tuyến trở nên dễ dàng và thân thiện với người dùng hơn nữa.
Bán ngay và bán nhanh nhất các bộ sưu tập thời trang mới nhất
Thương mại điện tử hiện nay đã giúp cho hoạt động bán lẻ thời trang trên thế giới trở lên bùng nổ hơn bao giờ hết. Trái với xu hướng bán lẻ theo tư duy kiểu cũ trước đây, các nhà thiết kế thời trang thường phải dấu giếm hoặc bảo mật rất kỹ các mẫu thiết kế thời trang của mình sau mỗi lần ra mắt bộ sưu tập tại các tuần lễ thời trang lớn của các trung tâm thời trang của thế giới như London, Paris, New York, Milan, Madrid...
Xu hướng kinh doanh mới nhất hiện nay là các nhà thiết kế và các thương hiệu thời trang lớn trên toàn thế giới cố gắng tiếp cận nhanh nhất những khách hàng nghiện hàng hiệu và thời trang sành điệu, bởi suy cho đến cùng thì cũng cần phải “bán được hàng”.
Thương mại điện tử 3.0 hiện nay đã cho phép các nhà thiết kế tìm kiếm những cách tiếp cận khác biệt, độc đáo và hướng tới những khách hàng tiềm năng nhằm gia tăng doanh số bán hàng, phát triển chuỗi cửa hàng trên toàn cầu hoặc tiếp cận thị trường toàn cầu bằng thương mại điện tử., đồng thời tiếp tục củng cố và phát triển thương hiệu.
Điều này được giải thích một cách dễ hiểu vì trong thời đại Internet, thương mại điện tử và truyền thông xã hội điện tử cho phép tiếp cận thông tin quá dễ dàng. Sau khi ra mắt bộ sưu tập tại tuần lễ thời trang quốc tế rất có thể các mẫu thiết kế đó có thể bị copy và xuất hiện tràn lan trên tất cả các website bán lẻ thời trang. Hơn nữa về mặt hành vi của khách hàng, đặc biệt là khách hàng đam mê thời trang cao cấp họ luôn muốn sở hữu những mẫu thiết kế mới nhất đó ngay và luôn.
Đây chính là động lực cho các hãng thời trang quốc tế thay đổi quan điểm kinh doanh và marketing, nhiều hãng thời trang lớn thuê những chuyên gia hàng đầu về marketing điện tử để tung ra các chiến dịch bán hàng đặc biệt dành riêng cho các hoạt động bán lẻ trực tuyến trên phạm vi toàn cầu.
Nhà bán lẻ thời trang trực tuyến Topshop - một website thương mại điện tử đã tung ra tính năng "đặc quyền trực tuyến" cho website của mình để cho phép khách hàng đặt mua các sản phẩm thuộc các bộ sưu tập mới nhất của các nhà thiết kế ngay sau tuần lễ thời trang London 2014. Ngay lập tức website Topshop đã thu hút trung bình khoảng 4,5 triệu lượt truy cập/ tuần.
Ngày nay khách hàng sử dụng rất nhiều nền tảng social media (truyền thông xã hội điện tử) để giao tiếp, giải trí, kinh doanh và nhiều mục đích khác. Các nền tảng phổ biến trên thế giới cũng như tại Việt Nam như Facebook, Instagram, Viber, Twitter...
Vì vậy, có thể khẳng định yếu tố tốc độ và sự tiếp cận khách hàng đúng kênh là chìa khóa của sự thành công trong kinh doanh bán lẻ thời trang trực tuyến hiện đại. Khách hàng nhìn thấy sản phẩm của bạn, họ hình dung, họ ướm thử sản phẩm của bạn (có thể dùng phần mềm thử đồ trực tuyến hoặc ghé qua cửa hàng) và quyết định mua hàng. Đó là tất cả những gì mà các chuyên gia marketing đang giúp các nhà bán lẻ thời trang cố gắng thực hiện.
Các mẫu sản phẩm thời trang mới nhất, xu hướng thời trang mới nhất, bộ sưu tập đình đám nhất dần dần và liên tục được bật mí và hé lộ trên các dịch vụ mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter… và dành riêng cho những người theo dõi thương hiệu.
Nếu như khách hàng thích và đặt mua sản phẩm bằng cách để lại thông tin cá nhân qua lời bình luận (comments) hoặc truy cập vào website mua hàng ... thì các siêu phẩm thời trang mới nhất - mà bạn vừa mới nhìn thấy trên tạp chí hoặc TV sẽ được vận chuyển đến tận tủ đồ của bạn chỉ trong một vài ngày ngắn ngủi.
Topshop, Net-a-porter, asos… chỉ là một trong số các ví dụ của các nhà bán lẻ thời trang sử dụng thương mại điện tử và marketing điện tử đưa ra chiến lược bán hàng trực tuyến khác biệt và dẫn đầu xu hướng bán lẻ thời trang hiện đại. Các nhà bán lẻ thời trang trên thế giới cũng đang học tập chiến lược này và hy vọng chiến lược này sẽ làm tăng doanh số bán hàng trực tuyến và doanh số trên toàn cầu.
Hiện tại ở Anh Quốc, các nhà bán lẻ thời trang còn tổ chức các hội thảo với sự tham gia các chuyên gia hàng đầu của Google, Facebook... để giúp cho các nhà thiết kế, các nhà bán lẻ và các thương hiệu thời trang hiểu được tầm quan trọng của chiến lược bán hàng trên social media. Theo số liệu thống kê của Hội đồng Thời trang Anh cho thấy các thương hiệu thời trang của Anh đã ứng dụng thương mại điện tử và chiến lược bán hàng trên social media lên tới 43% năm 2014 so với 33% năm 2013.
Tăng trưởng mạnh trong mảng bán lẻ trực tuyến
Bán lẻ thời trang trực tuyến đã, đang và sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Anh Quốc, Châu Âu và nhiều thị trường có nền thương mại điện tử phát triển bao gồm cả Việt Nam.
Các nhà bán lẻ thời trang trực tuyến hàng đầu đã và đang tiếp tục phát triển những công nghệ và tính năng mới cho việc bán hàng thời trang trực tuyến trở nên dễ dàng và thân thiện với người dùng hơn nữa.
Ví dụ như tính năng chụp ảnh sản phẩm 3D, tính năng quay video sản phẩm 3D, tính năng thử đồ trực tuyến bằng cách cung cấp các thông tin và hình ảnh của khách hàng bạn sẽ có được một avatar kèm theo sản phẩm hoặc tính năng thiết kế, cắt may sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng (tính năng này website Landsend.com đã rất thành công với mô hình cắt may theo yêu cầu trực tuyến) và thậm chí là thiết kế và may đo theo thời gian thực. Bạn hoàn toàn có thể được may đo bởi một nhà thiết kế thời trang nổi tiếng trên thế giới mà không cần phải gặp trực tiếp. Đây là những xu hướng kinh doanh trực tuyến rất mới mẻ ở trên thế giới của những hãng thời trang nổi tiếng.
Không nằm ngoài cuộc chơi công nghệ và thương mại điện tử, thương hiệu thời trang xa xỉ Burberry (Anh) hiện đang hợp tác với Twitter để cho phép bán trực tiếp các sản phẩm của Buberry ngay trên tài khoản Twitter của Buberry thông qua tính năng nút mua hàng "Mua ngay".
Đây cũng là tính năng mà Facebook, Twitter và nhiều dịch vụ mạng xã hội khác đang thử nghiệm và sớm đưa vào sử dụng và hình thành nên mạng xã hội thương mại điện tử. Mặt khác Buberry cũng triển khai dịch vụ thiết kế và may đo theo yêu cầu trực tuyến của khách hàng, dịch vụ mà trước đây chúng ta thường ít thấy có ở những hãng thời trang xa xỉ.
Những xu hướng mới này đã bắt đầu có hiệu quả và tạo ra rất nhiều cơ hội mới cho những hãng đi đầu thị trường và có thể sẽ làm thay đổi ngành công nghiệp thời trang và ngành bán lẻ thời trang trong tương lai gần. Vì sự phát triển quá nhanh và phổ biến của công nghệ, ứng dụng Internet và thiết bị phần cứng thông minh, kết nối với khách hàng và bán hàng trực tuyến hoặc là chịu sự cạnh tranh và nguy cơ phá sản.
Các nhà thiết kế, hãng thời trang và những nhà bán lẻ cần biết rằng, khách hàng có thể xem trực tuyến show thời trang của bạn trên Youtube bằng điện thoại di động, họ sẽ tìm kiếm sản phẩm của bạn trên Google hoặc website của bạn. Đó là sự khởi đầu về cảm giác, sự tò mò, đánh thức nhu cầu hoặc ý thức về đẳng cấp xã hội của khách hàng. Và bạn có thể sẽ bán được hàng ngay sau đó.
Bài học cho ngành bán lẻ thời trang Việt Nam
Thương mại điện tử thực sự là hoạt động thương mại không biên giới với sự kết nối toàn cầu của Internet, các giải pháp thanh toán trực tuyến toàn cầu, các dịch vụ giao vận đảm bảo, nhanh chóng ở bất cứ nơi đâu. Các nhà bán lẻ thời trang, các nhà thiết kế thời trang và các hãng thời trang của Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi những kinh nghiệm, chiến lược và cách làm theo xu hướng của các nhà bán lẻ thời trang trên thế giới.
- Có thể tiếp chủ động cận khách hàng, đối tác tại các thị trường quốc tế thích hợp, phù hợp với chiến lược sản phẩm và chiến lược thị trường của doanh nghiệp.
- Đầu tư website thương mại điện tử với nhiều tính năng thuận tiện và hiện đại cho khách hàng: khả năng thanh toán và thanh toán quốc tế ; chế độ đa ngôn ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp...) cho website; tính năng bảo mật và uy tín cho khách hàng; giao diện website phù hợp với xu hướng...
- Tham khảo các xu hướng thiết kế thời trang mới nhất để nắm bắt phong cách thiết kế nâng cao giá trị của sản phẩm. Cập nhật các chiến lược bán hàng, cách thức bán hàng của hãng quốc tế và vận dụng trong khả năng cho phép.
- Tận dụng sức mạnh của thương mại điện tử và social media như Facebook, Google, Youtube, website... để tiếp cận khách hàng và tìm kiếm đối tác.
Phan Anh