Làm giàu từ tạo hình bánh kem
Không thiếu doanh nghiệp kinh doanh bánh kem nhưng giao bánh từ TP.HCM ra đến Đà Nẵng, Phan Thiết, Buôn Ma Thuột... chắc chỉ có mỗi Phan Kim Hoàng, chủ nhân của thương hiệu bánh kem tạo hình Woa Cake.
Bước ra từ thế giới ảo
Gặp Phan Kim Hoàng khi anh vừa hoàn tất đơn đặt hàng ở tận Cần Thơ, ông chủ nhỏ không giấu được tự hào khi khoe hình ảnh sản phẩm: "Tất cả đều hoàn hảo, chỉ lệch vị trí của 1 miếng sôcôla trang trí trên bánh". Đây là đơn hàng mà đích thân người điều hành Woa Cake giao tận tay cho khách.
Hoàng kể, ban đầu, anh cũng đặt một hãng xe giao nhận nhưng ngay khi đưa bánh đến nhà xe, thấy họ xem thùng bánh của mình không khác gì những kiện hàng khác nên lập tức tính cách khác.
Một mình chở bánh bằng xe máy, biết là cực và phí giao hàng chẳng bù nổi tiền xăng và công sức bỏ ra nhưng Hoàng vẫn muốn trải nghiệm nhiệm vụ này. "Tôi muốn sản phẩm của mình đi xa hết mức có thể”, Hoàng nói.
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh, từ khi còn là sinh viên, Hoàng đã tập tành buôn bán với một cửa hiệu giày trực tuyến. Cách đây 5 năm, thương mại điện tử chỉ vừa khởi phát nhưng Hoàng cũng đã gặt hái được nhiều thành công về mặt doanh số.
Biết đây sẽ là xu hướng mua sắm của giới trẻ nên khi đã lập gia đình với người yêu thích làm bánh hơn dành 8 giờ mỗi ngày ở công sở, Hoàng đã động viên vợ bán bánh trực tuyến, còn mình thì... đầu quân về một đơn vị chứng nhận sản phẩm, ổn định thu nhập đúng với mong ước của ba mẹ.
Tuy chỉ bán qua mạng xã hội, không quảng cáo, nhưng khách hàng vẫn dành cho bánh kem của vợ chồng Hoàng nhiều tình cảm. "Lợi thế của chúng tôi là mang đến sự tiện lợi cho khách hàng. Chẳng hạn như những nhân viên công sở, khi muốn mua bánh kem mừng sinh nhật đồng nghiệp thì phải cử một người đến các cửa hàng chọn bánh.
Với phương thức đặt hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi, chúng tôi sẽ giải quyết được khó khăn đó cho khách hàng", Hoàng phân tích. Tuy cũng có đôi lần khách đặt hàng xong rồi "biến mất", không có người nhận, thiệt hại cả phí vận chuyển lẫn sản xuất nhưng Hoàng vẫn chấp nhận cuộc chơi theo cách của mình.
Bên cạnh phương thức linh hoạt và vị bánh khá ngon, do sản xuất tại nhà, theo đúng số lượng đơn đặt hàng nên Hoàng không mất chi phí mặt bằng và hao hụt..., vậy nên giá thành sản phẩm cũng tương đối cạnh tranh.
Trần Đình Bảo Trâm, một cử nhân chuyên ngành quản trị kinh doanh, vợ Hoàng, ngoài yêu thích làm bánh còn rất đam mê sáng tạo, ứng dụng những công nghệ làm bánh mới nên thường xuyên cập nhật danh mục cho tiệm bánh trực tuyến của hai vợ chồng.
Nhờ vậy mà hình thức những chiếc bánh kem của tiệm luôn khác biệt so với những tiệm bánh truyền thống. Biết được "gu" của khách trẻ là những chiếc bánh kem "không đụng hàng", Hoàng và Trâm định hình cho thương hiệu Woa Cake của mình là bánh kem tạo hình, nghĩa là thiết kế bánh theo đúng yêu cầu của khách hàng và có thể gây ngạc nhiên cho người nhận.
Ước mơ gây dựng chuỗi
Tính sơ bộ, vào giai đoạn thấp điểm, trung bình mỗi tháng, Woa Cake nhận được tầm 300 đơn hàng, quy ra mỗi ngày ít nhất có 10 chiếc bánh kem được bán ra. Doanh thu đủ để vợ chồng Hoàng nuôi 4 thợ phụ và đội ngũ giao hàng, cộng thêm thu nhập từ vị trí Phó phòng Chăm sóc khách hàng Công ty Vina CHG của Hoàng, ắt hẳn cả hai sẽ có dư.
Vậy mà Hoàng vẫn đưa ra quyết định khiến cả hai bên gia đình nội, ngoại đều phản ứng gay gắt: Nghỉ việc, đầu tư tiệm sản xuất bánh, đưa Woa Cake từ chỉ bán hàng trực tuyến thành cửa hàng truyền thống. "Ngày trước, tôi cứ nghĩ bánh kem là mặt hàng sẽ dần thoái trào, nhưng bước vào kinh doanh mới thấy, đây là sản phẩm luôn có nhu cầu đều đặn trên thị trường", Hoàng nhận định.
Theo Hoàng, hiện thị trường nằm gần như toàn bộ trong tay những thương hiệu lớn nhưng hạn chế của những đơn vị này cũng khá nhiều, từ thiết kế sản phẩm đến phương thức kinh doanh... Đó chính là lý do vẫn có đất cho những người mới tham gia thị trường.
Hoàng chia sẻ: "Khi chỉ kinh doanh trực tuyến, có những đơn hàng lớn từ phía các doanh nghiệp nhưng chúng tôi từ chối vì sợ không đáp ứng được". Muốn hoạt động của Woa Cake chuyên nghiệp hơn, lâu dài hơn, Hoàng quyết tâm đầu tư cả sức người lẫn sức của bởi anh tin, chiến lược tập trung vào phân khúc khách hàng doanh nghiệp mình lựa chọn hiện nay vẫn còn rất ít đơn vị cùng ngành quan tâm.
Phải thuê mặt bằng, nhà xưởng... khiến chi phí đầu vào của Woa Cake tăng cao, cách thích ứng của Hoàng là giảm lợi nhuận chứ không tăng giá bán. "Với khách hàng truyền thống, chúng tôi vẫn là "lính mới", phải nuôi dưỡng thị trường", Hoàng chia sẻ.
Định hướng của Hoàng là 5 năm nữa, Woa Cake sẽ phát triển thành chuỗi trên địa bàn TP.HCM, ít nhất mỗi năm phải đầu tư được một cửa hàng. Với lượng khách hàng ngày một tăng như hiện nay, Hoàng tự tin sẽ chạm đến cái đích mình đặt ra.
Để làm được điều này, hai vợ chồng một mặt tập trung phát triển khách hàng, một mặt triển khai chiến lược đào tạo để có nguồn nhân lực ổn định. "Nhiều lần thấy ba mẹ thở dài, thấy vợ lo lắng vì đã dồn hết vốn liếng vào nhà xưởng, tôi chỉ biết quyết tâm và làm việc chăm chỉ để không phụ lòng họ. Người khởi nghiệp nhiều khi cũng cô đơn lắm", Hoàng bảo vậy.