Kiểm duyệt viên Facebook đêm nào cũng mơ thấy ác mộng
"Facebook khuyên chúng tôi hát karaoke hay vẽ tranh để giảm áp lực nhưng không phải lúc nào bạn cũng muốn hát hò sau khi xem ai đó bị đánh đập dã man trên mạng".
Công việc của người kiểm duyệt nội dung tại Facebook là xem các bài viết, hình ảnh và video có nội dung phản cảm như bạo lực hay khiêu dâm rồi xóa đi để giúp mạng xã hội này trở thành một nền tảng mạng xã hội thân thiện hơn với người dùng.
Không ít nhân viên kiểm duyệt của Facebook phải đối mặt với các vấn đề tâm lý nghiêm trọng do phải tiếp xúc với nội dung độc hại suốt cả ngày. Thế nhưng, những gì Facebook khuyên họ nên làm để giảm áp lực là… hát karaoke và vé tranh sau giờ làm.
Trong phiên điều trần về cách Facebook đối xử với nhân viên kiểm duyệt nội dung trước Quốc hội Ireland, kiểm duyệt viên Isabella Plunkett (người làm việc cho Covalen – nhà thầu lớn nhất của Facebook ở Ireland) cho biết lời khuyên của Facebook là có thiện chí nhưng không đủ để giúp họ giảm bớt căng thẳng trong công việc.
Cô gái 26 tuổi nói: "Để giúp chúng tôi, họ cung cấp các huấn luyện viên chăm sóc sức khỏe. Những người này có ý tốt nhưng không phải bác sĩ. Họ gợi ý cho chúng tôi một số hoạt động như hát karaoke hay vẽ tranh. Tuy nhiên, bạn không phải lúc nào cũng cảm thấy muốn hát hò sau khi xem ai đó bị đánh đập dã man trên mạng".
Lạm dụng trẻ em, tự tử hay bạo lực chỉ là một vài trong số những nội dung mà Plunkett phải xem hàng ngày. Cô cho biết thêm: "Tôi đã có những cơn ác mộng khủng khiếp hàng đêm về thứ mình đã thấy. Trong nhiều tháng, tôi phải uống thuốc chống trầm cảm". Tuy được đề nghị gặp bác sĩ của công ty nhưng sau đó cô lại không được sắp xếp cuộc thăm khám nào cả.
Trước đó, Facebook đã hứng chịu không ít chỉ trích vì cách đối xử với nhân viên kiểm duyệt nội dung. Gần đây, một kiểm duyệt viên của công ty ở Taxes được cho là đã chia sẻ một ghi chú nội bộ với nội dung lên án Facebook vì khuyên nhân viên thực hiện các bài tập thở sau khi xem nội dung độc hại.
Giống nhiều nhân viên kiểm duyệt nội dung khác, Plunkett không được phép kể cho gia đình hay bạn bè về công việc của mình vì cô đã ký một thỏa thuận không tiết lộ từ khi bắt đầu công việc.
Chính vì vậy, những người như cô gái trẻ này lại càng cảm thấy cô đơn. Kiểm duyệt viên được thông báo chỉ tiếp xúc với nội dung tự làm hại bản thân hay lạm dụng trẻ em 2 tiếng/ngày nhưng theo Plunkett, thực tế không phải như vậy.
Người phát ngôn của Facebook nới với Business Insider rằng công ty cung cấp hỗ trợ cho các kiểm duyệt viên do nhận thấy việc xem nội dung độc hại ảnh hưởng không tốt đến họ. Theo đó, kiểm duyệt viên được "đào tạo chuyên sâu" và được hỗ trợ tâm lý để đảm bảo sức khỏe.
Người này nói thêm: "Chúng tôi cũng đang sử dụng một số giải pháp kỹ thuật để hạn chế khả năng tiếp xúc của họ với nội dung độc hại. Đây là vấn đề quan trọng và chúng tôi cam kết thực hiện đúng".
Trong khi đó, người phát ngôn của Covalen cho biết: "Chúng tôi coi trọng nhân viên và công việc mà họ làm. Kiểm duyệt nội dung là việc rất quan trọng nhằm giữ an toàn cho cộng đồng trực tuyến.
Covalen cung cấp một loạt các biện pháp sức khỏe kiểm duyệt viên, bao gồm hỗ trợ 24 giờ, huấn luyện sức khỏe bởi chuyên gia có trình độ cao, đào tạo nâng cao về kiểm soát căng thẳng và khả năng phục hồi".
Plunkett nói rằng công việc của cô là "đào tạo thuật toán" và chọn ra những video có hình ảnh và ngôn từ kích động, thù địch để một ngày nào đó máy móc có thể làm thay con người.
Năm 2019, Mark Zuckerberg từng nói một số câu chuyện về kiểm duyệt viên của Facebook có vẻ bị làm quá lên.
Nguồn: BI