Sự thua thiệt của nông nghiệp Việt Nam
Nông, lâm nghiệp, thủy sản là bệ đỡ, chiếm gần một nửa tổng số lao động và 2/3 dân số của cả nước. Tuy nhiên, trên thực tế, quý I năm nay và trong thời gian tới, ngành nông nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục bị thua thiệt về nhiều mặt.
Theo đó, giá trị tăng thêm của nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng thấp hơn cùng kỳ mấy năm trước. Tỷ lệ giữa tốc độ tăng của nhóm ngành này so với tốc độ chung cũng như tốc độ tăng của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và nhóm ngành dịch vụ cũng thấp hơn cùng kỳ mấy năm trước.
Trong 3 ngành của nhóm ngành này, trừ lâm nghiệp tăng khá (nhưng có tỷ trọng rất nhỏ), còn lại ngành nông nghiệp có tỷ trọng lớn nhất lại tăng thấp nhất, ngành thủy sản có tỷ trọng lớn thứ hai cũng tăng thấp.
Hiện tại, trong nước, nông, lâm nghiệp, thủy sản gặp khó khăn do giá cả: Trong quý I, tuy giá bán của người sản xuất có tăng (2,05%), nhưng tăng thấp hơn nhiều so với giá mua nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất (tăng 3,46%). Điều đó đã làm cho nông nghiệp chưa thoát khỏi tình trạng “lấy công làm lãi”.
Tốc độ tăng giá bán của người sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản cũng thấp hơn tốc độ tăng giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 2,14%), chứng tỏ lợi ích đã thuộc về khâu trung gian. Đó là việc mua của người sản xuất bán cho người tiêu dùng cuối cùng, còn người sản xuất thì bị thua thiệt.
Như vậy, người sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đã bị thua thiệt ở cả đầu vào và đầu ra. Ở đầu ra tuy còn có xuất khẩu nhưng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý I năm nay giảm sâu so với cùng kỳ năm trước (giảm 13,2%).
Một số mặt hàng có kim ngạch giảm so với cùng kỳ như cà phê (giảm 426 triệu USD), thủy sản (giảm 316 triệu USD), gạo (giảm 194 triệu USD), chỉ tính riêng 3 mặt hàng này đã giảm 936 triệu USD.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản lại lớn, như thức ăn gia súc, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, phân bón, ngô, sữa và sản phẩm sữa, đậu tương, thuốc trừ sâu, cao su, rau quả...
Trong đó có một số mặt hàng có kim ngạch tăng, như thức ăn gia súc, rau quả, thủy sản, phân bón, thuốc trừ sâu, cao su... Đó là chưa kể có một số mặt hàng nhập lậu qua biên giới, lại không bảo đảm VSATTP tạo sự cạnh tranh không lành mạnh với hàng sản xuất trong nước.
Sự thua thiệt của nông, lâm nghiệp, thủy sản còn được dự báo có thể sẽ gia tăng khi Việt Nam thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP) và khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời.
>> Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp: Đừng dùng người nông dân để khảo nghiệm mắc ca