Những nông dân làm giàu nhờ... lên núi

06/05/2015 13:57 PM |

Nội dung nổi bật:

- Họ bị gọi là "điên", là "khùng" khi bỗng dưng một ngày từ bỏ chốn phồn hoa đô thị - nơi vốn được coi là "mảnh đất màu mỡ" để kiếm tiền... mà đến với những mảnh đất "chó ăn đá gà ăn sỏi" nơi thâm sơn cùng cốc để lập nghiệp.

- Kỳ thực, họ không điên cũng chẳng khùng, họ chính là những nông dân triệu phú, tỷ phú dám lên núi làm giàu.


Là người hoàn toàn bình thường, song, anh Trịnh Văn Đàm ở thôn 12, xã Đông Sơn, thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) lại được gắn cho biệt danh “Đàm khùng”. Bởi lẽ, anh luôn làm những việc mà người thường khó làm được, ví như việc dám làm liều "chui" vào trong thung lũng hoang lập nghiệp, nuôi dê hay đưa hươu nuôi nhốt thành “hươu rừng”. Đến giờ, anh đã thành danh, sở hữu số tài sản trị giá hàng tỷ đồng. 

Năm 1992, anh Đàm xuất ngũ về quê, lập gia đình. Có cả mẫu đất trong tay nhưng 2 vợ chồng làm mãi cũng chả đủ ăn. Đúng vào lúc đó, nghe được tin bên xã Đông Sơn phát động phong trào đi xây dựng vùng kinh tế mới, thấy cơ hội đến anh Đàm lên xin tham gia ngay.

“Vùng chọn làm kinh tế là khu vực thung lũng núi đá tai mèo, cây cối rậm rạp, không một bóng người, khi đó vẫn còn nhiều thú dữ sinh sống lắm. Khi khảo sát xong về kể lại với mọi người trong gia đình và hàng xóm mà ai cũng sợ, khuyên, ngăn không cho tôi đi, nhưng lòng đã quyết nên tôi vẫn lên làm cho bằng được, biệt danh “Đàm khùng” gắn với tôi từ đó” - anh Đàm nhớ lại.

Sau nhiều năm khai hoang, anh Đàm đã có hơn 10ha đất, vừa kết hợp trồng hoa màu, anh Đàm đầu tư mạnh tay vào chăn nuôi. Ban đầu anh chỉ nuôi dê thả núi và gà…Đến năm 2000, được bạn bè mách nước, sẵn vốn trong tay anh Đàm đi tìm mua 2 con hươu nái và 1 hươu đực về nuôi.

Ngoài việc chăn nuôi hươu hoang dã, gia đình anh còn chăn thả gần 200 con dê, và đầu tư diện tích ao cá truyền thống gần 2ha. Riêng với thu nhập tư bán dê giống, thịt và cá, mỗi năm gia đình anh có thêm nguồn thu hàng trăm triệu đồng.

Lên núi nuôi cá hồi, lãi tiền tỷ

Lên Sa Pa, Lào Cai, ngoài thưởng thức vẻ đẹp cảnh quan nơi đây thì du khách còn được ngắm những chiếc hồ nuôi cá hồi vắt ngang lưng chừng thác của tỷ phú Nguyễn Thái Thịnh, ở tổ 7, xã Tả Phìn. Được biết, sau khi Trung tâm Nghiên cứu cá nước lạnh nuôi thử nghiệm thành công cá hồi ở Sa Pa, anh Thịnh đã khảo sát và chọn suối Thầu ở Tả Phìn để nuôi cá hồi. Anh thuê máy đào 400m2 ao và thả 7.000 cá giống.

 

mỗi năm anh Nguyễn Thái Thịnh lãi 1,3 tỷ đồng từ cá hồi. (Ảnh: Dân Việt)
 

mỗi năm anh Nguyễn Thái Thịnh lãi 1,3 tỷ đồng từ cá hồi. (Ảnh: Dân Việt)
 

Anh Thịnh bảo, nuôi cá hồi không khó, cái cốt là phải giữ được nguồn nước sạch, nhiệt độ thích hợp từ 10 - 17 độ C. "Nếu thấy cá nhao vào nguồn nước, chê cám là cá bị bệnh nấm cần kiểm tra ngay, sau đó dùng muối khoảng 50kg/600m2 ao để khử trùng nguồn nước, lập tức cá sẽ ăn khỏe trở lại" - anh Thịnh chia sẻ kinh nghiệm.

Bỏ phố lên núi mở trang trại

Với quyết tâm làm giàu, ông thương binh Lê Thành Trung ở tổ 4, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu (Đà Nẵng) đã bỏ cuộc sống nơi thành phố lên vùng núi thôn Khương Mỹ, xã Hoà Phong, huyện Hòa Vang để làm trang trại tổng hợp nuôi heo, gà, vịt và trồng keo lấy gỗ. Mỗi năm trang trại đem về cho gia đình ông hơn 350 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Ngày ấy, nhìn vợ tần tảo chăm lo cho mình và các con khiến ông không đành lòng. Quyết tâm làm một thương binh "tàn nhưng không phế", ông Trung một mình lặn lội khắp nơi tìm hiểu mô hình làm ăn khá giả của bạn bè chiến đấu năm xưa. Có đất, ông cất căn chòi nhỏ, thức khuya dậy sớm khai hoang.

 

Ông đào 4.000m2 đất thành 2 ao để nuôi cá quả, cá rô phi, 800m2 đất ông rào lưới sắt cẩn thận nuôi 50 con heo rừng, xây chuồng trại theo hướng công nghiệp trên diện tích 600m2 nuôi 200 con heo nái. (Ảnh: Dân Việt)

Vịt, gà ta, ông nuôi thả vườn hơn 1.000 con. Ngoài chăn nuôi, ông Trung còn trồng 15ha keo lá tràm để bán lấy gỗ. Riêng heo rừng, ông thả nuôi dưới tán cây rậm, có nơi trú ẩn cao tránh thời tiết mưa lũ.

Tạm xa vợ con, lên núi… nuôi dê

Mong muốn đổi đời bằng nghề nuôi dê, anh Hà Văn Tâm (người Thái, thôn Lọng, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, Thanh Hóa) đã quyết định tạm xa vợ con rời làng lên núi gây dựng đàn dê và trâu, bò.

 

Không cam chịu cảnh nghèo, anh Tâm bàn với vợ ý tưởng rời làng lên núi Trợi làm trang trại tổng hợp.  (Ảnh: Dân Việt)
 

Không cam chịu cảnh nghèo, anh Tâm bàn với vợ ý tưởng rời làng lên núi Trợi làm trang trại tổng hợp.  (Ảnh: Dân Việt)
 

Đó là nơi có địa hình phức tạp, cách xa dân cư, giao thông rất khó khăn, có 5km phải đi bộ. Tuy nhiên, bù cho thiệt thòi ấy, anh nhìn thấy tiềm năng của thiên nhiên, thức ăn cho gia súc, gia cầm trên núi rất lớn, phù hợp với điều kiện người ít vốn khởi nghiệp như anh.

Sau hơn 10 năm lăn lộn chịu khó, anh khai thác được gần 200ha khu núi Pu Mới để phát triển kinh tế trang trại, đến cuối năm 2014, tổng đàn vật nuôi của gia đình anh có 250 con dê, 65 con bò và 11 con trâu. Mỗi năm, anh bán 4-5 con trâu, bò thịt, thu về khoảng 100-120 triệu đồng; dê bán ra 30-35 con (tổng trọng lượng khoảng 680-700kg), cộng thêm khoản thu từ cá, gà, vịt trên núi, anh có thêm gần 120 triệu đồng.

Đến nay, tổng giá trị trang trại của anh trên 1,5 tỷ đồng, ngoài ra vợ con anh còn làm 5 sào ruộng, nuôi 3 con bò, 500m2 ao cá, cho thu nhập thêm khoảng 50-60 triệu đồng/năm.

Bỏ Sài thành lên núi với... atiso bạc tỷ

Trong khi nhiều nông dân thành phố hoa “quay lưng” lại với cây atiso - đặc sản của Đà Lạt do giá cả bấp bênh, đầu ra thiếu ổn định, thì anh Nguyễn Trung Thành, một người con đất Sài thành lại bỏ phố lên núi để gắn bó với loại cây trồng này dưới chân núi LangBiang.

 

Nguyễn Trung Thành gắn bó với cây atiso dưới chân núi LangBiang. (Ảnh: Báo Lâm Đồng)

Nguyễn Trung Thành gắn bó với cây atiso dưới chân núi LangBiang. (Ảnh: Báo Lâm Đồng)

Lúc đầu, khi mới lên miền đất mới, anh chọn một số giống hoa cao cấp của Đà Lạt như ly, cẩm chướng để canh tác nhưng do thiếu kinh nghiệm nên không hiệu quả.

Sau đó, anh đã tìm tòi, học hỏi cũng như thấy được tiềm năng của cây atiso nên anh đã bén duyên với loại cây này từ đó. Theo anh Thành, Đà Lạt là một thành phố du lịch và du khách khi đến đây, lúc ra về muốn có những sản phẩm mang về làm quà. Trong đó, atiso là một trong những đặc sản được nhiều du khách lựa chọn.

Loại cây này có thể trồng ngoài trời, chăm sóc đúng quy trình thì cây sẽ phát triển tốt, cho sản lượng cao. Một ưu thế nữa của cây atiso là thu hoạch được 100% từ rễ, thân, lá, hoa, không để lại một sản phẩm thừa nào. Hiện tại, bình quân vườn atiso với hơn 3ha đang mang về cho gia đình anh thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm.

>>Nông nghiệp "Thuận tự nhiên"

Theo Hồng Liên

Cùng chuyên mục
XEM